Hiện Việt Nam có trên 25 nghìn sinh viên đang theo học hơn 300 chương trình liên kết nước ngoài trên cả nước. Làm sao để nâng cao chất lượng đào tạo của các chương trình này, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học (ĐH) trong nước, rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới?
Xu hướng tất yếu
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), hiện cả nước có hơn 300 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có một số chương trình đã hết hạn và chưa có quyết định gia hạn cũng như có một số chương trình mới mở ra có sự dịch chuyển dần sang lĩnh vực khoa học công nghệ.
Cụ thể, xét tỷ trọng các chương trình đào tạo liên kết nước ngoài hiện nay, hơn 60% tập trung ở khối ngành kinh tế, quản lý. 25% là các chương trình liên quan khoa học công nghệ và 10% là chương trình của các khối ngành khác.
Xét về trình độ đào tạo, chủ yếu là trình độ ĐH, rất hiếm chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, trong thời gian tới, Bộ GDĐT mong muốn đẩy mạnh hơn nữa các chương trình liên kết đào tạo sau ĐH. Về số lượng, bà Thủy thông tin hiện có khoảng trên 25 nghìn sinh viên đang theo học các chương trình liên kết nước ngoài trên cả nước. “Số lượng này chưa nhiều. Chúng ta cũng không nên chạy theo số lượng. Các chương trình mới được mở ra cũng đang chú trọng về chất lượng. Đây là xu hướng tốt” - bà Thủy nói.
Nhận định về xu thế đào tạo liên kết quốc tế trong thời gian tới tại Việt Nam, sau thời kỳ là hậu Covid-19, TS Trần Đức Quỳnh - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc đào tạo liên kết quốc tế sẽ mở ra một xu thế nữa là liên kết đào tạo nhưng không chỉ là đào tạo trực tiếp mà có thể còn cả đào tạo trực tuyến. Ông Huỳnh đặt vấn đề xây dựng và xuất khẩu chương trình đào tạo của Việt Nam sang những nước khác. Trong đó, Việt Nam có thể xây dựng các chương trình hợp tác đào tạo theo hướng 2 +2, chẳng hạn cũng là trường đối tác cấp bằng nhưng mà sẽ có 2 năm học ở Việt Nam và 2 năm học ở trường đối tác. Điều này giúp sinh viên tiết kiệm được 2 năm so với khi sang học ở nước ngoài 4 năm.
Cẩn trọng khi chọn chương trình học
Từ góc độ cơ sở đào tạo, PGS.TS Hồ Thúy Ngọc - Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, người học nên lựa chọn chương trình phù hợp với năng lực học tập của bản thân, phù hợp với năng lực tài chính của gia đình, sở thích, nguyện vọng cũng như định hướng của người học cho công việc trong tương lai. “Một chương trình đào tạo có chất lượng sẽ nằm ở chính sản phẩm, tức là ngành học của cơ sở đào tạo đó được công nhận bởi một tổ chức nghề nghiệp độc lập hay được công nhận về chất lượng của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sở tại” - bà Ngọc nêu quan điểm.
TS Trần Đức Quỳnh cho rằng một trong những điểm khác biệt cơ bản của chương trình đào tạo liên kết quốc tế so với các chương trình đào tạo truyền thống nằm ở khung chương trình đào tạo là của một trường ĐH ở nước ngoài và đã được kiểm định ở nước ngoài thường rất uy tín. Về nội dung chương trình, phía Việt Nam tiếp thu từ chương trình của đối tác nước ngoài. Về mặt đội ngũ, sẽ có giảng viên nước ngoài và tỷ lệ giảng viên nước ngoài này sẽ cao hơn so với các chương trình khác.
Từ thực tế đã có không ít cơ sở giáo dục ĐH vi phạm về liên kết đào tạo, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Bộ GDĐT không chỉ hoàn thiện hành lang pháp lý, ban hành văn bản mà quan trọng là phải triển khai đồng bộ với thanh tra, kiểm tra, giám sát làm sao phát hiện dấu hiệu chưa đúng để điều chỉnh, xử lý trường hợp sai để tránh ảnh hưởng tới bức tranh chung của giáo dục ĐH. Trong quá trình thanh tra, giám sát cũng phát hiện mô hình làm hay, làm đúng để lan tỏa.
Nhấn mạnh đến trách nhiệm giải trình của các trường, bà Hoa cho rằng cần xác định rõ tư duy một cách đầy đủ, đúng nhất về liên kết đào tạo, không chỉ là chuyện chương trình, mà còn là chuyện đội ngũ, các yếu tố bảo đảm khác. Không chỉ là câu chuyện số lượng, mà là chuyện chất lượng. Không chỉ là câu chuyện doanh thu để bảo đảm điều kiện của các cơ sở giáo dục ĐH, mà còn là vấn đề thương hiệu.
Theo PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định những tiêu chí để các trường thực hiện từ việc lựa chọn đối tác cũng như các tiêu chí đối với trường từ phía Việt Nam. Định hướng của Bộ GDĐT là làm sao cụ thể hóa hơn nghị định để các trường có chương trình liên kết đào tạo nước ngoài thực hiện. “Dự kiến, trong năm 2023, Bộ GDĐT sẽ có thông tư về quản lý và đào tạo của chương trình liên kết đào tạo nước ngoài” – bà Thủy thông tin.
Tại tọa đàm “Liên kết đào tạo ĐH với nước ngoài tại Việt Nam: Thực trạng và định hướng phát triển” vừa tổ chức tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, khi hội nhập quốc tế, việc quốc tế hóa giáo dục ĐH, liên kết đào tạo với quốc tế là yêu cầu, đòi hỏi mà thực tiễn đặt ra. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đặt ra bởi liên kết đào tạo có nhiều cái lợi nếu chớp được cơ hội. Nhưng nếu lựa chọn không chuẩn xác, đối tác liên kết không đúng tầm, sẽ là bất lợi.