Lọ điều ước

TRANG THANH 05/09/2022 08:25

Năm ấy dịp Tết Trung thu, con gái tôi tròn giáp. Sau lần sinh nhật tuổi 12, con ngồi tỉ mẩn với món quà lego và kiên nhẫn xếp cho đến khi được một “ngôi nhà” thật đẹp.

Ảnh: ITN.

Ngôi nhà đó, con đặt lên bàn học, để ngày ngày, con có thể say ngắm đôi chiếc cây tượng trưng xanh xanh trên lối bậc thềm nâu đỏ. Một cô gái lego xiu xíu như cái ngón tay, con cầm lên và vờ tập cho cô gái đi từng bước chậm, qua mấy bậc thềm, có lẽ con đang tưởng tượng cùng cô gái bước vào ngôi nhà cổ tích. Một khung cửa trong tưởng tượng có lẽ lung linh và đầy khát khao gửi gắm, đôi khi tôi bắt gặp ánh mắt con nói lên điều đó.

Khi chạc tuổi con, tôi cũng thường mộng tưởng về khung trời ao ước của riêng mình. Tuổi thơ của tôi không có lego, cũng chẳng có búp bê hay gấu bông. Bất cứ đồ chơi gì chúng tôi cũng phải tưởng tượng rồi nhặt nhạnh từ trong thiên nhiên mà tự sáng tạo lấy cho mình. Đôi khi một ước mơ lớn lao được ôm ấp, hun đúc từ tấm bé, lại chỉ khởi phát từ một hình ảnh đẹp hay đầy thương cảm, xót xa, được tìm thấy trong trang sách. Rồi cứ thế ngày ngày mộng mơ gửi gắm ước mơ của mình qua một vòm cây hay một khung trời nhỏ, có đám mây lòa xòa lơ đễnh bay qua.

Những điều ước dẫu nhỏ bé hay lớn lao trong cuộc đời, có thể trở thành hay không sự thật, nhưng đã cho ta niềm tin, rằng từ lúc ta nghĩ về điều đó, hay đặt bút viết lên điều đó, là yêu thương, là khát vọng trong ta hiển hiện.

Tôi đã từng đi qua những năm tháng ấy, tâm hồn trang hoàng viễn mộng, lấp lánh như sao sa về đêm trên cánh đồng làng. Qua khỏi cánh đồng ấy là thành phố, nơi có những lung linh nhiệm màu cũng chẳng khác gì điều ước của mấy đứa trẻ nhà quê.

Nên nhiều khi không khó để nhận thấy con gái bộc lộ sự mê đắm ngôi nhà đến mức lơ đễnh quên cả học bài. Ừ, bây giờ mẹ con đang ở nhà thuê, nếu con có mơ ước về một ngôi nhà thì thật là chính đáng.

Nơi ở đơn sơ mẹ con mới thuê không có tủ kính để bày ngôi nhà của con cho đẹp và đỡ bụi. Con gái sau những ngày vừa lắp xong ngôi nhà cầu kỳ nhiều chi tiết lộng lẫy như cổ tích giữa trần gian, thì niềm say mê của nó cũng như chớp gió lanh lẹ đậu sang một món đồ chơi khác. Những búp bê, gấu bông, những bộ đồ xếp hình, truyện tranh xếp thành một thế giới những người bạn của tưởng tượng. Con dường như đã quên lãng ngôi nhà?

Nhìn món quà đẹp đẽ đang bị bụi thời gian phủ lên, tôi nhắc con lau dọn, nhưng con bảo: “Con sợ ngôi nhà bị… đau”. Con tôi vốn là cô mèo lười ưa lý sự, lại lấy mẩu giấy nhỏ viết một dòng tô đậm nhắc nhở: “Không ai được đụng vào đây!”. Mẩu giấy dán nhẹ lên “cánh cửa” ngôi nhà như minh định cho sự sở hữu, bất khả xâm phạm.

Cho đến một hôm tôi dọn nhà, nhìn thấy mà thương ngôi nhà bụi phủ, tôi dùng miếng khăn ướt nhỏ lau khẽ, để không phá hỏng “công trình” của con. Tôi cố làm thật gượng nhẹ, và đã gần xong, nhưng không ngờ cùi tay lại vô tình chạm phải khiến ngôi nhà đổ cái rụp vào phút cuối và vỡ tung. Nhiều miếng ghép rơi tung tóe xuống sàn nhà, mà nhìn vào đống mảnh ghép bé xíu và nhiều đến nỗi khó đếm xuể ấy, tôi nghĩ chính mình cũng sẽ bất lực nếu muốn xây nó lại như cũ.

Con gái đang xem ti vi, giật mình nghe tiếng ngôi nhà đổ, thì chồm dậy nhìn sững một giây rồi ngồi thụp xuống, ôm mặt khóc òa lên. Mẹ xin lỗi con, mẹ chỉ lau bụi, là vì mẹ muốn tốt cho món đồ của con. Con tôi vùng vằng không chịu. Bực bội, tôi đã quát, rằng con lười, rằng con bày biện vẽ vời, con không biết dọn dẹp, con chỉ biết làm khổ mẹ… nhưng con tôi vẫn khóc dấm dứt. Đành dỗ con thu dọn lại, rồi con sẽ xây một ngôi nhà khác, có khi còn đẹp hơn, đây là đồ chơi sáng tạo, con phải liên tục thay đổi, phải biết xếp thành nhiều ngôi nhà khác nhau. Con gái khóc nấc lên: “Huhuhu, mẹ không biết gì hết, không hiểu gì hết, con chỉ muốn có ngôi nhà này thôi!”.

Con gái tôi tắt bụp ti vi, chui vào tấm chăn, trùm kín lên đầu, lúc này thì nức nở. Lần đầu tiên trong từng ấy năm nuôi con, nay nó có biểu hiện gay gắt với mẹ đến thế. Tôi cố gắng kìm nén sự bực bội, một mình sắp xếp lại những búp bê, gấu bông nhỏ xíu, những con thú nhựa tí hon. Ngôi nhà ngổn ngang vỡ vụn, tôi xếp cả vào một cái rổ nhựa. Đành để lúc khác, mình sẽ cùng con xây lại. Tôi muốn chuộc lỗi với con bằng cách kiên nhẫn thể hiện tình yêu với những món đồ chơi mà con nâng niu, để con hiểu sự việc vừa xảy ra chỉ là do sơ ý.

Trong khi nhặt đến những miếng ghép cuối cùng của ngôi nhà, một cái lọ nhựa nhỏ bỗng hiện ra, trên lọ có dòng chữ tô đậm: “Lọ điều ước”. Con gái tôi đã thôi nức nở, nhưng vẫn co quắp trong chăn, cô đơn như thể một sự tự trừng phạt. Căn phòng tĩnh lặng gần như tuyệt đối, có thể nghe rõ những tiếng thút thít tủi hờn.

Tôi cầm “Lọ điều ước”, tò mò mở ra. Từng mẩu giấy nhỏ cuộn chặt lại, mỗi cuộn được buộc bằng một chiếc dây trang kim rất mảnh, xếp đứng cạnh nhau. Cuộn cao nhất khiến tôi cầm lấy, khẽ khàng mở. “Mẹ ơi, nhà mình đang ở rất ấm áp, nhưng đó chỉ là nhà thuê. Mẹ đừng đổi xe máy, đừng mua thêm máy tính, mẹ hãy dành tiền mua nhà cho con. Đây là ngôi nhà mà con mơ ước sẽ có trong tương lai. Con chỉ cần ngôi nhà nhỏ thôi, nhưng phải có cái bồn tắm, đơn giản vì, con là Cá Bống…”.

Thảo nào, con tôi dạo ấy rất nhăn nhó mỗi khi tôi nói lên ý định mua một món đồ mới. “Lọ điều ước” của con, tôi không dám đọc tiếp. Có thể, đó là một thế giới mà con tôi chỉ muốn giấu kín. Tôi ngồi lặng đi, miên man nghĩ về những điều mình từng mơ ước trong cuộc đời.

Khi còn nhỏ như con, tôi cũng từng mơ giấc Lọ Lem biến thành nàng công chúa. Tôi ước mình có thể viết một bài thơ. Làm một người mẹ, tôi cũng từng ước cho con có một ngôi nhà, và tôi từng viết: “Đêm trước/ em mộng thấy mình bay lên trên những đường cong/ Mùa quả chín phố thơm/ những người đàn bà quảy gánh/ Anh vẽ ngôi nhà/ anh sắp đặt nơi này cho con, nơi này của chúng ta/ Ngoài kia vườn xanh/ những búp non thiên thần/ Trong này nhạc dịu êm/ những ước mơ run rẩy”.

Tôi không có lọ điều ước. Từng mẩu giấy nhỏ, đôi khi chỉ là một tờ lịch vừa xé vội, viết lên đó điều mình chợt nghĩ, một bí mật cần cất giấu, giấc mơ kì lạ đêm qua, hay ghi nhớ một điều mình mong muốn. Tôi từng giấu những mẩu giấy như thế ở trên cái hốc tường áp mái nhà mình. Nhiều mẩu giấy đến nỗi bọn chuột thấy ấm áp rúc vào đấy mà làm ổ, cho đến một ngày tôi bắc ghế trèo lên thì một con chuột giật mình nhảy thốc qua vai. Cũng có khi tôi tiện đâu giấu đó như nách tàu lá chuối, hay một cái khe nứt ở vách bếp, rồi quên bẵng đi, không bao giờ nhớ lại. Nhưng những ước mơ thì vẫn cứ được gài sâu trong tâm trí.

Tôi nhớ cái lần cha tôi mang về hai cây xoan nhỏ nhưng khá thẳng. Tôi giúp cha cùng trồng chúng ở góc vườn, cha nói, chỉ ước 10 năm sau hai cây xoan đủ lớn, thẳng đẹp để có thể làm hai cái quá giang, cha sẽ sửa lại ngôi nhà cho mẹ con chúng tôi.

Tôi ghi nhớ ước mơ của cha và cùng cha trông nom, chăm sóc hai cây xoan lớn lên, 10 năm sau thì chúng đạt tiêu chuẩn làm quá giang đúng như cha dự tính. Tôi đã lớn lên cùng lời thầm nguyện mỗi mùa mưa bão, làm sao để hai cây xoan không bị bão gió quật gãy. Cho đến bây giờ, vẫn là đôi quá giang được làm từ hai cây xoan ấy, đang chống đỡ cho ngôi nhà nhỏ bé nơi mẹ tôi đang ở. Cũng như tôi, cha không có lọ điều ước, nhưng cha đã sống cùng những ước mơ đẹp đẽ ấp ủ sâu kín đáy lòng.

Chiếc lọ điều ước của con lại khiến tôi nhớ đến những em bé Sa Pa mệt nhoài sau một ngày đi bán đồ lưu niệm, ngủ vùi trên bậc thềm nhà thờ, trong mưa sương và gió lạnh. Không biết các em có mơ ước điều gì, “có tiếng chuông nào rung vào giấc mơ?”

Trong những trang sách tôi đọc ngày xưa, người ta viết điều ước hay lời nhắn nhủ, lời dự báo, bỏ vào chiếc lọ gắn xi thả trôi ra biển. Có những lọ ước rất nhiều năm sau vẫn nguyên vẹn trôi dạt rồi rơi vào tay ai đó như một định mệnh. Có những câu chuyện đã xảy ra trong thực tại đúng như dự báo, khiến người ta ngỡ ngàng về sự huyền nhiệm bất ngờ của cuộc sống. Không biết điều ấy là thực hay chỉ có trong tưởng tượng của các nhà văn, tôi vẫn tin những câu chuyện như thế từng có thật.

Và cho đến bây giờ, lọ điều ước vẫn là biểu trưng cho sự màu nhiệm trong cuộc sống, hay chí ít, đó là nơi gửi gắm tình cảm, niềm tin của con người vào những điều tốt đẹp. Người ta viết về hạnh nguyện, niềm khát vọng, những lời nhắn gửi tâm tình, bỏ vào lọ điều ước và gửi tặng cho nhau.

Những điều ước dẫu nhỏ bé hay lớn lao trong cuộc đời, có thể trở thành hay không, nhưng đã cho ta niềm tin, rằng từ lúc ta nghĩ về điều đó, hay đặt bút viết lên điều đó, là yêu thương, là khát vọng trong ta hiển hiện. Những mơ ước tròn đầy, lung linh sẽ cùng ta đi qua tháng năm tươi đẹp và cả những khoảnh khắc ngặt nghèo, để khi ngoảnh lại cho ta thêm hiểu, điều ước sẽ lại cùng ta viết thêm những trang phía trước cuộc đời. Màu nhiệm chẳng ở đâu xa, luôn sẵn có trong những điều tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lọ điều ước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO