Thời gian qua, các cơ quan, ban ngành tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều biện pháp, tuyên truyền để “lấp đầy” khoảng trống về kiến thức pháp luật cho người dân. Nhờ đó, nhận thức của người dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được nâng lên đáng kể, nhiều hủ tục lạc hậu không còn phù hợp với đời sống hiện đã dần được xoá bỏ.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng loạt nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục tập quán của từng dân tộc, từng vùng.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, trong thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành tập trung đẩy mạnh các nhiệm vụ được giao về phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, các thôn, xã ở khu vực biên giới. Hình thức tuyên truyền đa dạng, từ các buổi tập huấn kết hợp hội nghị tuyên truyền pháp luật cho người dân, lắp đặt pano tuyên truyền, chiếu phim ảnh liên quan đến một số vấn đề pháp luật; tập huấn cho những già làng, Người có uy tín, lực lượng báo cáo viên thường xuyên để từ đó nâng cao khả năng phổ biến giáo dục pháp luật đến với người dân.
Cũng theo Ban Dân tộc tỉnh, dựa trên đặc thù của bà con đồng bào miền núi ở Quảng Nam, Ban Dân tộc tỉnh cũng như các đơn vị liên quan, tập trung vào các nhóm tuyên truyền chủ yếu như: Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS; tuyên truyền pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền vận động bà con xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại mà phải tự lực vươn lên thoát nghèo…
Đối với Đề án hỗ trợ bình đẳng giới ở vùng DTTS, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức được hàng chục hội nghị tuyên truyền với hàng trăm đại biểu tại các thôn của xã Trà Tập và Trà Don, huyện Nam Trà My và tại các thôn của ở xã Cà Dy và Tà Pơơ, huyện Nam Giang. In ấn và phát hành hàng ngàn tờ gấp. Bên cạnh đó, tổ chức xây dựng các video tuyên truyền, các phóng sự về bình đẳng giới để công chiếu cho người dân xem. Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh còn thực hiện các biện pháp tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp, gián tiếp thông qua phim ảnh và các chương trình hội thảo về vấn đề chống bạo lực gia đình đối với người dân ở vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.
Ông Alăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho hay, cùng với chú trọng đưa thông tin về các chính sách mới của Trung ương, của tỉnh đến với người dân miền núi, những năm qua, tỉnh đã mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân tộc cấp xã, cấp huyện… Thông qua các đợt tuyên tuyền, tình trạng vi phạm pháp luật vùng đồng bào DTTS có xu hướng giảm dần, nhất là trong bình đẳng giới, bạo lực gia đình.