ĐBQH lo lắng vấn đề sách giáo khoa và tăng học phí đại học

PV 02/06/2023 06:59

Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri và nhân dân trong những ngày kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra liên quan tới giáo dục. Cụ thể là sách giáo khoa (SGK) bậc phổ thông và học phí bậc đại học.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy (ĐBQH đoàn Đà Nẵng) cho rằng, có những vấn đề báo chí và ĐBQH đã đặt ra suốt từ kỳ họp trước đến kỳ họp này nhưng chưa được giải quyết, như những sai sót trong cả 3 bộ SGK lớp 1, lớp 2, lớp 6 của NXB Giáo dục Việt Nam; vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lựa chọn SGK để bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK.

Ý kiến của bà Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng đã là SGK nhưng vẫn in sai, ngôn từ còn nhiều điều không phù hợp, hình ảnh chưa chuẩn mực... Đặc biệt SGK không được sử dụng lại nên mỗi năm tốn hàng nghìn tỷ đồng để mua SGK mới, gây khó khăn cho các gia đình có con đi học, đặc biệt với gia đình khó khăn.

Với bậc đại học, nổi lên hơn cả là việc học phí leo thang, khi nhiều trường đại học đua nhau kiểm định để tăng học phí. Dựa vào cơ chế tự chủ, nhiều trường đại học chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, dễ tăng được học phí, đẩy các gia đình nghèo tới chỗ khó khăn nếu có con đi học đại học.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa.

Theo ông Đỗ Chí Nghĩa (ĐBQH đoàn Phú Yên), “chúng ta chứng kiến học phí đại học đang tăng rất cao”. Theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ, các trường được tự quyết học phí nếu kiểm định chương trình đào tạo. Từ đó, dẫn đến làn sóng các trường đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí. Vấn đề là kiểm định chất lượng thế nào? có thật chất lượng không?. Ông Nghĩa cảnh báo, thậm chí nhiều trường, ngành bình thường không mở nhưng lại mở hệ chất lượng cao của chính ngành học đó. Đại biểu nêu ví dụ với các dự án BOT, đường cũ vẫn phải để người dân đi, người nào có tiền thì đi đường mới. Từ đó so sánh với việc nhiều trường đại học ráo riết kiểm định, để tăng học phí. Trong khi có tình trạng hệ đào tạo chất lượng cao nhưng điểm đầu vào thấp hơn điểm bình thường, chỉ tăng thêm môn học tiếng Anh. Từ đó ông Nghĩa đặt vấn đề cần phải xem lại việc các trường kiểm định để tăng học phí.

Ý kiến các ĐBQH nhấn mạnh việc lãng phí trong xuất bản và giá SGK, cũng như việc học phí đại học tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đại bộ phận người dân khi mà việc đi học trở thành gánh nặng của mỗi gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBQH lo lắng vấn đề sách giáo khoa và tăng học phí đại học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO