Liều mạng để... đẹp

Tinh Anh 19/11/2021 10:00

Hiện, có khá nhiều phụ nữ để có thể trở nên xinh đẹp đã không ngần ngại mang sức khỏe, tính mạng của bản thân ra để đánh cược. Họ sẵn sàng đặt niềm tin vào những “bài thuốc”, “liệu trình” của các “lang băm” tại các trung tâm thẩm mỹ, dù nhiều người trong số đó không có kiến thức y học, thậm chí không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.

Các bệnh viện, thường xuyên phải tiếp nhận những ca cấp cứu bệnh nhân thập tử nhất sinh sau khi đi... làm đẹp. Các “nạn nhân của sắc đẹp” có đủ các trang thái bệnh lý khi nhập viện, người thì uống thuốc giảm cân dẫn đến ngộ độc, kẻ tiêm thuốc tiêu mỡ dẫn đến viêm, sưng, hoại tử cơ thể, có trường hợp phẫu thuật biến dạng...

Mới đây, sau nhiều tháng điều trị tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) mới cứu được một phụ nữ bị hoại tử phần thành bụng và hai bên hông. Khi nhập viện, chị này bị các vết thương hoại tử nặng, có ổ dịch mủ, mất máu nhiều... khiến thể trạng rất yếu. Nguyên nhân là do chị đã đi tiêm thuốc tiêu mỡ bụng để... đẹp hơn.

Khi cấp cứu, ngoài việc bù đắp sự thiếu hụt dinh dưỡng, thiếu máu, các bác sĩ cũng đã thực hiện việc cắt lọc mô hoại tử, súc rửa vết thương. Song, suốt một thời gian dài cứ xử lý nhiễm trùng, khâu xong vài ngày miệng vết thương lại rách toác. Sở dĩ như vậy là do dung dịch làm tan mỡ liên tục phá hủy tế bào xung quanh, làm vết thương tiếp tục lở loét...

Đáng tiếc, người phụ nữ này lại không phải là “trường hợp hiếm” bị tai biến sau khi tiêm thuốc tiêu mỡ bụng, đùi. Thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như một số bệnh viện khác trên toàn quốc đã tiếp nhận và cứu chữa không ít trường hợp tương tự. Trong số đó, một số bệnh nhân bị tai biến do cùng tới một trung tâm thẩm mỹ để “tút tát” nhan sắc.

Lạ ở chỗ, từng có bệnh nhân bị tai biến nặng phải đưa vào viện cấp cứu, nhưng một số trung tâm thẩm mỹ lại không rút ra được bài học, không biết sợ, tiếp tục thực hiện việc tương tự để thu tiền của những người khác. Các cơ quan quản lý nhà nước về y tế, chính quyền địa phương cũng không hay, không biết về những trường hợp “hại người” như vậy.

Chính vì thế, dù có trung tâm thẩm mỹ đã gây hại cho sức khỏe của một số người, nhưng các phụ nữ khác vẫn “nườm nượp” kéo đến “tân trang” nhan sắc do không có sự cảnh báo. Hậu quả chính là việc có không ít phụ nữ từ gương mặt bình thường nhưng sau khi đi “làm đẹp” đã bị biến dạng không thể nhận ra, thậm chí tính mạng còn bị đe dọa.

Nếu như các trung tâm thẩm mỹ hoạt động hợp pháp, lại không có bị hại tố cáo thì còn bảo cơ quan chức năng không biết, không nắm được (dù như vậy cũng là rất tắc trách, thiếu trách nhiệm công vụ). Song, từng có những trung tâm thẩm mỹ hoạt động chui trong suốt một thời gian dài, để rồi khi họ “gây họa” thì cơ quan quản lý tại địa phương mới biết.

Khi có sự cố xảy ra, các cơ quan chức năng ở địa phương thường đổ lỗi cho khách quan, thậm chí “trách” người tiêu dùng không “thông thái”. Làm sao có thể “thông thái”, khi mà các trung tâm thẩm mỹ được cơ quan chuyên môn cấp phép hoạt động, hoặc hoạt động chui nhưng không hề bị “sờ tới”? Người dân làm sao biết đâu là nguy hiểm để tránh?

Dĩ nhiên trong các sự vụ xảy ra có liên quan đến sức khỏe, tính mạng thì cơ quan quản lý nhà nước về y tế, chính quyền địa phương không thể chối bỏ trách nhiệm. Song, để dẫn đến những hậu quả đáng tiếc không đáng có một phần cũng do sự thiếu hiểu biết của một số người. Nếu họ không nôn nóng làm đẹp thì đâu nên cớ sự.

Đơn cử, hiện Bộ Y tế chưa công nhận điều trị thẩm mỹ bằng việc tiêm dung dịch tiêu mỡ, giảm cân. Song, lại có không ít phụ nữ vẫn nhắm mắt, tặc lưỡi dấn thân vào nguy hiểm khi tới các trung tâm thẩm mỹ để tiêm thuốc tiêu mỡ bụng. Việc liều mạng để được đẹp hơn liệu có đáng?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liều mạng để... đẹp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO