Lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của điều ước quốc tế

N.Khánh 30/03/2016 11:55

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) sáng nay 30/3, nhiều ĐBQH cho rằng: Cần lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động của điều ước trước khi điều ước được kí kết cũng như bổ sung thêm các cơ quan giám sát việc thực hiện kí kết cũng như thực hiện điều ước.

Lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của điều ước quốc tế

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng.

Coi trọng đối tượng chịu ảnh hưởng của điều ước

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho biết, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cơ quan chủ trì kiểm tra, thẩm định các điều ước quốc tế.

Có ý kiến đề nghị nên giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì trong hoạt động đàm phán điều ước quốc tế, còn Bộ Tư pháp chuyên kiểm tra và thẩm định điều ước quốc tế.

Có ý kiến cho rằng cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc quy định giao Bộ Tư pháp thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp của điều ước quốc tế giao Bộ Ngoại giao thẩm tra thẩm định nội dung các điều ước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Bộ Ngoại giao là cơ quan chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đối ngoại, về ký kết và thực hiện điều ước uốc tế, nhưng không phải là cơ quan chủ trì hay tham gia đàm phán tất cả các điều ước quốc tế. Việc kiểm tra các điều ước của Bộ Ngoại giao và thẩm định của Bộ Tư pháp có tính chất khác nhau.

Việc thẩm định của Bộ Tư pháp là nhằm mục đích đánh giá tính hợp hiến, sự phù hợp giữa quy định của điều ước quốc tế và pháp luật trong nước. Trong khi đó, vai trò kiểm tra của Bộ Ngoại giao là xem xét sự cần thiết, mục đích ký điều ước trên cơ sở đánh giá quan hệ giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài, đánh giá sự phù hợp của điều ước quốc tế với đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Việc quy định vai trò của Bộ Ngoại giao kiểm tra điều ước, Bộ Tư pháp thẩm định điều ước quốc tế như từ trước đến nay là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bộ. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Góp ý kiến vào vấn đề này, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị, cần quy định rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì thẩm tra các điều ước quốc tế. Bà Khánh cho rằng sẽ có những bất cập xảy ra trong quá trình soạn thảo luật nếu chỉ giao cho một cơ quan là Bộ Tư pháp chủ trì thẩm tra.

Theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh, hiện vẫn còn tình trạng nhiều cơ quan chưa coi trọng lấy ý kiến chuyên gia, ý kiến nhân dân cho dự thảo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Thực tiễn đã xảy ra một số sơ xuất trong quá trình thực hiện các nghị định thư, biên bản ghi nhớ với cơ quan nước ngoài. Thực tế, nhiều cơ quan chưa coi trọng bộ phận pháp chế trong soạn thảo các điều ước mà chỉ dựa vào bộ phận chuyên môn là chưa đủ.

Vì vậy, từng bộ ngành cần phát huy vai trò ban pháp chế đồng thời lấy ý kiến các luật gia, chuyên gia để hỗ trợ bộ tư pháp thẩm định mới khắc phục được những bất cập trong làm luật.

Góp ý kiến vào khoản 4 Điều 79 về tổ chức tuyên truyền điều ước theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh, chỉ khi điều ước được ký kết có hiệu lực mới tuyên truyền là bất hợp lý. Như, Hiệp định TPP, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam biết thông tin về dự thảo luật này, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài họ đã tuyên truyền toàn bộ Hiệp định này từ khi mới chỉ là dự thảo. “Phải công bố thông tin để doanh nghiệp còn chuẩn bị tâm thế cho hội nhập. Công bố thông tin liên quan đến các điều ước vừa minh bạch vừa tuân thủ luật tiếp cận thông tin”, bà Khánh nói.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Phúc(Hà Tĩnh) cho rằng, công đoạn tham vấn ý kiến đối tượng bị tác động lâu nay chưa được coi trọng. Vì vậy, cần tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động, tránh luật vướng khi vào cuộc sống.

Về công bố thông tin, theo ĐB Phúc, có thể không tiết lộ phương án đàm phán nhưng những mục tiêu chính của điều ước được ký kết là gì, có tác động đến đối tượng nào phải tham vấn, công bố thông tin để điều ước dễ dàng vào cuộc sống và nhận được sự đồng thuận cao.

Bổ sung cơ quan giám sát, thẩm tra các điều ước

Đề nghị bổ sung vai trò của CTN trong phê chuẩn điều ước quốc tế, ĐB Nguyễn Văn Phúc đề nghị, cần quy định cụ thể hơn thẩm quyền của chủ tịch nước trong phê chuẩn điều ước quốc tế. Thực tế hiện nay, có một số điều ước, Chủ tịch nước đã đề nghị các Ủy ban của QH nghiên cứu, có ý kiến và gửi Chủ tịch nước trước khi điều ước phê chuẩn. Đây là vấn đề thực tiễn nên phải thể chế hóa thành luật, ĐB Phúc nói.

Một vấn đề nữa được nhận được nhiều ý kiến của ĐB đó là vấn đề giám sát, thẩm tra những vấn đề liên quan đến các điều ước quốc tế. ĐB Nguyễn Văn Phúc cho rằng, nếu chỉ giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì, giám sát các điều ước là lỏng.

Trong bối cảnh hội nhập sâu, rất nhiều điều ước quốc tế sẽ được chuẩn bị ký kết trong khi Ủy ban Đối ngoại với nhân sự, cơ cấu như vậy không thể chủ trì giúp thẩm tra, giám sát sâu các điều ước mang yếu tố kĩ thuật sâu. Vì vậy, phải phân công cho Hội đồng dân tộc, các ủy ban thẩm tra, cho ý kiến, đặc biệt là những điều ước về kĩ thuật, an ninh quốc phòng.

“Tôi có cảm giác luật này trái với luật giám sát của QH”, ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên Huế) nói.

ĐB Trần Đình Nhã phân tích, dự thảo luật chỉ quy định giám sát hoạt động kí kết mà thiếu giám sát hoạt động thực hiện. Vì đây là hoạt động rất lớn, là hoạt động đưa điều ước quốc tế vào cuộc sống, nếu chỉ giao cho Ủy ban đối ngoại của QH giám sát làm sao làm suể.

Tại sao Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban sao không giám sát dù đây là vấn đề rất lớn. Phải bổ sung đối tượng và chủ thể giám sát theo Luật giám sát của QH, ĐB Nhã nói.

Đồng tình quan điểm với ĐB Nguyễn Văn Phúc và ĐB Trần Đình Nhã, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cũng cho rằng, chỉ giao cho Ủy ban Đối ngoại của QH thẩm tra là chưa đủ. “Tôi không hiểu sắp tới sẽ kí kết các điều ước chuyên về trang thiết bị y tế Ủy ban Đối ngoại sẽ thẩm tra thế nào nếu thiếu cơ quan chuyên môn? Với những điều ước thuộc chuyên ngành thì chuyển về cơ quan chuyên ngành giám sát, thẩm tra”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của điều ước quốc tế