Lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà

Nam Việt 16/11/2020 14:00

Đại đoàn kết dân tộc, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó chính là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Mặt trận, Hà Nội năm 1955. Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Người cũng nói rằng, “lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.

1. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhiều lần nói về đoàn kết. Đoàn kết cũng chính là điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đã được Người tổng kết như một chân lý:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết!

Thành công, thành công, đại thành công!

Cả cuộc đời vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn những người đồng chí, những học trò trung thành của mình rằng: Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, có thể và cần thiết phải điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp với những đối tượng khác nhau, nhưng đại đoàn kết dân tộc phải luôn luôn được nhận thức là vấn đề sống còn của cách mạng.

Đại đoàn kết dân tộc, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó chính là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, của dân tộc.

Trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy: “Bọn đế quốc áp bức chúng ta và đối xử với chúng ta như loài vật, đó là vì chúng ta không đoàn kết. Nếu chúng ta đoàn kết chúng ta sẽ trở nên đáng gờm” và Người viết trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức (1925): “Hỡi các bạn thân yêu, chúng ta nên sớm kết đoàn lại! Hãy hợp lực để đòi quyền lợi và tự do của chúng ta! Hãy hợp lực để cứu lấy nòi giống chúng ta!”.

Đầu năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngay trong những ngày tháng gian nan ấy, trong bài “Kính cáo đồng bào” viết ngày 6/6/1941, Người đã kêu gọi: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”.

Cũng chính trong những ngày ở núi rừng Việt Bắc nuôi ý chí giải phóng dân tộc, giành độc lập cho nước nhà, Người đã viết cuốn “Lịch sử nước ta” bằng thơ. Một tập thơ ngắn nhưng đã thâu tóm được toàn bộ lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước đến các phong trào cách mạng đầu thế kỷ XX. Trong đó, tư tưởng chủ đạo cũng chính là tinh thần đại đoàn kết. Người chỉ rõ, lịch sử đã chứng minh thời kỳ nào mà triều đình phong kiến quay lưng lại với nhân dân, thì tất yếu khối đoàn kết dân tộc bị lỏng lẻo và thời kỳ đó đất nước, nhân dân ta bị lâm vào cảnh bị áp bức bóc lột, nước mất nhà tan.

Trên báo “Việt Nam độc lập”, số ra ngày 1/2/1942, Người viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây - Nhật, khôi phục lại độc lập, tự do”.

Trong thư gửi đồng bào Công giáo ngày 14/10/1945, Người viết: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.

Trong diễn văn tại lễ mừng Quốc khánh 2/9/1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”.

Có thể nói, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc vừa là tư tưởng, ý chí mà cũng là nỗi niềm đau đáu của vị lãnh tụ anh minh. Với Người, từ nam phụ lão ấu, người miền núi miền xuôi, các tầng lớp khác nhau… nhưng nếu có lòng yêu nước thì phải đoàn kết lại.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn Dân, Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

“Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, do Nhà xuất bản chính trị Quốc gia ấn hành, đã thống kê được 839 trên tổng số 1.921 bài nói, bài viết của Người đề cập đến vấn đề đại đoàn kết. Theo giới nghiên cứu, trong di sản của Người, từ “đoàn kết” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc trên 2.000 lần và cụm từ “đại đoàn kết” trên 80 lần.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp bài ca Kết đoàn, năm 1960. Ảnh: Lâm Hồng Long.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết là điều giản dị nhưng thật vĩ đại. Không đoàn kết thì thất bại, đoàn kết thì thành công. Mà muốn thế thì phải có lòng khoan dung. Người viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ. Ta phải nhận rằng: Đã là con Lạc, cháu Rồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”. (Hồ Chí Minh: “Về đại đoàn kết”, NXB Chính trị quốc gia 1994, trang 34, 35).

2. Những ngày đất nước lầm than, để tiến hành công cuộc giải phóng đất nước thì nhất định người Việt Nam phải đoàn kết lại. Ngay trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ và vạch ra chiến lược đoàn kết toàn dân để làm cách mạng giải phóng dân tộc.

Vì vậy, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), Đảng và Bác Hồ quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, nhằm “liên hiệp hết thảy các giới, đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn… (Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, H.2000, t7).

Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh cũng chính là mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho một cuộc hồi sinh vĩ đại.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương - Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Việt Minh đã làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố không ngừng trên tinh thần “đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.

Kể từ đó, dưới ngọn cờ Việt Minh, sức mạnh quật cường của toàn dân được nhân lên gấp bội. Chỉ trong vòng 5 năm, cho tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Mặt trận Việt Minh càng mở rộng, tạo nên một lực lượng hùng mạnh. Đó cũng chính là sức mạnh vô địch của dân tộc ta khi đã đoàn kết lại dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong những ngày đầu vận động thành lập tổ chức Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở mọi người: “Muốn cách mạng thành công phải có lực lượng lớn mạnh, phải đoàn kết. Phải biết đoàn kết thật rộng rãi, xây dựng khối đoàn kết thật rộng rãi, xây dựng khối đoàn kết dân tộc..., xây dựng tổ chức Việt Minh thật vững mạnh”. (Đầu nguồn, NXB Văn học, H.1975, tr.307).

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, để mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất nhằm thu hút các lực lượng chưa có điều kiện tham gia Việt Minh, tháng 5/1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam được thành lập, gọi tắt là Hội Liên Việt. Dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, Việt Minh và Hội Liên Việt đã động viên và tập hợp được đông đảo nhân dân ta từ Bắc đến Nam tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc. Tháng 3/1951, Việt Minh và Hội Liên Việt đã mở đại hội hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần nhắc nhở: “Các đảng phái, đoàn thể và nhân sỹ trong Mặt trận phải đoàn kết chặt chẽ, thân ái giúp đỡ lẫn nhau, thật thà học tập những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm của nhau để cùng nhau tiến bộ”. (Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 6, tr.182).

Không chỉ vận động đoàn kết trong những ngày phải gian khổ đấu tranh giành độc lập cho nước nhà, mà sau này, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, lãnh đạo cách mạng nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tuyệt đối khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết. Nói chuyện tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên Việt toàn quốc, ngày 10/1/1955, Người giải thích: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây”.

Sau ngày hoà bình lập lại, để xây dựng miền Bắc và tiếp tục hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam, tháng 5/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập, nhất trí bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch danh dự. Tháng 12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam do Bác Hồ sáng lập, từ Hội phản đế Đồng minh năm 1930 đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm nay, nhiều lần thay đổi tên gọi, cương lĩnh, cơ cấu tổ chức cho phù hợp với thực tiễn phát triển của cách mạng Việt Nam nhưng đều đã đóng góp lớn lao vào sự nghiệp cách mạng của nước nhà.

3. Ngày 30/4/1975, nước nhà độc lập, giang sơn thu về một mối.

Từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977, Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận của hai miền được tổ chức trọng thể tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đại hội khẳng định: Cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, Mặt trận Dân tộc thống nhất cần có bước phát triển mới nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới. Đại hội thông qua Chương trình chính trị với nội dung: Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên cơ sở liên minh công nông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các chính đảng, các đoàn thể cách mạng, các giai cấp tiến bộ, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, đồng bào các tôn giáo, các nhân sĩ, các lực lượng yêu nước tán thành chủ nghĩa xã hội ở trong nước và kiều bào ở nước ngoài để cùng nhau phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Kể từ đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại tiếp tục gánh vác sứ mệnh lịch sử vẻ vang, đoàn kết toàn dân tộc xây dựng đất nước mạnh giàu. Nói như Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, diễn ra trong các ngày 17 và 18/8/1994 tại thủ đô Hà Nội, thì “lấy đại nghĩa dân tộc làm trọng, lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, hận thù, hướng về tương lai, hòa hợp thành một khối thống nhất vì lợi ích của đất nước và dân tộc, cùng nhau ra sức phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm thất bại mọi mưu toan của bất cứ thế lực nào cản trở bước tiến lên của dân tộc ta”.

Năm 2020 đối với đất nước ta là một năm thật đặc biệt với nhiều ngày lễ lớn, là năm tiến hành Đại hội đại biểu các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng và cũng lại là một năm đặc biệt khó khăn. Ngay từ đầu năm, đại dịch Covid-19 ập tới. Cả nước phải gồng mình trong trận bão dịch. Theo lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, toàn dân đã đồng lòng chống dịch. Hơn 100.000 khu dân cư trên cả nước đã trở thành hơn 100.000 pháo đài chống dịch. Cũng chính từ sự đoàn kết chung sức một lòng ấy mà chúng ta đã hạn chế tới mức thấp nhất hậu họa do dịch Covid-19 mang lại. Đã có giai đoạn 99 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Và nay, trong giai đoạn hai chống dịch, chúng ta cũng đã có hơn 60 ngày không có ca lây nhiễm mới.

Thành công trong chống Covid-19 của Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi đó là điều “thần kỳ”. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào đã và đang vượt qua bão dịch một cách bình tĩnh, mọi người dân đều được bảo vệ một cách an toàn nhất có thể. Cũng thật tự hào khi mà tiềm lực kinh tế của đất nước chưa mạnh, hệ thống y tế cũng không thể sánh với những nước giàu với hệ thống y tế hùng mạnh; nhưng chúng ta vẫn trụ vững trong bão dịch. Tới nay, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang bị đại dịch tấn công, thì chúng ta đã có thể bắt tay vào phục hồi, phát triển kinh tế.

Năm 2020 là năm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Muốn hoàn thành cả hai nhiệm vụ nặng nề, khó khăn ấy thì nhất định phải đoàn kết một lòng. Không chủ quan nhưng càng không được hốt hoảng, không được buông xuôi chờ đại dịch đi qua, không để “virus trì trệ” đánh gục ý chí vươn lên. Chúng ta đã và đang làm được điều đó, cũng là nhờ vào ý chí quyết tâm, vào tinh thần đoàn kết toàn dân.

Và cũng vào thời điểm cuối năm nhiều khó khăn này, miền Trung thương yêu lại phải chịu đựng liên tiếp những trận bão lụt. Mưa bão dập dồn, đợt này chưa qua lại đến đợt khác. Hàng trăm ngàn ngôi nhà chìm sâu trong nước. Thành quả lao động của hàng trăm ngàn hộ dân bị cuốn trôi theo dòng nước dữ. Những vụ sạt lở đất kinh hoàng. Người chết, nhà sập đổ, vật nuôi, cây trồng bị vùi dập. Nhiều thôn làng tan hoang…

Theo lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cả nước lại hướng về miền Trung, hướng về đồng bào vùng thiên tai với tất cả tấm lòng. Một lần nữa chúng ta lại chứng kiến nghĩa đồng bào trong gian khó. Trong khó khăn gian khổ, trong nguy nan, tinh thần đoàn kết, đạo lý truyền thống tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” lại càng bừng sáng. Mọi con tim đều thổn thức vì đồng bào bị thiên tai, đồng bào nghèo. Chúng ta đã và đang làm tất cả để “không bị ai bị bỏ lại phía sau”.

Mà muốn làm được điều đó thì không gì khác hơn là phải đoàn kết. Đại đoàn kết.

Dịp này, kỉ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam, càng nhận rõ hơn và tự hào hơn về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Tinh thần ấy bắt nguồn từ truyền thống của dân tộc, được phát huy cao độ ở Thời đại Hồ Chí Minh - thời đại chúng ta đang sống, thời đại sẽ được khắc ghi mãi mãi trong lịch sử dân tộc bằng một trang vàng chói lọi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO