Linh hoạt tổ chức khai giảng năm học mới

Minh Quang 11/08/2021 08:00

Sau hướng dẫn của Bộ GDĐT về việc thực hiện khung chương trình năm học 2021-2022, hiện nhiều địa phương đang phải cân nhắc về phương thức tổ chức lễ khai giảng năm học mới.

Quyền quyết định thuộc về địa phương

Đầu tháng 8, Bộ GDĐT đã ban hành Quyết định số 2551/QĐ-BGDĐT, ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trước nhiều ý kiến băn khoăn về lịch tựu trường từ ngày 1/9 (riêng lớp 1 từ ngày 23/8) giữa lúc dịch bệnh ở nhiều địa phương còn diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho hay, đây là văn bản khung để áp dụng cho toàn quốc.

Theo đó, các địa phương căn cứ vào khung kế hoạch chung này để quyết định kế hoạch thời gian năm học cụ thể cho các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn. Hằng năm, Bộ đều có Chỉ thị năm học, công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học các cấp học để cụ thể hoá khung kế hoạch thời gian năm học này, sao cho bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, như năm học 2021-2022 này là tình hình dịch Covid-19.

Theo Bộ GDĐT, các mốc thời gian Bộ GDĐT đưa ra là “sớm nhất” hoặc “muộn nhất”, chứ không có nghĩa Bộ yêu cầu tất cả các địa phương phải tựu trường và kết thúc năm học trong cùng một thời điểm. Trong văn bản vừa ban hành, Bộ GDĐT cũng trao quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định kế hoạch thời gian năm học cụ thể cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn, để đảm bảo phù hợp với thực tiễn của mỗi địa phương.

Với Hà Nội và TP HCM thì Chủ tịch UBND thành phố sẽ căn cứ vào tình hình dịch bệnh của địa phương để đưa ra mốc thời gian tựu trường và kết thúc năm học phù hợp, ví dụ chuyển sang giữa tháng 9, thậm chí sang tháng 10. Điều đó đồng nghĩa với việc thời gian kết thúc năm học sẽ không phải là 31/5 mà là 15/6. Quyết định này hoàn toàn trong thẩm quyền của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành đó. Trường hợp dịch quá căng thẳng, đến 15/6 chưa thể kết thúc năm học thì địa phương báo cáo Bộ GDĐT để có hướng dẫn, sao cho vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa có thể hoàn thành kế hoạch năm học vào thời điểm phù hợp.

2 phương án tổ chức khai giảng

Ngay sau khi Bộ GDĐT ban hành kế hoạch năm học 2021-2022, nhiều địa phương đã công bố kế hoạch thời gian năm học tới. Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định về việc ban hành kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngày 1/9 học sinh các cấp học tại Bắc Giang sẽ tựu trường, tới ngày 5/9 các cấp học sẽ khai giảng năm học mới. Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tại Bắc Giang sẽ có 35 tuần thực học. Ngày kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022. Bên cạnh đó, xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt THCS xong trước ngày 30/6/2022.

Tại Hà Nội, cho đến thời điểm này nhiều trường đã lên phương án tổ chức lễ khai giảng online. Đại diện Trường Tiểu học Kim Đồng (Hà Đông) cho biết: Học sinh đang được ôn tập online trước khi bước vào kiểm tra học kỳ II, dự kiến hoàn thành trước 20/8. Về kế hoạch khai giảng, trường đã có phương án để tổ chức an toàn, hiệu quả. Nếu không được đến trường, học sinh sẽ mở phần mềm zoom bằng các thiết bị ở nhà để tham gia khai giảng.

Ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm) cho hay, dù chưa có lịch cụ thể, nhưng trường đã lên kịch bản, chuẩn bị sẵn phương án bế giảng và khai giảng bằng hình thức online. Theo thầy Tuấn, trong trường hợp phải khai giảng online đòi hỏi học sinh phải có các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng… tương tự như học trực tuyến. Nhà trường sẽ chuẩn bị sẵn các nội dung chương trình lễ khai giảng, gửi đường link vào nhóm zoom của các lớp. Phụ huynh, học sinh và thầy cô vẫn có thể tương tác với nhau. Ngoài nội dung chung, mỗi lớp có thể sẽ triển khai các nội dung riêng phù hợp với lứa tuổi, không khí ngày tựu trường.

Đại diện Phòng GDĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng cho biết, đã chỉ đạo các trường xây dựng 2 phương án trực tiếp và online. Trường hợp phải khai giảng online, sẽ vất vả cho học sinh mầm non. Các em còn nhỏ, chưa sử dụng thành thạo các thiết bị.

Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học, dạy học trực tuyến cũng có những ưu điểm riêng, trong đó đáng nói là sự đầu tư, ý thức ứng dụng công nghệ thông tin của các nhà trường, của thầy trò thay đổi tích cực.

“Về khai giảng online, tôi thấy hoàn toàn khả thi trong điều kiện học sinh không thể đến trường. Năm học trước nhiều trường đã áp dụng bế giảng năm học, các hoạt động khác bằng hình thức trực tuyến rồi. Nhưng đúng là học sinh đầu cấp, đặc biệt là lớp 1, sẽ có những khó khăn hơn. Về việc này, các nhà trường khi xây dựng kế hoạch cần lưu ý hơn. Nếu học sinh được trở lại trường trong điều kiện giãn cách thì nên ưu tiên học sinh đầu cấp. Ngoài ra có thể áp dụng các sáng kiến để tăng tương tác với học sinh mới, hỗ trợ các em làm quen với môi trường học tập, phương pháp học tập”- ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Trung học lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Linh hoạt tổ chức khai giảng năm học mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO