Linh hoạt đi học trực tiếp

Hàn Minh 26/02/2022 14:33

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các nhà trường cần linh hoạt, tránh cứng nhắc trong việc quyết định việc đi học trực tiếp hay chuyển sang trực tuyến để đảm bảo an toàn cho cả thầy và trò.

Học sinh Hà Nội đến trường học trực tiếp. Ảnh: Quang Vinh

Đề cao tinh thần tự nguyện

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội Phạm Xuân Tiến, Sở GDĐT chưa có phương án đề xuất mốc trở lại trường học trực tiếp đối với cấp tiểu học và lớp 6 thuộc 12 quận nội thành cũng như đối với trẻ mầm non.Trước đó, theo kế hoạch được UBND TP Hà Nội phê duyệt, học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 6 tại 12 quận nội thành sẽ đi học trở lại từ ngày 21/2. Đối với HS mầm non dự kiến sẽ trở lại trường từ 1/3 theo lộ trình được Thường trực Thành ủy Hà Nội thống nhất tại Hội nghị giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 17/2.

Tuy nhiên, với số ca mắc trong cộng đồng cũng như trong trường học những ngày qua tăng lên nên đến thời điểm này, quyết định chưa triển khai học trực tiếp với các khối lớp trên được hầu hết phụ huynh và xã hội ủng hộ. Ông Tiến khẳng định, chỉ khi nào tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, thời tiết ấm áp trở lại và các điều kiện đón học sinh bảo đảm an toàn, thì Sở GDĐT Hà Nội sẽ đề xuất UBND TP Hà Nội về lộ trình cụ thể.

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần tới nay, Hà Nội cùng với hầu hết các địa phương trên cả nước đã tổ chức cho HS học trực tiếp. Theo số liệu cập nhật đến ngày 22/2 của Bộ GDĐT, tỷ lệ HS học trực tiếp trên cả nước đạt 78,86%. Thống kê tại Hà Nội tính tới ngày 24/2, tỷ lệ HS học trực tiếp đạt trên 70%. Trong đó việc tổ chức cho HS học tập trực tiếp tại các nhà trường trên địa bàn thành phố vẫn được duy trì và bảo đảm nề nếp. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, Sở GDĐT Nội nhấn mạnh, các nhà trường tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Việc tổ chức cho HS đến trường học trực tiếp, đặc biệt là HS tiểu học cần được thực hiện theo tinh thần tự nguyện của gia đình HS. Các nhà trường cố gắng động viên, hỗ trợ để HS lớp 9, lớp 12 đến trường học tập trực tiếp và duy trì các biện pháp bảo đảm an toàn.

Nhìn từ phía giáo viên, việc dạy học trong bối cảnh hiện nay khiến các thầy, cô giáo vất vả hơn là rất rõ. Các nhà trường đều cố gắng ở mức cao nhất để vừa tổ chức dạy học, vừa duy trì các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho HS. Xác định tận dụng “thời gian vàng” đi học trực tiếp để củng cố, bổ sung và giảng dạy kiến thức mới cho HS, nhiều trường cho biết phải liên tục điều tiết kế hoạch dạy học theo từng ngày, thậm chí từng tiết học để phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Linh hoạt trực tiếp - trực tuyến

Hiện nay, khi duy trì học trực tiếp, có những lớp, những thời điểm chỉ vài HS đến lớp, trong khi có 40 HS học trực tuyến thì bài học nên được thiết kế như thế nào để phù hợp với các em? Nhiều phụ huynh băn khoăn khi đến lớp chỉ có vài em còn đa số học trực tuyến thì không khí lớp cũng chùng xuống thì có nên duy trì việc học trực tiếp không hay tất cả chuyển sang học trực tuyến tạm thời?

Chị Linh Nga (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết lớp con chị 45 HS thì đến 38 cháu học trực tuyến do là F0, F1… “Con đi học về kể mỗi người bạn cách nhau 1 bàn, lớp học thênh thang, chỉ nhìn nhau qua khẩu trang. Trong khi thầy cô cũng có tiết không thể dạy trực tiếp, vậy là lại học trực tuyến qua zoom. Chúng tôi đang kiến nghị với nhà trường về việc chuyển sang hình thức học trực tuyến cả lớp trước mắt cho thầy cô đỡ vất vả” - chị Nga băn khoăn.

Trên thực tế, việc có 1 HS là F0, nhà trường quyết định cho cả lớp nghỉ học không phải là hiếm. Song trong trường hợp cô giáo chủ nhiệm là F0 đối với HS tiểu học thì cả lớp đương nhiên sẽ chuyển sang việc học trực tuyến và kéo dài khoảng 2 tuần. Điều này thực sự là một khó khăn nhưng cũng không còn phương án nào khác bởi với hầu hết các trường, đội ngũ giáo viên đứng lớp chỉ vừa đủ, không dư thừa. Thậm chí khi giáo viên là F0 vẫn phải lên lớp dạy trực tuyến vì không có người dạy thay nên việc cân đối khả năng phòng, chống dịch, quyền đi học của HS, lực lượng giáo viên,... đang là một bài toán khó với một số trường.

Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, hiện trường đang quy định lớp nào có trên 50% HS là F0 và F1 thì sẽ chuyển sang học trực tuyến. Bởi giờ còn không đủ giáo viên đứng lớp. Trong trường hợp nhiều HS phải học trực tuyến ở nhà, chỉ một vài em học trực tiếp trên lớp, bà Nhiếp cho rằng việc linh hoạt chuyển tất cả sang học trực tuyến vẫn hoàn toàn phù hợp, đảm bảo chất lượng. Việc này vẫn hơn là số đông theo diễn tiến lớp học trực tiếp thông qua camera. Điều đó giúp giáo viên tập trung hơn vào chuẩn bị, thiết kế bài dạy theo hình thức trực tuyến, HS cũng yên tâm học hơn vì hình thức học trực tuyến qua 2 năm nay đã trở thành quen thuộc với cả thầy và trò.

Mặc dù không ai mong muốn về lớp học trực tuyến song mỗi nhà trường cần linh hoạt điều tiết để việc dạy và học trực tiếp hiệu quả, không để tình trạng số rất ít HS đến trường, số đông ở nhà còn giáo viên vẫn phải căng mình quản lý cả 2 đối tượng HS trong cùng một thời gian, vừa đảm bảo dạy học là rất khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Linh hoạt đi học trực tiếp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO