Lo ‘bẫy phòng vệ thương mại’ khi xuất khẩu hàng Việt

Duy Phương 04/05/2021 07:20

Nhiều nước trên thế giới khởi xướng điều tra hàng trăm vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Vụ việc tác động đến khoảng 12 tỷ USD kim ngạch và hàng chục ngàn doanh nghiệp xuất khẩu.

Hoa Kỳ áp điều tra chống bán phá giá

Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), hiện Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam, Ấn Độ, Ukraine, Argentina, Braxin.

Cụ thể nguyên đơn là Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Hoa Kỳ và Hiệp hội mật ong Sioux. Hàng hóa bị yêu cầu điều tra là mật ong thô được phân loại theo mã HS 0409.00. Thời kỳ điều tra bán phá giá đề xuất từ ngày 1/10/2020 đến ngày 31/3/2021. Thời kỳ điều tra thiệt hại từ ngày 1/1/2018.

Thời gian qua, Bộ Công Thương tích cực phối hợp, làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nuôi ong Việt Nam và các DN xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ nhằm chủ động nắm bắt thông tin, chuẩn bị phương án ứng phó kịp thời trong trường hợp bị khởi xướng điều tra. Quy định của Hoa Kỳ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ xem xét tiến hành khởi xướng điều tra vụ việc trong vòng tối đa 20 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện (21/4/2021).

Theo Cục Phòng vệ thương mại, hiện nay Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ đang xem xét đơn kiện của nguyên đơn để đánh giá mức độ thiệt hại của ngành sản xuất mật ong tại Hoa Kỳ và sẽ phải đưa ra kết luận về đánh giá mức độ thiệt hại cho ngành ong tại Hoa Kỳ trong 45 ngày kể từ ngày nhận đơn. Thời hạn cung cấp thông tin cho Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ đến ngày 5/5/2021 (theo giờ Hoa Kỳ), cách thức nộp bản trả lời được nêu cụ thể tại bản câu hỏi.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đưa ra khuyến nghị hiệp hội và DN sản xuất; xuất khẩu liên quan cần trả lời bản câu hỏi của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ để thể hiện thiện chí hợp tác với cơ quan điều tra Hoa Kỳ. “Cục sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ các DN trả lời theo đúng quy định” – Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh đồng thời nêu quan điểm.

“Dính” nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại

Đây là lần đầu tiên, sản phẩm mật ong xuất khẩu của Việt Nam bị vướng vào “bẫy” phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ. Song, mật ong không phải là sản phẩm duy nhất của chúng ta bị rơi vào tình thế này. Thời gian qua, quá trình xuất khẩu hàng hóa sang thị trường thế giới, nhiều sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đã từng bị các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ cáo buộc các “tội danh” liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đây chính là một trong những hình thức bảo hộ sản xuất trong nước từ phía nước nhập khẩu.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, tính đến hết năm 2020 có 201 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tác động đến khoảng 12 tỷ USD kim ngạch và hàng chục ngàn DN xuất khẩu. Trong đó, số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019. Hoa Kỳ là nước điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2020 với 8 vụ việc, bao gồm 5 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp và 2 vụ việc chống lẩn tránh thuế.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, để giảm thiểu nguy cơ rơi vào những chiếc “bẫy phòng vệ thương mại”, các DN phải hết sức cẩn trọng khi xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, cần phải tuân thủ các quy chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như những điều kiện liên quan đến xuất xứ hàng hóa... để không bị nước đối tác sử dụng các biện pháp kỹ thuật áp thuế cho hàng hóa của chúng ta,tránh những thiệt hại có thể gây ra khi họ tìm cách bảo hộ sản xuất hàng hóa nội địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo ‘bẫy phòng vệ thương mại’ khi xuất khẩu hàng Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO