Lo loạn các kỳ thi riêng

Hương Thu 21/12/2021 15:14

Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM đã có kinh nghiệm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) thành công. Nhưng không phải vì thế mà trường nào cũng nên tổ chức kỳ thi riêng sẽ trở thành áp lực cho các thí sinh.

Thí sinh thi đánh giá năng lực. Ảnh tư liệu.

Theo TS Lê Viết Khuyến, ĐH Quốc gia Hà Nội những năm qua đã tổ chức kỳ thi ĐGNL với kết quả được nhiều trường ĐH sử dụng để xét tuyển là việc làm rất nên khuyến khích. Nhất là qua phân tích phổ điểm thi của trường qua một số năm thì thấy bộ đề ra tiêu chuẩn, phổ điểm đẹp, đáp ứng được việc xét tuyển của chính ĐH Quốc gia và các trường khác có nhu cầu. Ngân hàng câu hỏi đã được xây dựng đảm bảo yêu cầu để có được bộ đề đúng chuẩn, phục vụ cho việc phân loại thí sinh ở các mức khác nhau. Vì vậy, với quy mô như kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội hoàn toàn có thể mở rộng phương thức thi cũng như làm đề theo cách chuẩn hóa để các trường khác có thể áp dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào trường mình.

Theo Luật GD ĐH, các trường được tự chủ tuyển sinh với việc lựa chọn các phương thức xét tuyển chung hoặc riêng tùy trường. Có thể dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển bằng học bạ, bằng các chứng chỉ ngoại ngữ… hoặc tổ chức kỳ thi riêng. Thí sinh có nhiều lựa chọn để xét tuyển vào trường mình yêu thích bằng nhiều phương án và cần có sự chuẩn bị từ sớm theo đề án tuyển sinh của mỗi trường.

Tuy nhiên, điều TS Khuyến lo lắng là nếu trường nào cũng tổ chức kỳ thi ĐGNL của riêng mình thì sẽ khó đảm bảo chất lượng và không có lợi cho thí sinh.

Theo ông, không phải trường nào cũng cần tổ chức kỳ thi riêng mà hình thức thi này sẽ cần thiết với các trường, các ngành độ phân hóa cao. Nhìn chung xu hướng thế giới hiện nay đó là nên thúc đẩy việc chọn lọc đầu vào vừa phải mà quan trọng là đánh giá đầu ra, làm sao để đề cao tính công bằng trong tuyển sinh để mọi người có nhu cầu đều có thể được học cái mình muốn, mình cảm thấy thiếu, từ đó thúc đẩy xã hội học tập. Quan trọng là phải để người học hiểu được mình muốn gì, cần gì, từ đó tạo động lực học tập cần thiết cho mỗi người.

Bên cạnh đó là để tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía các trường, không chỉ về mặt nhân lực, kỹ thuật mà phải là tổng hòa của tất cả các yếu tố. Mặc dù trên lý thuyết trường nào cũng có thể tổ chức kỳ thi ĐGNL song tôi cho rằng những trường có bề dày thời gian hoạt động, là trường đa lĩnh vực thì sẽ phù hợp tổ chức kỳ thi ĐGNL hơn là các trường chuyên ngành. Tất nhiên, nếu không có kinh nghiệm tổ chức, không có nhân lực có đủ chuyên môn, các trường cũng có thể đi thuê nhưng như vậy sẽ rất tốn kém và chất lượng khó có thể đảm bảo.

Vì vậy, tôi cho rằng về mặt quản lý Nhà nước cần đưa ra các khuyến cáo với các trường để không xảy ra tình trạng loạn thi. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng có bộ phận khảo thí chất lượng hoàn toàn có thể hỗ trợ, giúp các trường xây dựng, tổ chức các kỳ thi một cách chuyên nghiệp và đảm bảo. Hoặc liên kết với các trường đã có kinh nghiệm tổ chức các kỳ thi này để có sự chuẩn bị tốt nhất, tránh xảy ra những lỗi sai ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh.

TS Lê Viết Khuyến.

TS Khuyến nhấn mạnh các trường không nên tổ chức tràn lan các kỳ thi ĐGNL. Không nên đẩy các kỳ thi riêng thành phong trào mà nên sử dụng các kết quả kỳ thi chung để bớt vất vả, tốn kém cho người học. Luật không có quy định cụ thể về vấn đề này, cũng không có chế tài để kiểm duyệt song Bộ GDĐT cần có khuyến cáo đối với các trường, đồng thời có cơ chế giám sát để không phát sinh tràn lan các cuộc thi không cần thiết, chỉ có lợi cho một nhóm nhỏ thí sinh còn gây tốn kém, vất vả cho phần lớn thí sinh khác.

Với quan điểm khi các kỳ thi ĐGNL được tổ chức sẽ làm giảm áp lực của kỳ thi tốt nghiệp THPT, TS Khuyến cho rằng điều này đúng nhưng phải với điều kiện tổ chức tốt và có đông trường sử dụng kết quả thi này để xét tuyển. Ngược lại, nếu các trường khác cũng đua nhau tổ chức thi ĐGNL thì thậm chí sẽ làm gia tăng áp lực cho các thí sinh và xã hội. Vì sao?

Khi chỉ có một kỳ thi chung, các em chỉ cần học và thi một kỳ thi và sử dụng kết quả này để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường. Nhưng nếu mỗi trường tổ chức kỳ thi riêng của mình thì thí sinh muốn xét tuyển 2, 3 trường phải thi 2, 3 kỳ thi khác nhau. Như vậy sẽ áp lực hơn rất nhiều.

"Kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết, điều này đã được thống nhất quan điểm. Nhiều quốc gia giống Việt Nam cũng đang sử dụng kết quả này để xét tuyển vào ĐH. Tôi đã nhiều lần góp ý với Bộ, tức là không cần có điểm sàn, cứ tốt nghiệp THPT là mặc nhiên đủ điều kiện cần để vào học đại học, cao đẳng, còn vào học một trường cụ thể nào thì còn phải đảm bảo điều kiện đủ do các trường đặt ra” TS. Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo loạn các kỳ thi riêng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO