Liên kết để đột phá phát triển

Bắc Phong 20/07/2019 07:00

Ngày 16/7, trong một cuộc làm việc giữa Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP HCM, từ sáng kéo dài qua buổi trưa, cho tới 14h30’, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ĐBSCL cần xác định được tầm nhìn của toàn vùng đến năm 2045 đặt trong tầm nhìn và Chiến lược chung của cả nước năm 2045. Tầm nhìn đó cần hướng đến sự liên kết toàn vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững, có bước đột phá một số lĩnh vực, “là vùng phát triển không thua kém bất cứ vùng nào về mọi mặt”.

Thủ tướng cũng lưu ý, việc phát triển ĐBSCL phải tính đến yếu tố hạ tầng liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất và đời sống, cho người dân, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt cản trở sự phát triển; cơ cấu lại ngành nông nghiệp dựa trên công nghệ và hiệu quả cao, gắn chế biến với thị trường tiêu thụ, xây dựng các chuỗi sản xuất, các thương hiệu sản phẩm… trên tinh thần “biến nguy thành cơ” đối với cả vùng ĐBSCL. Một động lực mới cần đặt ra đối với các tỉnh ĐBSCL, theo Thủ tướng, là đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển, trong sự kết nối toàn diện giữa TP HCM và ĐBSCL.

Cũng trong buổi làm việc với các địa phương khu vực ĐBSCL và TP HCM, ngày 16/7, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, ĐBSCL cần tư duy mới trong định hướng không gian phát triển, nhanh chóng chuyển từ chống lũ, sống chung với lũ sang chủ động sống chung với lũ, sống chung với nước mặn; coi những khó khăn, thách thức đó là điều kiện, lợi thế mới để phát triển, trong đó có nuôi trồng thủy sản trên nước ngập mặn, phát triển các trung tâm điện gió, điện mặt trời.

Trong phát triển kinh tế, phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp, với các lĩnh vực thế mạnh như thủy sản, trái cây và lúa. Phát triển dịch vụ, du lịch, đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên khai thác tiềm năng, lợi thế về đặc điểm tự nhiên, hệ sinh thái, nét văn hóa, con người vùng ĐBSCL…

Tới nay, 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh; là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước khi đóng góp tới 56% sản lượng lúa của cả nước, 40% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây, trong đó phần lớn dành cho xuất khẩu. Tuy nhiên, ĐBSCL hiện đang đối diện với nhiều khó khăn. Cùng với hạ tầng giao thông (nhất là đường bộ) còn yếu kém thì khu vực này vẫn là khu vực nghèo so với cả nước và đang gặp nhiều thách thức. Cụ thể, ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng của biến đổi khí hậu; tài nguyên nước thượng nguồn bị khai thác mạnh làm giảm lượng nước, phù sa, nguồn lợi thủy sản…; xâm nhập mặn ngày càng sâu, tình trạng sụt lún, sạt lở bờ sông nghiêm trọng…

Nhiều thế mạnh, nhưng tới nay ĐBSCL vẫn là “vùng trũng” của cả nước về nguồn nhân lực. Điều này xuất phát từ thực tế vùng ĐBSCL vẫn được coi là “vùng trũng” về giáo dục - đào tạo; trong khi lực lượng lao động trẻ vẫn tiếp tục “dời làng”, ly nông, tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, các đô thị lớn. Những năm gần đây, nhiều nơi tại ĐBSCL lại bị ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu, rõ nhất là việc lượng nước trên những dòng sông suy giảm, không đủ sức đẩy mặn từ biển xâm nhập, dẫn đến tình trạng mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, khiến nhiều diện tích đất trồng trọt trở nên hoang hóa. Thời gian nắng nóng kéo dài hơn, hạn hán xuất hiện nhiều hơn. Lượng nước ngầm, nước ngọt trở nên khan hiếm, tác động tiêu cực đến sinh hoạt của người dân cũng như sản xuất.

Là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản, nhưng sản xuất tại khu vực này vẫn chưa tạo được chuỗi liên kết; tình trạng được mùa rớt giá vẫn diễn ra. Nhiều nơi, người nông vẫn phải “treo ao”, “treo ruộng”, “treo vườn”. Chủ trương phát triển “cánh đồng mẫu lớn” nhiều năm qua vẫn không thực sự phổ biến, mà nhiều hơn vẫn là việc trồng trọt nhỏ lẻ.

Từ nhìn nhận thực tế tới hoạch định chiến lược cho một vùng đất rộng lớn nhiều lợi thế nhưng chưa phát triển đúng với tiềm năng luôn được Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm. Vì vậy, việc ĐBSCL cất cánh chỉ còn là vấn đề thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết để đột phá phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO