Loạn chứng thực!

Nguyên Khánh 22/04/2016 09:17

Để giảm tải giấy tờ và việc đi lại của người dân, Điều 6, Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ rất nhiều loại giấy tờ công dân không cần chứng thực mà chỉ cần nộp bản sao nhưng thực tế do mỗi nơi cán bộ vẫn hiểu một cách khác nhau hoặc do thói quen của người dân nên đã gây áp lực cho đội ngũ làm công tác chứng thực ở cơ sở; cũng như gây lãng phí một khoản tiền không nhỏ cho chính người dân.

Loạn chứng thực!

Do thói quen và một số lý do tế nhị khác khiến
nhiều giấy tờ không cần chứng thực nhưng người dân vẫn đi chứng thực.

Vì sao Luật không bắt buộc nhưng dân vẫn đi chứng thực

Một ngày cuối tháng 3, chị N. (ở Q.Tân Phú) đến UBND P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú (TP HCM) xin cấp lại bản sao giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (xác nhận độc thân). Mặc dù đã có giấy báo mất được công an phường nơi xảy ra vụ cướp xác nhận chị bị giật túi xách, mất giấy tờ nhưng cán bộ hộ tịch vẫn yêu cầu chị N. phải làm bản cam kết và xác nhận chữ ký.

Sau rất nhiều ngày đến cơ quan công quyền chị bị hành lên hành xuống, lúc thì cán bộ đi vắng, lúc thì nội dung đơn chưa rõ ràng, thậm chí chị phải đi chứng thực chính chữ kí của mình thì mới chứng thực được giấy tờ trên.

Câu chuyện của chị N. chỉ là một trong số những đoạn trường của người dân khi đến cơ quan công quyền. Anh Trần Hoàng Anh, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Mặc dù luật và văn bản hướng dẫn thi hành có quy định một số thủ tục giấy tờ người dân không cần chứng thực mà chỉ cần mang bản sao để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu với bản chính song trên thực tế tôi vẫn chọn cách an toàn, đỡ bị làm phiền đó là đi chứng thực.

Hiện để tạo điều kiện và giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân, UBND cấp huyện, xã hiện vẫn vận dụng linh hoạt quy định pháp luật để xác nhận cho người có yêu cầu, song mỗi cơ quan thực hiện chứng thực một cách khác nhau đối với cùng loại việc.

Thí dụ, cùng xác nhận Sơ yếu lí lịch cá nhân, nhưng có cơ quan thực hiện chứng thực theo hình thức chứng thực chữ ký, có cơ quan xác nhận nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người khai. Văn bản chứng thực được công nhận một cách tự phát theo thói quen không có cơ sở pháp lý rõ ràng nên nhiều khi gây khó khăn cho người dân.

Đặc biệt, hiện nay tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực còn phổ biến, gây tốn kém, lãng phí cho xã hội. Cán bộ công chức tại các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ chưa có cơ chế chịu trách nhiệm trong việc đối chiếu văn bản, giấy tờ trong hồ sơ với bản chính. Vẫn còn một số cán bộ tiếp nhận hồ sơ có tâm lý “sợ trách nhiệm” nên không chấp nhận bản chụp để đối chiếu với bản chính mà buộc người có yêu cầu phải nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ gốc dù đã có bản sao có chứng thực.

Truy trách nhiệm nếu cán bộ hành dân

Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội Vũ Thị Hải Vân cho biết: Chúng tôi đã hướng dẫn cho người dân là không cần chứng thực mà chỉ cần mang bản sao và bản chính để cơ quan tiếp nhận đối chiếu nhưng họ thường không nghe.

Vì vậy, nên chăng là có quy định đối với các cơ quan tiếp nhận hồ sơ để họ hiểu và thực hiện nghiêm không thì khổ dân. Để giảm tải các việc chứng thực thì phải quy định rõ việc cấm các cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bản sao có chứng thực khi đã xuất trình bản chính. Nếu thực hiện nghiêm quy định này sẽ hạn chế tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực.

Bà Trần Thị Hải, Trưởng phòng tư pháp huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cho hay, thực sự đây là việc đẩy quả bóng trách nhiệm của các đơn vị. Luật đã quy định nhưng các cơ quan tiếp nhận hồ sơ của công dân muốn đẩy việc bảo đảm tính pháp lý của văn bản giấy tờ họ tiếp nhận nên vẫn yêu cầu người dân chứng thực. Vì vậy, cần có quy định rõ ràng và cụ thể hơn đối với các loại giấy tờ không cần chứng thực ví dụ như CMTND.

Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho biết, tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao chứng thực từ bản chính hiện nay còn khá phổ biến. Điều này làm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp cũng như gây lãng phí không nhỏ cho xã hội.

Mặc dù Chính phủ có nghị định quy định rõ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, nhưng theo ông Khanh, công tác chứng thực vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Vì vậy xây dựng Luật Chứng thực cần hạn chế việc lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực và phải phân cấp mạnh mẽ về thẩm quyền chứng thực.

Để khắc phục tình trạng nhà nhà đi chứng thực, người người đi chứng thực nhiều ý kiến cho rằng, Luật cũng cần quy định rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền chứng thực, người yêu cầu chứng thực; quy định chế tài đối với các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho việc giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chứng thực nhằm hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nộp các giấy tờ cá nhân (liên quan đến nhân thân) khi yêu cầu chứng thực.

Có bản chính để đối chiếu mà vẫn phải nộp bản sao y là trái quy định

Các loại giấy tờ như, giấy khai sinh, khai tử, chứng sinh, hộ khẩu, đăng ký kết hôn…không cần chứng thực chỉ cần bản photo. Điều 6, Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định rõ: “Cơ quan, tổ chức tiếp nhận bản sao không có chứng thực có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính”. Như vậy, việc sao y chứng thực các loại giấy tờ là một thủ tục không bắt buộc, nếu người dân chưa sao y giấy tờ và có kèm theo bản chính để đối chiếu thì cán bộ tiếp nhận phải đối chiếu và ký xác nhận. Mọi trường hợp yêu cầu người dân phải nộp bản sao y dù đã có bản chính để đối chiếu đều là vi phạm quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loạn chứng thực!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO