Liên doanh, liên kết xã hội hóa y tế: Thiếu cơ chế kiểm soát dẫn đến 'lợi ích nhóm'

M.Loan-H.Vũ 14/06/2022 08:01

Ngày 13/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi Điều 90 của dự thảo luật quy định về xã hội hóa còn chung chung, chưa đảm bảo sự bình đẳng giữa cơ sở ngoài công lập và công lập.

Đại biểu Cao Mạnh Linh (Đoàn Thanh Hóa) phát biểu tại buổi thảo luận ngày 13/6. Ảnh: Quang Vinh

Chưa đảm bảo bình đẳng công - tư

“Các điều khoản cụ thể của dự thảo luật chưa thể chế được đầy đủ chủ trương xã hội hóa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Như Điều 90 dự thảo luật quy định về xã hội hóa còn chung chung, chưa bảo đảm sự bình đẳng giữa cơ sở ngoài công lập và công lập, chưa cụ thể chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài công lập, chưa có phân tách vùng thuận lợi, vùng khó khăn để khuyến khích đầu tư vào vùng khó khăn. Do đó cần soát lại quy đinh này nhằm bảo đảm đồng bộ, minh bạch”- Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đưa ra kiến nghị.

Phân tích sâu thêm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) chỉ ra rằng, việc “thổi giá” không chỉ được phát hiện trong các dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn được phát hiện trong việc triển khai các đề án xã hội hóa, liên doanh liên kết hợp tác đặt máy móc thiết bị khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công lập, có thể kể đến vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai, làm lợi cho một nhóm người và gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân.

“Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều, nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý y tế một trong những nguyên nhân quan trọng là do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng. Điều này vừa gây khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ rủi ro cho các đơn vị tư nhân tham gia và dễ bị lợi dụng để trở thành cấu kết nhóm lợi ích gây thiệt hại cho bệnh nhân, gây thiệt hại cho nhà nước”- bà Thủy nhấn mạnh.

Bà Thủy cũng chỉ ra thực tế: Trong thời gian qua, những khó khăn, vướng mắc trong việc xã hội hóa liên doanh liên kết trong lĩnh vực y tế do pháp luật thiếu cụ thể, thiếu rõ ràng vốn đã kéo dài nhiều năm, nay càng trầm trọng hơn. Vì thế, tiến trình xã hội hóa trong lĩnh vực y tế gần như tạm dừng, các hoạt động mua sắm trang thiết bị nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong toàn ngành gần như đang “đóng băng” không dám triển khai, trong khi đó nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng nâng cao. Các bệnh viện, các nhà quản lý đang trông chờ sự bổ sung một cách cụ thể trong các văn bản luật.

Từ những phân tích trên, bà Thủy kiến nghị, ghi cụ thể vào trong dự thảo luật nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa y tế. Bổ sung các cơ chế kiểm soát nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm, cũng như bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa liên doanh liên kết ở các địa phương.

Đại biểu Khương Thị Mai (đoàn Nam Định) cũng cho rằng, vì chưa có quy định rõ về nội dung này, không quy định rõ công tư phân định trong Điều 90 dẫn đến làm thủ tục hành chính còn rườm rà, cụ thể là nếu bệnh viện công lập muốn liên doanh, liên kết với một bệnh viện tư thì cần phải lập đề án trình UBND tỉnh. Sau đó UBND tỉnh xin ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh. Cho nên Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi cần phải quy định rõ nội dung này.

Liên quan đến vấn đề xã hội hóa, liên doanh, liên kết các bệnh viện công, giải trình trước các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, vấn đề này cần phải có các giải pháp đột phá. Hiện nay mặc dù chúng ta thực hiện luật 2009 đã có bước chuyển rất lớn nhưng đến giờ này mới có 318 bệnh viện tư, 38 nghìn các phòng khám tư nhân, đáp ứng 5,16% tổng số gường bệnh. Theo Phó Thủ tướng “đây là một tỷ lệ rất thấp, chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên vấn đề này liên quan đến nhiều luật khác nên cần có sự phối hợp chặt chẽ”.

Bất cập khi một mình Hội đồng Y khoa Quốc gia cấp giấy phép hành nghề

Tán thành cao việc quy định cấp Giấy phép hành nghề đối với các chức danh nghề nghiệp và thời hạn của giấy phép hành nghề là 5 năm; tuy nhiên, Thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn Điện Biên) băn khoăn với quy định giao cho Hội đồng Y khoa Quốc gia cấp, thu hồi Giấy phép hành nghề. “Tôi đề nghị Hội đồng Y khoa Quốc gia là cơ quan đánh giá về chuyên môn năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp Giấy phép hành nghề. Còn việc cấp giấy phép hành nghề giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Y tế, và Sở Y tế tại các địa phương”- Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Cao Mạnh Linh (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, cần phân định rõ 2 vấn đề, đó là: việc đánh giá năng lực chuyên môn; và công tác quản lý hoạt động hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, theo ông Linh, nên giao Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, và cơ quan quản lý nhà nước thì căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề cũng như các điều kiện theo quy định để cấp phép hành nghề.

Phân tích sâu thêm, đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP Hồ Chí Minh), Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng: “Chỉ có một tổ chức cấp phép cho cả nước thì khối lượng công việc sẽ rất lớn. Số lượng bác sĩ trên cả nước cũng rất lớn sẽ có thể gây ra tập trung quá tải, ách tắc và khó khăn trong việc cấp giấy phép hành nghề. Hội đồng Y khoa Quốc gia không phải cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan hành chính, nên không phù hợp để cấp giấy phép hành nghề. Do đó đề nghị Hội đồng Y khoa Quốc gia có trách nhiệm xây dựng chuẩn năng lực hành nghề, xây dựng ngân hàng câu hỏi để công khai, xây dựng quy chế tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh, xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở y tế đủ năng lực để cấp giấy phép hành nghề, kiểm tra, đánh giá giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh, trên cơ sở là các cơ sở đủ điều kiện do Bộ Y tế thẩm định tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực. Các cơ sở đó sẽ được tổ chức kiểm tra để đánh giá năng lực hành nghề và thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề sẽ do Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Sở Y tế cấp như hiện nay”.

Đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình):

Cần một chương riêng về y đức

Vấn đề y đức thời gian qua chỉ được điều chỉnh thông qua quy định riêng của Bộ Y tế. Đây là vấn đề hết sức quan trọng cần phải được đưa vào vào luật và có một chương riêng cho vấn đề này. Y học nước nhà có tiến bộ, đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao ngày càng nhiều, tuy nhiên không hẳn là tỷ lệ thuận với y đức được nâng lên, kể cả những bệnh viện tuyến trên, có tiếng trong kỹ thuật y khoa, có đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề cao, chưa hẳn đa số là những người có y đức và ứng xử tốt với bệnh nhân. Bên cạnh một bộ phận cán bộ y tế, tận tâm với nghề, thể hiện tinh thần hy sinh, gắn bó, ứng xử hài hòa tận tình chăm sóc người bệnh, nhất là xông pha trong tuyến đầu để chống dịch như thời gian vừa qua, thì cũng còn không ít y, bác sĩ ngày càng rời xa mục đích cao cả và tôn chỉ như lời Bác Hồ dạy lương y như từ mẫu. Vì vậy, dự thảo luật có quy định quyền được học tập nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn, thì cũng cần bổ sung quyền được học tập, trau dồi, rèn luyện về y đức.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội):

Thời đại 4.0 mà Luật chỉ có 1 điều về khám chữa bệnh từ xa

Thiếu sót lớn nhất của Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi trình lần này là quy định về khám, chữa bệnh từ xa đã không được soạn thảo đầy đủ. Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng 4.0 nhưng trong luật lần này chỉ duy nhất ở Điều 55 khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa đề cập rất ít. Việc quy định như vậy là không đủ, thiếu tầm nhìn. Nếu luật lần này được thông qua thì sẽ có nhiều điều bất lợi xảy ra. Do đó Ban soạn thảo cần tập trung soạn thảo đầy đủ, chặt chẽ và khả thi quy định về khám chữa bệnh từ xa, có thể dành một chương để triển khai bổ sung thêm các nội dung đã đề cập.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên doanh, liên kết xã hội hóa y tế: Thiếu cơ chế kiểm soát dẫn đến 'lợi ích nhóm'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO