Lo nhà cho người nghèo vùng lũ

Bắc Phong 05/11/2020 07:42

Đợt mưa lũ khủng khiếp kéo dài hơn một tháng qua đã nhấn chìm hàng trăm ngàn ngôi nhà người dân miền Trung trong nước. Mà cũng không chỉ năm nay mới vậy mà nhiều năm trước cứ mưa to bão lớn là khu vực này lại bị ngập. Dân tình vô cùng vất vả khó khăn để trụ được trong cơn nước dữ.

Đối với người dân vùng lũ, không gì quý giá hơn một ngôi nhà để của cải tích cóp được sau những năm tháng lao động nặng nhọc không bị nước lũ làm cho hư hỏng, cuốn trôi. Và cũng là để sống sót trong những tình huống hung hiểm.

Nhà chính bị ngập đến nóc, người dân Tân Hóa (Quảng Bình) thoát lũ trên ngôi nhà nổi. Ảnh: PLO.

Chính vì thế, dự định đề nghị của Bộ Xây dựng nhân rộng nhà chống lũ cho miền Trung nhằm giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản cho người dân được chờ đón một cách đặc biệt.

Được biết, từ năm 2014, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã triển khai Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt cho 14 tỉnh miền Trung. Chương trình đưa ra các gói hỗ trợ từ 12 đến 16 triệu đồng/hộ và các gói vay lãi xuất ưu đãi để người dân xây nhà chống lũ. Cùng đó, Bộ Xây dựng cũng đưa ra giải pháp kỹ thuật, bản vẽ các mô hình nhà chống lũ có khả năng đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân khi bão lũ.

Chắc hẳn những hộ gia đình được hưởng lợi từ chính sách này đã vượt thoát khỏi những trận bão lũ với tổn thất ít, nhưng thực tế vẫn còn đó không biết bao nhiêu gia đình vùng lũ vẫn ngày đêm phải lo toan. Vì thế, chương trình rất thiết thực, rất nhân văn này cần phải được gấp rút triển khai mạnh mẽ, rộng rãi để nhiều người được hưởng hơn nữa.

Tuy nhiên, cũng rất cần thực tế để một chủ trương nhân văn ấy thực sự hữu ích. Đó là số tiền để hỗ trợ xây nhà vượt lũ cho đồng bào. Nếu như chỉ với số tiền hỗ trợ từ 12 triệu đồng cho tới 16 triệu đồng 1 nhà, thì e rằng khó. Năm 2014, cách đây 6 năm, với mức hỗ trợ ấy có thể tạm được cùng với số tiền tự người dân bỏ ra để có một ngôi nhà trụ được trong lũ; thì nay là rất khó. Vẫn biết rằng trong khi đất nước còn khó khăn, không thể bỗng chốc có một khoản kinh phí lớn cho bất cứ việc gì, thì với việc hỗ trợ xây nhà cho dân vùng lũ dù ít cũng quý; nhưng nếu ít quá cũng sẽ dẫn tới việc mọc lên những căn nhà ọp ẹp, không giúp được nhiều cho dân.

Lấy ví dụ mùa mưa bão năm nay, trong số hàng trăm ngàn ngôi nhà ở miền Trung bị nước dữ uy hiếp, thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương đã có tới 37.524 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, sập đổ. Vậy thì nếu dựng lên những ngôi nhà yếu ớt chỉ vì do đầu tư ít thì liệu có hiệu quả không khi mà thiên tai ngày càng dữ dội.

Có lẽ cũng nhận thấy điều đó nên ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, qua kiểm tra ở địa phương vũng lũ vừa rồi, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương đánh giá hiệu quả mô hình nhà chống lũ (trước đó), từ đó đề xuất nhân rộng mô hình theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, tăng mức hỗ trợ Nhà nước để xây những ngôi nhà đảm bảo an toàn.

Nếu được thế thì thật mừng. Vì rằng xây nhà vượt lũ cho người vùng lũ chính là lo ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân. Câu chuyện hỗ trợ, cứu giúp “cho con cá hay cho cần câu” cứ lặp đi lặp lại, thì trong việc này chính là cho dân “cần câu”: Chỉ khi người dân được sống yên ổn trong lúc bão lũ gầm gào thì họ mới nhanh chóng hồi phục sau thảm họa và cũng còn lực để đứng dậy từ trong hoang tàn. Tuy nhiên, khi hỗ trợ xây nhà thì rất cần đúng đối tượng, đó là những người thật sự chưa có nhà ở kiên cố và phải là những hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. Nếu không đúng đối tượng thì sẽ lại gây ra bất hòa trong cộng đồng, chưa nói đến chuyện “mất cán bộ” chỉ do vì lòng tham nổi lên, không chỉ “giành phần” cho mình mà còn cho cả người thân trong khi không xứng đáng. Chưa nói, không loại trừ cả việc xà xẻo, “chấm mút”, chia chác, “lại quả” như đã từng thấy. Rất đáng buồn.

Nhưng trong câu chuyện này cũng xin được lạm bàn. Ấy là việc “chia chác” này cũng chính lại là một dịp để nhận rõ trắng đen, ai tốt ai xấu. Lúc trước, trong chiến tranh, giữa cái sống và cái chết,“phẩm chất người” rất rõ ràng. Nhưng rồi đi qua khói lửa trận mạc, sự thử thách lớn nhất lại chính là những “viên đạn bọc đường”. Đồng tiền có sức quyến rũ ghê gớm, nhiều người gục ngã vì không thể nào chế ngự được lòng tham.

Vậy thì, giả dụ, lần này Nhà nước quyết định đầu tư lớn cho người dân vùng lũ làm nhà thì cũng nên xem là một lần thử thách: Ai là người thực sự vì dân, ai là kẻ ngã gục trước đồng tiền. Với những kẻ tham lam, lợi dụng chính sách để đục khoét, làm hỏng chính sách thì cũng không nên tiếc làm gì, cũng chẳng lo “mất cán bộ” làm gì. Suy cho cùng những kẻ như thế “mất” đi còn tốt hơn.

Sàng lọc cán bộ thời nay quan trọng chính là ở chỗ này, khi họ đối mặt với đồng tiền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo nhà cho người nghèo vùng lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO