Lo nguồn thuốc giải độc

An Thái 25/05/2023 07:00

Hiện nguồn thuốc giải độc botulinum BAT trong nước rất khan hiếm, đây vừa là thách thức đối với các bác sĩ điều trị, đồng thời gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Bệnh nhân bị ngộ độc botulinum được điều trị hỗ trợ bằng thở máy tại TPHCM. Ảnh: TL.

Chỉ trong thời gian ngắn từ đầu năm 2023 đến nay, liên tiếp xảy ra tình trạng bệnh nhân bị ngộ độc botulinum. Liên quan đến chùm ca bệnh ngộ độc botulinum mới nhất, Bệnh viện Chợ Rẫycho biết, hiện cả 3 bệnh nhân đều phải thở máy (do thiếu thuốc giải độc botulinum), sức cơ chỉ còn 0,5 - 1,5, tức bị liệt hoàn toàn. Trong khi trước đó chỉ có 2 bệnh nhân phải thở máy và sức cơ của bệnh nhân còn lại ở mức 3/5 - 4/5.

Đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay, ngoài việc nỗ lực mua thuốc giải độc, Cục cũng đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong tình huống không mua được thuốc sẽ nhờ hỗ trợ. Theo đó, Cục Quản lý Dược đã và đang khẩn trương liên hệ, trao đổi và làm việc với WHO để hỗ trợ giải quyết, hiện WHO đang khẩn trương liên hệ để tìm nguồn thuốc hỗ trợ. Đồng thời Cục Quản lý Dược cũng đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ với các công ty nhập khẩu, nhà cung ứng để có thêm nguồn cung ứng thuốc.

Bộ Y tế cho hay, trong nhiều năm qua Bộ đã xây dựng và ban hành danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có và danh mục các thuốc này thường xuyên được điều chỉnh, nhằm giúp các cơ sở khám, chữa bệnh có biện pháp chủ động trong việc đảm bảo đủ thuốc hiếm đáp ứng nhu cầu điều trị của cơ sở, cho phép chuyển nhượng thuốc hiếm giữa các cơ sở khám, chữa bệnh... Danh mục các thuốc này thường xuyên được điều chỉnh. Hiện danh mục hiện tại gồm 214 thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có.

Theo Cục Quản lý Dược, ngộ độc botulinum là ngộ độc do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum, ngộ độc này rất hiếm xảy ra. Nguyên nhân chính do người bệnh nhiễm độc tố vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng, ăn phải các loại thức ăn bảo quản không tốt. Do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh này (thuốc BAT) trên thế giới cũng rất hiếm. Vì vậy, đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung. Bên cạnh đó, giá của thuốc này cũng rất cao. BAT hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được bảo hiểm chi trả.

Bộ Y tế cho biết, để chủ động hơn với các thuốc chống ngộ độc nói riêng, các thuốc hạn chế về nguồn cung nói chung, Bộ đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý và chỉ đạo Bộ xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Trong các giải pháp thực hiện, một giải pháp quan trọng là thành lập các trung tâm tồn trữ thuốc hiếm nguồn cung tại các vùng kinh tế - xã hội và đặc biệt là cơ chế để có thể thanh toán các thuốc hiếm về nguồn cung đã tồn trữ nhưng hết hạn do không phải dùng đến vì không có bệnh nhân.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần hết sức lưu ý, không bảo quản và sử dụng thức ăn đã được chế biến từ lâu, đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh nguy cơ ngộ độc nói chung, ngộ độc độc tố botulinum nói riêng.

Liên quan đến việc thiếu thuốc giải độc, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tình trạng thiếu một số thuốc giải độc thuộc danh mục thuốc hiếm đã diễn ra nhiều năm nay tại các bệnh viện trong cả nước. Nhiều vụ ngộ độc clostridium botulinum hay bị rắn cạp nia cắn, ngộ độc asen, thủy ngân... một năm chỉ gặp một số ca. Trong khi đó, các thuốc giải độc này nằm trong danh mục thuốc hiếm, các công ty nhập khẩu, kinh doanh rất ít dự trữ. Hiện cả nước chưa có kho hay trung tâm nào dự trữ các thuốc hiếm cố định.

Ông Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, hiện nước ta chưa có nơi lưu trữ thuốc hiếm tầm quốc gia. Cho đến nay việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc cần thuốc hiếm còn mang tính cá biệt. Do đó ông Thức đề xuất cần có trung tâm lưu trữ thuốc hiếm do Bộ Y tế quản lý để điều chuyển thuốc cho tất cả các địa phương khi cần.

Thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent là loại thuốc quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà hiếm cả trên toàn cầu, có giá hơn 8.000 USD/lọ. Không những đắt đỏ mà thuốc còn rất hiếm, hiện trên thế giới chỉ có một công ty tại Canada sản xuất. Trước năm 2020, Việt Nam chưa có thuốc giải botulinum.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo nguồn thuốc giải độc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO