Một lễ khai giảng ngắn gọn, ấm cúng nhưng đầy nhân văn và đáng nhớ của hàng triệu học sinh phía Nam trong sáng ngày 5/9.
Sau một năm tạm dừng vì dịch Covid-19, sáng ngày 5/9 nhiều tỉnh thành phía Nam đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 đơn giản nhưng ấm áp, đầy đủ và nhân văn. Theo đó, sau lễ khai giảng, hàng triệu học sinh ở TP HCM, Long An, Tiền Giang... đều bắt đầu vào lớp học ngay.
Tại TP HCM, từ 6h sáng nhiều cổng trường, nhất là trường tiểu học đã đông đúc người do cha mẹ đưa con tới trường. Trong đó các em bắt đầu năm học lớp 1 nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, thầy cô giáo. Chị Nguyễn Thị Phương, 32 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh cho biết gia đình chị khá lo lắng khi năm nay con trai lớn vào học lớp 1. "Thời gian vừa qua gia đình có cho bé đi học mầm non nhưng đều có cha mẹ kèm cặp, đưa đón từ trưa tới chiều. Nay vào học lớp 1 bán trú nên ở trường cả ngày, cả nhà đều lo lắm. Sáng nay thấy bé vui vẻ nhưng khi tới trường thấy đông người có khóc đòi về. Phải chờ cô giáo khuyên bảo mới chịu ở lớp học", chị Phương cho biết. Theo tìm hiểu, hầu hết gia đình có con bước vào lớp đầu cấp tiểu học, bậc mầm non đều có chung nỗi băn khoăn như vậy.
Theo thống kê, TP HCM có khoảng 1,6 triệu học sinh từ bậc mầm non tới THPT, tăng hơn so với năm học trước khoảng 21.000 học sinh. Phát biểu tại trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết trong năm 2021 ngành giáo dục thành phố gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm, kiên trì, nhẫn nại..ngành giáo dục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 còn để lại di chứng và ảnh hưởng nhiều mặt đến ngành giáo dục. Tiếp đó, ông Nên biểu dương ngành giáo dục thành phố đã có nhiều nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo để có kết quả rất đáng trân trọng.
Đặc biệt học kỳ I năm 2021 với tinh thần tạm dừng đến trường, học sinh không thể đến trường khi thành phố thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nhưng không dừng học, là thử thách mới chưa từng có. Dù vậy ngành giáo dục thành phố nhanh chóng, chủ động thích ứng, triển khai quyết liệt vừa ứng phó dịch bệnh và triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành, giữ được thành tích chung.
Cuối cùng, ông Nên đề nghị các thầy cô giáo nghĩ cách tiếp cận để dạy học sinh có môi trường sống trung thực, năng động. Theo đó, môi trường này bắt đầu từ thái độ, nhân cách, gương mẫu, từng cấp, chọn trung thực xứng đáng, đúng nghĩa theo sự cống hiến, nỗ lực, sáng tạo thầy, trò.
Trong khi đó, tại Trường THPT Trương Định (thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang), ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã dự lễ khai giảng, đánh trống tựu trường và phát biểu.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ niềm vui mừng khi về dự lễ khai giảng tại chính ngôi trường mà ông từng có những năm tháng học tập, gắn bó; đồng thời chúc cho tập thể sư phạm ngành GD&ĐT tỉnh Tiền Giang nói chung, Trường THPT Trương Định nói riêng đạt thắng lợi trong năm học mới. Bên cạnh đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý một số nhiệm vụ trong năm học mới, trong đó quán triệt sâu sắc hơn nữa về công tác GD&ĐT trong thời kỳ mới; chú trọng việc dạy chữ dạy người, nâng cao tinh thần tôn sư trọng đạo; xây dựng môi trường văn hóa học đường lấy con người làm trung tâm; mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức cho học sinh noi theo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam. Được biết, năm học mới 2022-2023 tỉnh Tiền Giang có khoảng 350 ngàn học sinh ở tất cả các bậc học. Ngay sau lễ khai giảng, các em sẽ bước vào năm học mới 2022-2023.
Theo ghi nhận, dù còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức nhưng lễ khai giảng của các trường tại khu vực phía Nam diễn ra đầm ấm, nhân văn và đơn giản. Hầu hết học sinh cảm nhận được ý nghĩa của ngày đầu tiên của năm học cũng như tình cảm thầy trò khi bắt đầu năm học mới 2022-2023.