Lấy ý kiến người dân trong xây dựng văn bản: Phải thực chất, đúng trọng tâm

Lan Hương 01/09/2016 07:38

Thông qua việc lấy ý kiến của người dân, người hoạch định chính sách sẽ có thông tin về thực tế cuộc sống để đưa ra được những quy định phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội hiện có. Từ đó văn bản pháp luật sẽ có tính khả thi cao tránh được bệnh chủ quan duy ý chí áp đặt từ một phía, đồng thời thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch trong việc xây dựng chính sách, pháp luật.

Trên đây là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo “Phương pháp lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”do Bộ Tư pháp tổ chức tại Vĩnh Phúc ngày 31/8.

Trước yêu cầu của thực tiễn cũng như thực hiện quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND, UBND (2004) UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND ngày 18/7/2011 trong đó quy định trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác ban hành văn bản QPPL.

Tuy nhiên, theo bà Đào Đặng Thu Hường- Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản QPPL- Sở Tư pháp Vĩnh Phúc, nhiều đơn vị chưa thực hiện tốt việc lấy ý kiến của các tổ chức, người dân vào dự thảo văn bản QPPL. Việc lấy ý kiến ở một số đơn vị chỉ mang tính hình thức, đối tượng lấy ý kiến còn hẹp, chất lượng tham gia ý kiến chưa cao. Điều này dẫn đến tình trạng khi chính sách được ban hành vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện và phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Đánh giá về quy trình lấy ý kiến doanh nghiệp trong quá trình xây dựng các văn bản, chính sách, đại diện Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng doanh nghiệp tham gia vào hoạt động hoạch định chính sách còn rất hạn chế. “Kết quả cuộc điều tra khảo sát “Thực tiễn tham gia xây dựng chính sách và pháp luật tại các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ” do VCCI tiến hành cho thấy khoảng 49% chưa từng được hỏi ý kiến về dự thảo văn bản pháp luật dưới bất kỳ hình thức nào” - đại diện Phòng Pháp chế VCCI dẫn chứng.

Thực tế cho thấy, nếu văn bản pháp luật khi ban hành hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương thì quá trình thi hành sẽ rất thuận lợi, đem lại lợi ích rất lớn. Song để việc lấy ý kiến thực chất hơn không hề đơn giản.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình - Trần Tiến Hải, trong hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương, có rất nhiều lĩnh vực thuộc nhiều ngành khác nhau và mỗi ngành có tính chuyên sâu và mức độ tác động đến người dân rất khác nhau.

Vì vậy, khi tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia vào dự thảo văn bản QPPL phải xác định rõ về đối tượng bị tác động, mức độ tác động để tổ chức lấy ý kiến. Đối với những văn bản có tác động lớn đến đông đảo người dân thì tổ chức lấy ý kiến rộng rãi; đối với những văn bản chỉ tác động đến một nhóm đối tượng nhất định thì chỉ tổ chức lấy ý kiến của nhóm đối tượng chịu sự tác động đó. Bởi nếu lấy ý kiến tràn lan thì việc lấy ý kiến cũng chỉ là hình thức, không hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lấy ý kiến người dân trong xây dựng văn bản: Phải thực chất, đúng trọng tâm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO