Linh hoạt để chống dịch

Đức Trân 06/12/2021 06:05

Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội vẫn tăng trong tuần qua cùng với sự xuất hiện của những ổ dịch phức tạp và nhiều ca trong cộng đồng. Riêng trong ngày 5/12, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, thành phố ghi nhận 462 ca mắc mới, trong đó 189 ca cộng đồng.

Theo đánh giá cấp độ dịch mới được TP Hà Nội công bố, có 23 quận, huyện cấp độ 2 (nguy cơ trung bình). Số quận, huyện ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp) chỉ còn là 7.

Cùng với số ca mắc mới tăng cao là sự xuất hiện của nhiều ổ dịch phức tạp trên địa bàn Hà Nội. Đơn cử là ổ dịch tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương được phát hiện ngày 1/12 với 2 ca F0 đầu tiên qua sàng lọc đo thân nhiệt hàng ngày. Từ những ca chỉ điểm, sau đó tại bệnh viện đã ghi nhận 25 ca mắc Covid-19, trong đó 16 ca là bệnh nhân, 8 ca là người nhà và 1 là nhân viên y tế.

Một trường hợp khác, Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ đã tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, chỉ tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân nặng cấp cứu, cấp cứu ngoại khoa, sản khoa cho đến khi có thông báo mới do cơ sở y tế này phát hiện chùm mắc Covid-19 với 9 F0 là nhân viên y tế.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là nguy cơ xâm nhập của Covid-19 vào các cơ sở y tế khiến Sở Y tế Hà Nội ra văn bản khẩn cấp yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn bệnh viện và nhân viên y tế. Yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh phải bố trí sẵn sàng buồng hoặc phòng cách ly tạm thời tại các khoa lâm sàng để sử dụng, ban hành quy định nội bộ về sử dụng buồng cách ly, lối đi tách biệt từ buồng khám sàng lọc, buồng cấp cứu sàng lọc lên buồng cách ly tại các khoa lâm sàng. Trường hợp phát hiện ca mắc Covid-19 trong cơ sở y tế, thực hiện việc điều tra, truy vết, xét nghiệm đầy đủ đối với các trường hợp liên quan; người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh đánh giá tính chất, mức độ nguy cơ để áp dụng các biện pháp cách ly y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, ở thời điểm hiện tại Hà Nội không thể tránh được việc phát hiện các ca mắc mới. Với đặc thù nhiều người đến, đi để khám bệnh, việc Covid-19 xâm nhập vào các cơ sở y tế là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng cần phải nâng cao sự tuân thủ chấp hành các quy định phòng, chống dịch của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà chăm sóc, tránh tình trạng lơ là trước dịch bệnh, bởi một khi dịch bệnh xâm nhập vào các bệnh viện thì sẽ mất rất nhiều công sức để dập dịch.

Với mục tiêu thích ứng linh hoạt để ứng phó với dịch bệnh, Hà Nội đã triển khai thành lập 508 trạm y tế lưu động tại cơ sở nhằm thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Tính đến nay, nhiều trạm y tế lưu động tại các quận, huyện đã được kích hoạt. Bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức cho biết, hiện nay trạm y tế lưu động số 1 trên địa bàn được thành lập trên cơ sở trường trung học cơ sở đang điều trị cho 39 bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng. Trạm y tế được phân chia thành các khu vực: Khu tiếp nhận bệnh nhân; khu điều hành; khu chuyên môn của cán bộ, nhân viên y tế và khu vực cách ly, điều trị. Riêng khu cách ly, điều trị được chia thành 2 phòng tương ứng với 2 loại đối tượng người bệnh là điều trị bệnh nhân khỏe mạnh, không triệu chứng và điều trị bệnh nhân triệu chứng nhẹ. Các phòng được thiết kế bảo đảm thông thoáng, phòng của bệnh nhân nam và nữ riêng biệt.

Được biết, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội đều đã xây dựng phương án kế hoạch triển khai trạm y tế lưu động tại 508 xã, phường, thị trấn với phương châm mỗi thôn, xóm, cụm dân cư có một địa điểm sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng đây là bước đi chắc chắn với mục đích chăm sóc sức khỏe nhân dân một cách tốt nhất. Trạm y tế lưu động sẽ giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại cơ sở, góp phần giảm gánh nặng cho các cơ sở điều trị Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Linh hoạt để chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO