Lo tết cho nhân dân chứ không phải lo tết cho cấp trên

H.Vũ Ảnh: Quang Hiếu 28/12/2018 20:26

Chiều 28/12, phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, khi Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, các bộ ngành địa phương chăm lo tết cho nhân dân chứ không phải lo tết cho cấp trên, cần đảm bảo cung ứng hàng hóa để phục vụ nhân dân, không được đầu cơ nâng giá, đặc biệt cần phòng chống buôn lậu trong dịp Tết.

Lo tết cho nhân dân chứ không phải lo tết cho cấp trên

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Phục vụ dân, lắng nghe dân

Ngay mở đầu phần phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng đã lưu ý các bộ ngành, và lãnh đạo 63 địa phương đang tham dự trực tuyến tại các điểm cần cần chú ý đến công tác Đảng trong Nhà nước mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến trong bài phát biểu chỉ đạo hội nghị diễn ra sáng nay. Thủ tướng nhấn mạnh rằng “đây là việc hết sức quan trọng vì xây dựng Đảng làm cho các cơ quan vững mạnh, nếu buông lỏng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khối chính quyền.

Hoan nghênh và đánh giá cao bài phát biểu của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại phiên họp đã có những sự động viên, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong chỉ đạo điều hành trong năm 2018, Thủ tướng cho rằng bao giờ khối hành pháp trong quá trình làm cũng có sự “va chạm” hơn cho nên sự động viên của Mặt trận, các tầng lớp nhân dân đã cho thấy được niềm vui về những kết quả đạt được, đồng thời những mong muốn của Mặt trận cũng chính là mong muốn của nhân dân đối với Chính phủ để làm sao làm tốt hơn nữa, nhất là những kiến nghị trong các Báo cáo kiến nghị cử tri gửi đến các kỳ họp Quốc hội

Nhấn mạnh đến khát vọng của dân tộc, có ý chí vươn lên không chịu nghèo đói, để dân tộc ta không yếu kém với khu vực khác, Thủ tướng cho rằng: Tinh thần đó phải được thổi vào trong khu dân cư, doanh nghiệp của chúng ta. Do đó các cấp, các ngành phải chuyển tới tinh thần ấy tới các tầng lớp cán bộ, tầng lớp nhân dân. Nhà nước là quản lý hành chính nhưng tinh thần là phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phát triển, không có dân là “không thành công”, không có dân là không phục vụ sự nghiệp cách mạng. Cho nên phải phục vụ dân, lắng nghe dân để thúc đẩy quá trình cách mạng diễn ra nhanh hơn, tốt hơn.

“Các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thành phải nêu trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước, và nhân dân nhìn vào quá trình quản lý để chỉ ra những khuyết điểm do đó phải có hành động cụ thể hàng ngày. Qua hội nghị này mà chúng ta không có hành động thì khó thành công. Một câu hỏi được đặt ra là chúng ta hay nói “do dân vì dân” nhưng tại sao lại để dân đi khiếu nại nặng nề đến vậy?, vậy đã làm hết tinh thần trách nhiệm hay chưa?.Nghèo khó một tý nhưng lòng dân yên thì mới là thành công”-Thủ tướng nêu rõ.

Lo tết cho nhân dân chứ không phải lo tết cho cấp trên - 1

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.

Kinh tế phải đi liền phát triển xã hội

Trước những tồn tại bất cập đang diễn ra trong năm 2018, Thủ tướng cho rằng, cái lo nhất không phải là những tồn tại mà là “chỉ thấy thành tích” mà không thấy tồn tại khuyết điểm. Sức chống chịu của nền kinh tế dù kinh tế phát triển về quy mô nhưng tình hình thế giới đang khiến chúng ta lo lắng, và phải nghiên cứu chủ động hơn nữa. Trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhiều nơi đang chuyển đổi, thay đổi rất chậm, “bổn cũ chép lại” đang đặt ra với các địa phương. Các nguồn lực chưa được giải phóng như doanh nghiệt tư nhân, hợp tác xã, sản xuất kinh doanh còn khó khăn, trắc trở.

Đặt câu hỏi: Chúng ta có bao nhiêu doanh nghiệp có chuỗi giá tị toàn cầu?, Thủ tướng cho rằng, nhiều ách tắc chưa được giải quyết kịp thời cho nên còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc. “Kinh tế phải đi liền với xã hội, chứ không phải kinh tế “trừ” xã hội, bệnh quan liêu, tham nhũng, xa dân, nhất là tham nhũng vặt đang mất niềm tin của người dân. Từ xin việc cho đến lên xã xin giấy tờ có phải phong bì, phong bao không? những câu hỏi đó cần phải khắc phục, nhất là trong bối cảnh hiện nay một bộ phận nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn hết sức khó khăn.

“Năm ngoái tôi có đi công tác cùng anh Hầu A Lềnh (Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam-PV) đi đến nhà dân ở miền núi thấy rằng tổng tài sản trong nhà không quá 500 nghìn”, Thủ tướng đưa ra dẫn chứng từ đó cho rằng, nhiều nơi còn đói cơm, nhạt muối cho nên chính quyền địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, hay tệ nạn xã hội, tín dụng đen vẫn là vấn đề cần phải có biện pháp trấn áp mạnh mẽ hơn, phải kiên quyết hơn không thể biết tồn tại mà không giải quyết. Có nơi tại một số cơ quan ở trung ương và địa phương trong giải quyết công việc không nghiêm, còn chậm trễ kéo dài để cho địa phương hay doanh nghiệp kêu ca. Tôi nói như vậy để các bộ, ngành, địa phương “sờ gáy” bộ mình, ngành mình, địa phương mình xem có hay không mà sao nhiều nơi vẫn kêu ca.

Thủ tướng cũng chỉ rõ, môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, nhiều nơi kêu gọi đầu tư thành công nhưng nhiều nơi chỉ số năng lực cạnh tranh CPI còn bê bết. Tại sao cùng thể chế như nhau, các tỉnh gần nhau nhưng có tỉnh chỉ số cao, có tỉnh chỉ số thấp? đó chính là nằm ở hành động của các đồng chí, gây khó khăn cho người dân, làm khó trong đầu tư kinh doanh. Cấp tỉnh tốt vậy cấp huyện thì sao? phải chuyển động đều mới thay đổi tình hình chứ thay đổi ở bên trên thôi thì chưa ăn thua, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngườidân, hay như việc thực hiện Luật tiếp công dân thì mới có 30% tiếp công dân, như vậy còn 70% chủ tịch tỉnh, thành chưa thực hiện tốt công tác tiếp công dân cho nên người dân mới kéo ra Hà Nội.

Cũng theo Thủ tướng, nhiều tiềm năng, thế mạnh song nhưng nhiều nơi còn chưa biết phát huy hết cho nên cần trăn trở tại sao cùng cơ chế chính sách như nhau nhưng có nơi làm tốt, có nơi trì trệ đó chính là do người đứng đầu, gương mẫu, dám nghĩ dám làm thì kết quả sẽ tốt hơn, có giải pháp phù hợp tạo nền tảng để phát triển nhanh bền vững.

Nhấn mạnh việc Thủ tướng đã ký quyết định 400 tỷ đồng hỗ trợ cho tỉnh Quảng Trị trong vụ thiệt hại do Fomosa gây ra được 1 năm nay nhưng tại phiên họp hôm nay, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị cần tháo gỡ, Thủ tướng nêu rõ: Vậy đang nằm ở đâu? cục nào? vụ nào?, đồng thời Thủ tướng yêu cầu cần kiểm điểm để báo cáo Thủ tướng, tại sao chậm như vậy?

Lo tết cho nhân dân chứ không phải lo tết cho cấp trên - 2

Toàn cảnh hội nghị.

Cùng cơ chế như nhau sao có người vượt lên, người trì trệ?

Nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2019 là khó khăn, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần nghiêm túc sáng tạo kịp thời trong thực hiện Nghị quyết 01, Nghị quyết 02. Trước các kiến nghị của địa phương, Văn phòng Chính phủ cần tổng hợp để Thủ tướng, các Phó Thủ tướng xem xét hướng giải quyết. Riêng vấn đề BT từ Bắc giang, Kiên giang, Thành phố Hồ Chí Minh đều kiến nghị, Thủ tướng sẽ ký Nghị quyết để giải quyết những vấn đề BT đang diễn ra hiện nay. Thủ tướng cho biết, ký để giải quyết những khó khăn chứ không công nhận những sai phạm thất thoát xảy ra. Ở nơi nào quyết liệt thì ở đó hiệu quả tốt nên cần triển khai quyết liệt Nghị quyết 01, Nghị quyết 02.

“Cùng cơ chế như nhau nhưng có anh vượt lên, có anh trì trệ là do trong tổ chức thực hiện còn chưa quyết tâm. Đặc biệt Bộ Nội vụ cần nghiên cứu phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cái gì phân cấp được thì giao cho địa phương, còn trung ương chỉ làm chính sách pháp luật, hướng dẫn cụ thể liên ngành, liên vùng, tăng cường kiểm tra giám sát vi phạm quy định, lợi ích nhóm. Không để địa phương lên bộ mà bộ yêu cầu chờ đợi, đó là cách quản lý lạc hậu cần phân cấp phân quyền, đừng để ký va ly tài liệu thì sao còn thời gian để làm việc này việc khác? cho nên cần chú trọng phân cấp phân quyền”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu đổi mới sáng tạo, xóa rào cản, tạo ý chí vươn lên mạnh mẽ, tạo động lực mới phát triển mạnh mẽ hạ tầng, nguồn nhân lực trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Lo tết cho nhân dân chứ không phải lo tết cho cấp trên - 3

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng

Thủ tướng cũng lưu ý cần đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, trong sạch bộ máy, làm tốt nhiệm vụ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, cần rà soát các quy định pháp luật để công khai minh bạch, để không thể tham nhũng, để bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân, người dân làm ăn chân chính có thể phát triển, yên tâm và cống hiến cho đất nước. Không giải quyết tham nhũng thì sẽ khó khăn, do đó Chủ tịch tỉnh, các bộ trưởng đều phải lo chứ không phải chỉ nói mà không làm.

Nhắc đến 14 hiệp định thương mại tự do và tâm thế chuẩn bị của đất nước, Thủ tướng cũng cho rằng doanh nghiệp phải chủ động chứ không phải bị động. Quan tâm phát triển doanh nghiệp hợp tác xã, hộ cá thể, phát triển quy mô mạnh mẽ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, không để tình trạng “sân trước, sân sau”, phải chống tham nhũng để là năm phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tháo gỡ để phát triển.

“Các cấp các ngành, Bộ Thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí cần có chương trình sâu rộng về kết quả năm 2018, phương hướng hành động năm 2019 tới cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân để có đóng góp nhiều cho quê hương đất nước. Nhiều tờ báo lớn đồng tâm phản ánh về việc tích cực trong hành động đưa đất nước đi lên, chống đói nghèo lạc hậu thì đất nước sẽ phát triển chứ bị mạng xã hội chi phối thì tư tưởng, hành động đến đâu? nhất là tác động đến giới trẻ hiện nay.

Nhấn mạnh viêc trong chiều nay Thủ tướng đã ký Chỉ thị 24 về đảm bảo đón tết vui tươi lành mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ ngành địa phương chăm lo tết cho nhân dân chứ không phải lo tết cho cấp trên, doanh nghiệp và địa phương không phải biếu cấp trên, mà cần đảm bảo cung ứng hàng hóa để phục vụ nhân dân, không được đầu cơ nâng giá, đặc biệt cần phòng chống buôn lậu trong dịp Tết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo tết cho nhân dân chứ không phải lo tết cho cấp trên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO