Linh hoạt tổ chức thi tốt nghiệp THPT

Đặng Tự Ân 06/08/2020 09:06

Chỉ còn một tuần lễ, kỳ thi tốt nghiệp THPT trong cả nước được diễn ra. Tuy nhiên, với diễn biến dịch như hiện nay, thật khó cho chúng ta lựa chọn được giải pháp tối ưu cho việc vừa tổ chức tốt kỳ thi, đúng quy chế mà vừa đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho học sinh, các thầy cô giáo và những người tham gia tổ chức thi.

ảnh: quang vinh
Ảnh: Quang Vinh.

Có ý kiến cho rằng, bỏ kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho tất cả những học sinh đã đủ điều kiện dự thi là phương án đơn giản và dễ làm nhất. Đâu có phải vậy.

Trước hết, Luật Giáo dục đã quy định: Học sinh muốn được cấp bằng tốt nghiệp THPT phải qua một kỳ thi. Nếu thay đổi điều Luật này chúng ta phải qua một quy trình thủ tục để Quốc hội có thể ban hành nghị quyết. Chắc chắn không thể một sớm một chiều mà có ngay nghị quyết của Quốc hội. Như vậy, xét tốt nghiệp không qua thi là vi phạm Luật Giáo dục.

Năm nay có gần một triệu học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có khoảng 70% học sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH. Nếu không tổ chức thi, có nghĩa không có điểm thi. Điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều cho khoảng 30 % học sinh dự thi tốt nghiệp THPT với mục đích chỉ cần có bằng tốt nghiệp. Trong khi đó 70% học sinh dự thi vào các trường ĐH lại cần có điểm thi tốt nghiệp để tham gia xét tuyển vào trường. Như vậy sẽ rất khó khăn, nếu không nói là một số trường không thể xét tuyển được học sinh vào ĐH năm 2020.

Ngoài ra, tuy dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, nhưng số đông với khoảng trên 4/5 các tỉnh, thành phố chưa phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, trong đó có TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tại các tỉnh ít nguy cơ bùng phát dịch bệnh, học sinh đang tích cực ôn tập nước rút, việc chuẩn bị kỳ thi, như in sao đề, chuẩn bị phòng thi, điều động người làm nhiệm vụ thi…các địa phương cơ bản đã chuẩn bị xong và sẵn sàng bước vào tổ chức thi. Như vậy sẽ là không công bằng, ảnh hưởng tâm lý cho hầu hết học sinh nếu chúng ta chọn chọn hình thức công nhận tốt nghiệp THPT mà không qua kỳ thi.

Dẫu thế, hiện còn nhiều băn khoăn đặt ra: Nếu tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ rất phức tạp và cũng không dễ làm, mạo hiểm và rất khó an toàn cho kỳ thi. Tại những hội đồng thi ở TP Đà Nẵng, Quảng Nam và một số huyện, thị xã khác, không thể đủ cán bộ giáo viên tổ chức thi theo yêu cầu phải giãn cách xã hội. Thí sinh có thể đeo khẩu trang nhưng quần áo bảo vệ tránh Covid lấy đâu ra và sẽ rất “kỳ” cho một kỳ thi quốc gia. Tâm lý nhiều giáo viên và người làm thi sẽ rất ngại tới làm nhiệm vụ thi tại hội đồng thi thuộc những vùng có dịch.

Trong khi khó có thể điều động với số lượng người làm thi và hội đồng thi tăng lên đáng kể ở một số hội đồng thi có dịch. Một điều hiển nhiên, không ai có thể đảm bảo an toàn sức khỏe cho toàn bộ các thí sinh và hội đồng coi thi và chấm thi. Như vậy sự an toàn cũng như cách tổ chức thi là rất khó: Không những an toàn không đảm bảo mà còn khó khăn trong việc thực hiện được tốt và đầy đủ quy chế thi.

Theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ chia thành hai đợt thi. Tuy nhiên điều kiện cho tổ chức đợt 2 vẫn còn là phía trước do chưa xác định được khi nào là an toàn để tổ chức thi, nhất là trong khi chúng ta không thể đợi vô thời hạn về thời gian. Khả năng xấu nhất đợt 2 không thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT, chúng ta có phương án là áp dụng quy chế đặc cách tốt nghiệp THPT cho tất cả học sinh đang trong vùng dịch, bị cách ly . Nếu vậy vẫn đảm bảo quyền lợi và sự bình đẳng cho tất cả học sinh trong toàn quốc.

Sự linh hoạt và sáng tạo trong đề xuất phương án thi của Bộ là rất khả thi, không những đảm bảo tôt việc thưc hiện quy chế thi, đảm bảo sức khỏe cho giáo viên, học sinh, cán bộ làm thi, mà còn đảm bảo được sự công bằng, quyền lợi của thí sinh và chất lượng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Linh hoạt tổ chức thi tốt nghiệp THPT

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO