Lạt mềm buộc chặt

Hải Phong 08/10/2020 09:00

Các cụ xưa thường dạy con gái rằng, lạt mềm buộc chặt, muốn giữ chồng thì phải dùng tình nghĩa vợ chồng, sự yêu thương để cảm hóa chứ không phải bằng cách nổi máu sư tử Hà Đông. Càng hung dữ bao nhiêu thì càng khiến chồng chán ghét, càng đẩy anh ta gần về phía tình địch. Ấy vậy nhưng trên thực tế dễ mấy ai đã có thể kìm nén được cơn giận khi chứng kiến chồng mình ngã vào vòng tay kẻ khác.

Đánh ghen luôn là hạ sách, chỉ thỏa mãn được cái tôi nhất thời mà di họa khôn lường về sau.

Đánh ghen là phạm luật

Mới cách đây khoảng hơn một tuần, xảy ra một vụ đánh ghen kinh hoàng tại một quán cà phê ở huyện Ba Vì (Hà Nội). Một nhóm người vừa lao vào đấm đá, dùng dép guốc nện vào mặt một phụ nữ trẻ, vừa la lối om sòm về việc cô gái đó cướp chồng người khác. Đáng nói, không chỉ dừng lại ở việc “đánh hội đồng”, nhóm người trên còn lột đồ cô gái trẻ đang mặc trên người rồi quay phim như một hình thức hạ nhục dằn mặt tình địch. Sau đó, đoạn video clip trên đã được tung lên mạng cho “cả làng” cùng biết. Lập tức cộng đồng mạng xã hội bị chia rẽ thành hai phe ủng hộ đánh ghen và phản đối vì bất nhẫn.

Người ủng hộ thì cho rằng, đáng đời cô gái nọ vì dám xen ngang, phá vỡ hạnh phúc gia đình người ta. Nào là còn trẻ, đẹp thế mà không biết tự trọng, lại đi cặp kè với thằng có vợ rồi, chắc là đào mỏ đây. Nào là cướp chồng người ta thì bị đánh ghen là đúng rồi, còn oan uổng gì nữa... Song, cũng có nhiều ý kiến phản đối việc đánh ghen dã man của nhóm người kia, cho rằng như vậy là vi phạm pháp luật. Tất nhiên rồi, hành vi đánh ghen rất có thể sẽ bị khép vào các tội: Cố ý gây thương tích (nếu tỷ lệ thương tật trên 11%, hoặc dưới 11% nhưng có tính chất côn đồ, hung hãn, có tổ chức...) và làm nhục người khác.

Thường có câu, giận quá mất khôn. Trong lúc nóng giận không kìm chế được, một số phụ nữ thường rủ bạn bè, người thân... đi đánh ghen “kẻ thứ ba” cho bõ tức. Song, họ không hiểu rằng, việc “kéo bè, kéo đảng” đi hành hung người khác, nhẹ thì bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: Gây rối trật tự công cộng, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác. Nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vào nhà giam “bóc lịch” dài dài. Chỉ vì một phút bốc đồng, mất khôn, phải trả giá bằng tiền (nếu bị phạt vi phạm hành chính), thậm chí mất đứt vài năm ngồi “nhà đá”, liệu có đáng hay không?

Vẫn biết kẻ xen ngang vào hạnh phúc gia đình người khác là vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, quy định về chế độ một vợ một chồng. Song, không phải vì người ta vi phạm pháp luật mà người vợ có quyền đập, hành hạ, hay lột áo lột quần của họ giữa đường giữa chợ. Thay vì đánh ghen, tại sao các bà vợ không tìm chứng cứ, báo các cơ quan chức năng để xử lý cả người phụ nữ chen ngang, cả ông chồng lăng nhăng bồ bịch? Như vậy vừa dạy cho những kẻ lăng nhăng một bài học nhớ đời, vừa văn minh, lịch sự, không vi phạm pháp luật. Đây chính là lựa chọn khôn ngoan của những bà vợ thông mình.

Hậu quả “tan đàn xẻ nghé”

Trước vụ đánh ghen, lột đồ tại quán cà phê ở Ba Vì vài ngày, cũng đã xảy ra một vụ đánh ghen ở giữa Thủ đô phồn hoa đô hội. Một người phụ nữ đã xông ra chặn xe ô tô của chồng đang chở “kẻ thứ ba” tại phố Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Song, thay vì được xả cơn giạn lên cô gái tình địch, chị vợ lại bị anh chồng cho ăn vài cái “cùi chỏ” vào mặt, vào ngực để bảo vệ người tình. Vậy là cục diện thực tế đã bị đảo chiều, từ người đi đánh ghen, cô vợ trở thành nạn nhân bạo lực của ông chồng vũ phu, nhăng nhít. Vụ việc đã làm náo loạn cả khu phố, thu hút người đi đường đứng lại xem rất đông.

Trong vụ đánh ghen này, khó có thể phân định ai đúng, ai sai, bởi cả ba người trong cuộc đều có lỗi. Đầu tiên là anh chồng lăng nhăng trêu hoa ghẹo nguyệt, có mới nới cũ, đi tìm của lạ là đã phản bội người vợ, vi phạm pháp luật hôn nhân gia đình. Thứ đến người vợ thay vì khuyên nhủ chồng, gặp gỡ tình địch để nói chuyện phải trái, lại chọn cách chặn xe ô tô giữa đường để đánh ghen. Có lẽ ý của bà vợ là muốn ông chồng và nhân tình phải xấu hổ trước bàn dân thiên hạ. Song, rốt cuộc người vợ lại tự chuốc lấy xấu hổ khi bị chồng đánh để bảo vệ tình nhân.

Cuối cùng là cô gái trẻ cặp bồ với người đàn ông đã có vợ là người phải chịu trách nhiệm không nhỏ trong câu chuyện tình tay ba này. Sau khi video clip cuộc đánh ghen bị post lên mạng xã hội, cô gái trẻ bị nhiều người vào mắng nhiếc, xỉ vả thậm tệ. Quá xấu hổ, cô đã phải lên tiếng nhận lỗi về việc làm người thứ ba. Song, cô giải thích không phải là do chủ ý muốn như vậy, mà do người đàn ông kia lừa rằng chưa có vợ. Tất nhiên, sẽ chẳng mấy người tin lời giải thích này, bởi cặp kè bên một người đàn ông có vợ mà nói không biết nghe có vẻ... hoang đường. Vậy nên lời giải thích của cô gái “tiểu tam” đã nhận một “rổ gạch đá” của cư dân mạng.

Sự việc dù sao cũng đã xảy ra rồi, có truy cứu ai là người có lỗi nhiều hơn cũng chẳng vãn hồi được cục diện. Song, có một điều chắc chắn là đôi vợ chồng kia sẽ chẳng bao giờ có thể hàn gắn tình cảm được như trước. Vẫn có câu, bát nước hắt đi có vớt lại cũng không thể đầy. Một người thì gào lên đòi xe ô tô chồng đang đi, một người thì bóp cổ, đấm, thúc cùi chỏ vào người vợ, vậy thì làm sao có thể tiếp tục đầu gối tay ấp đây? Ngay cả khi không xảy ra việc đòi xe ô tô, không có chuyện đánh vợ để bảo vệ tình nhân, chỉ riêng chuyện ngoại tình, chặn nhau trên phố đánh ghen thì tình nghĩa hầu như đã dứt. Cơ sự đó liệu có thể “gương vỡ lại lành” được không?

Hành lang pháp lý lỏng lẻo

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng ngày càng nhiều những vụ đánh ghen là do hành lang pháp lý còn lỏng lẻo, dễ bị lợi dụng để ngoại tình. Theo quy định của pháp luật hiện hành về hôn nhân và gia đình (bao gồm cả luật và các văn bản hướng dẫn dưới luật), rất khó để có thể xác định được người nào đang ngoại tình, vi phạm quy định của pháp luật về chế độ một vợ một chồng. Khi không có căn cứ chứng minh ai đó đang sinh sống với nhau như vợ chồng, có con chung, hoặc ảnh cưới... thì không thể khẳng định họ ngoại tình, vi phạm pháp luật và không thể xử lý. Ngay cả khi bắt quả tang các cặp đôi trong nhà nghỉ thì cũng rất khó xử lý.

Đó là lý do mà ngày càng nhiều kiểu ngoại tình như tình công sở, tình một đêm, sugar baby sugar daddy... Khi mà càng có nhiều chuyện tình cảm ngoài luồng thì đương nhiên hệ quả tất yếu là những cuộc đánh ghen “long trời lở đất”. Đôi khi, người ngoại tình, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng không bị xử lý (vì không chứng minh được), nhưng người là nạn nhân không bình tĩnh giải quyết, lại thực hiện việc đánh ghen vô hình trung trở thành kẻ có lỗi, vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý. Đó là nghịch lý lâu nay vẫn tồn tại trong thực tế, như một nỗi nhức nhối chưa thể giải quyết triệt để.

Khi mà những người ngoại tình hầu như không bị xử lý, thì có lý do gì khiến họ e ngại, dừng bước trước sai lầm? Khi mà chứng kiến người hàng ngày vai kề, má ấp với mình âu yếm người khác thì làm sao có thể không nổi máu sư tử Hà Đông? Và làm sao có thể không thực hiện việc xả cơn giận bằng những cuộc đánh ghen dằn mặt tình địch? Từ việc hành lang pháp lý lỏng lẻo đã dẫn đến một vòng xoáy luẩn quẩn, bất tận không bao giờ có hồi kết. Khi mà hành lang pháp lý chưa chặt, vẫn còn thực trạng ngoại tình, khi đó khó có thể hạn chế chứ đừng nói đến việc chấm dứt các cuộc đánh ghen.

Nói như vậy là hoàn toàn có cơ sở, bởi dù biết là đánh ghen không thể giải quyết được vấn đề, chỉ dẫn đến tan đàn xẻ nghé, thậm chí lâm vòng lao lý, nhưng mấy ai có đủ bình tĩnh để không nổi “máu Hoạn Thư”? Song, các bà vợ phải luôn hiểu rằng, đánh ghen luôn là hạ sách, chỉ thỏa mãn được cái tôi nhất thời mà di họa khôn lường về sau. Thay vào đó, hãy dùng tình yêu thương, tình nghĩa vợ chồng đánh vào tình cảm để thức tỉnh chồng hồi tâm chuyển ý. Càng dịu dàng, càng vị tha, bao dung bao nhiêu, cơ hội gìn giữ gia đình càng nhiều. Đừng vì cái tôi nhất thời mà đánh mất hạnh phúc gia đình, khiến con cái phải chịu cảnh vắng cha, vắng mẹ. Lạt mềm buộc chặt là vậy đấy!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lạt mềm buộc chặt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO