Lễ cúng mưa đầu mùa của Đồng bào M’nông

Tùng Linh 21/05/2021 11:00

Lễ cúng mưa đầu mùa là một trong những nghi lễ truyền thống lâu đời và quan trọng đối với đồng bào M’nông.

Thông qua các nghi lễ, người M’nông cầu mong thần mưa ban cho mưa thuận gió hòa, cây cối nảy lộc, đâm chồi, cuộc sống buôn làng ngày càng giàu đẹp.

Theo quan niệm của người M’nông, cứ vào khoảng tháng 11 hàng năm, khi bắt đầu có cơn mưa phùn, đây là cơn mưa không có sấm chớp, bà con trong buôn muốn tránh đi những điều xấu, không muốn cho các Giàng nổi giận, gây sấm chớp có thể mang lại nhiều điều gở cho buôn làng.

Vì vậy họ cần phải tổ chức lễ cúng Giàng Trời để cầu xin các Giàng phù hộ cho điều tốt đẹp, đồng thời để giải hạn xấu trong năm. Mặt khác, Lễ cúng mưa đầu mùa nhằm cầu mong cho sự sinh sôi nảy nở, cây cối nảy lộc đâm chồi, con người khoẻ mạnh và xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp, hạnh phúc, ấm no.

Lễ cúng mưa đầu mùa được chia thành 3 bước, đầu tiên là cúng Giàng Trời ở trong nhà, sau đó cúng ngoài sân, và cuối cùng lại tiếp tục cúng trong nhà.

Lễ vật cho lễ cúng trong nhà của người M’nông gồm một con gà trống, 1 chén cơm, 1 chén xôi, 2 chén rượu, 2 chén thịt heo, 1 đầu heo, lông gà… Sau khi mâm lễ đã chuẩn bị xong, thầy cúng trong lễ phục trang nghiêm, chính thức bắt đầu thực hiện nghi lễ cúng mưa đầu mùa.

Thầy cúng cắt tiết gà từ hai bên khoé mỏ con gà trống còn sống, lấy tiết hoà với rượu, vừa khấn vừa lấy chiếc lông gà quét vào chén rượu rồi bôi lên các vật dụng trong nhà như cột nhà, rổ, cuốc, cửa trước, cửa sau, cầu thang… để cầu xin thần linh giữ sức khoẻ cho con người, cho căn nhà được êm ấm, tránh mọi rủi ro, tai nạn trong lao động sản xuất.

Trong Lễ cúng mưa đầu mùa, Già làng khấn rằng: Ơ Giàng Trời, Giàng Đất, Giàng Sông, Giàng Suối, Giàng Núi, Giàng Rừng… Hôm nay thay mặt người dân buôn làng, tôi mời gọi các Giàng về uống rượu trong ché, cùng chứng kiến và ban phước lành cho người dân trong buôn, cho con cháu được mạnh khoẻ. Thần cột nhà che chở cho cháu con được an lành. Thần linh lửa hãy tránh xa đừng mang hoạ vào người của dân…

Sau khi cúng trong nhà, mọi người theo thầy cúng đi ra ngoài sân nơi có cột nêu cúng ngoài trời. Trên ngọn cây nêu có một chiếc gùi nhỏ đựng 1 chiếc đùi gà, chuối, trứng vịt, cơm xôi… Trong khi đội chiêng vừa đi vòng quanh cây nêu vừa đánh bài chiêng mời gọi Giàng và các thần linh về dự, chứng kiến Lễ cúng mưa đầu mùa. Thầy cúng vừa khấn vừa dùng lông gà quết vào chén rượu hoà với tiết gà bôi lên thân cây nêu.

Không khí sôi nổi diễn ra mỗi lúc càng tăng khi thầy cúng khấn các Giàng để vào khai hội “hái lộc”. Đội chiêng đánh bài vào hội, tốp múa nữ cùng tham gia một số điệu múa truyền thống của người M’nông. Những người xung quanh cũng hò reo nhảy múa. Một số thanh niên trai tráng, khoẻ mạnh tranh nhau trèo lên cây nêu đã được bôi mỡ để lấy lộc từ chiếc gùi nhỏ, trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người. Họ lấy cơm trong gùi rải khắp xung quanh, cầu mong con gà, con heo… có cái để ăn, sinh sôi ngày càng nhiều, buôn làng ngày càng sung túc.

Phần cuối của Lễ cúng mưa, mọi người tiếp tục theo chân thầy cúng để thực hiện nghi thức cúng trong nhà. Nghi thức này cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Xin các thần ban cho những cơn mưa hiền hoà, hoa màu bội thu, cây cành nảy lộc đâm chồi, buôn làng ngày càng giàu đẹp. Lúc này đội chiêng và tốp múa sẽ hoà vào không gian của lễ hội. Thầy cúng mời tất cả mọi người cùng uống rượu cần, ăn thịt nướng và cùng hát các làn điệu dân ca… chuẩn bị đón nhận những điều tốt đẹp.

Lễ cúng mưa đầu mùa của dân tộc M’nông xã Đắk Phơi.

Trải qua thời gian, cho đến bây giờ, đồng bào dân tộc M’nông vẫn bảo lưu được nhiều nét văn hoá đặc trưng của dân tộc. Bên cạnh nghề thuần dưỡng voi nổi tiếng, những làn điệu dân ca giàu chất trữ tình và các bộ sử thi, những phong tục truyền thống qua các lễ hội cũng luôn được bà con đồng bào M’nông gìn giữ.

Đó là những lễ hội như lễ hội rượu cần, mừng lúa mới, lễ cưới hỏi, lễ trưởng thành, lễ cúng voi... Mỗi phong tục lại có một nét đặc sắc riêng nhưng đều thể hiện đậm nét văn hoá của một cộng đồng sinh sống bằng nông nghiệp trồng lúa nước, săn bắn, hái lượm.

Với người M’nông, họ luôn tin rằng, thần linh trú ngụ khắp nơi: Thần đất phù hộ cho gia đình; thần đá bếp giữ lửa ấm, nấu ăn; thần rừng nuôi chim thú cung cấp lương thực cho con người; thần núi, thần suối, thác nước giữ nguồn nước cho buôn làng; thần lúa và thần hoa màu cho vụ mùa bội thu, cây cối tươi tốt; thần sét ở trên trời trừng phạt kẻ làm điều xấu.

Vì thế, cứ sau một mùa rẫy là các buôn làng người M’nông lại tổ chức các nghi lễ - lễ hội, nhằm tạ ơn các vị thần linh, trời đất, tạ ơn tổ tiên ông bà đã phù hộ cho mọi người lúa thóc đầy bồ, heo bò đầy sân, chật bãi.

Để gìn giữ và phát huy những nét đẹp trong phong tục tập quán của đồng bào dân tộc M’nông, chính quyền, các ngành chức năng ở các địa phương có đồng bào M’nông sinh sống cũng rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống này.

Theo đại diện Bảo tàng dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho biết: Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp hình thức để bảo tồn, ngành văn hoá phục dựng các lễ hội truyền thống, tổ chức truyền dạy nghề, dạy múa, đánh chiêng, các lớp truyền dạy sử thi. Điều quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bà con để người dân cảm thấy yêu văn hoá truyền thống của mình.

Tại các địa phương, các cơ quan chức năng còn mở các trại sáng tác âm nhạc, văn học, hội họa, nhiếp ảnh, hội thi dân ca, dân vũ, thi hát kể sử thi... Các hoạt động thiết thực này đã và đang giúp đồng bào dân tộc M’nông giữ gìn được nét đặc trưng của văn hóa của dân tộc mình trong xu thế hội nhập và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ cúng mưa đầu mùa của Đồng bào M’nông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO