Loay hoay quản lý vốn nhà nước

Lê Anh 21/11/2022 14:00

Không chỉ lãng phí vốn nhà nước ở các dự án đầu tư công bị “treo” kéo dài, một số doanh nghiệp do TP Hồ Chí Minh quản lý hiện nay cũng rơi vào tình trạng này, thậm chí có hiện tượng tiêu cực.

Dù là dự án giao thông trọng điểm nhưng tuyến Metro số 1 vẫn đang gặp khó khăn do thiếu vốn.

Nhiều bất cập, bế tắc

Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1, trực thuộc UBND TPHCM) liên tục kiến nghị tháo gỡ các khó khăn về vốn trong quá trình vận hành Dự án Metro số 1 (lộ trình Bến Thành - Suối Tiên). Đại diện HURC1 cho biết, kể từ tháng 8/2021 thì doanh nghiệp (DN) này đã không còn kinh phí trả lương cho đội ngũ nhân sự và chỉ duy trì hoạt động tối thiểu. Đến cuối năm 2021, UBND TPHCM có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TPHCM sử dụng ngân sách địa phương để bố trí kinh phí cho HURC1. Dù vậy, các khó khăn trong việc bố trí ngân sách để đảm bảo kinh phí vận hành, khai thác tuyến Metro số 1 đến nay vẫn bế tắc. Cực chẳng đã, mới đây HURC1 tiếp tục phải kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM tham mưu cho UBND thành phố đề xuất Chính phủ tiếp tục tạm ứng kinh phí từ ngân sách để đảm bảo tiến độ của dự án và hoạt động của HURC1.

Tương tự, nhiều năm qua Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) cũng đã thực hiện quá trình thoái vốn khỏi các công ty con hoặc công ty liên kết. Theo Thanh tra TPHCM, tại kết luận thanh tra (số 104/TB-TTTP-P7) ngày 17/11/2022 các nguồn thu chủ yếu nhiều năm qua của HFIC đến từ lợi nhuận và cổ tức được chia của các công ty con và công ty liên kết. Dù vậy, HFIC cũng đã và đang thực hiện quá trình thoái vốn khỏi hàng loạt công ty, như Công ty CP Chứng khoán TPHCM, Công ty CP in Thanh niên, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh, Công ty CP Xây dựng cầu Sài Gòn. Riêng tại Công ty CP Chứng khoán TPHCM, số cổ phiếu của HFIC tại đây đã được bán thông qua Sở Giao dịch chứng khoán, với kết quả thoái 16,5% vốn, tương đương 14,52 triệu cổ phiếu.

Trong kết luận thanh tra, Thanh tra TPHCM đã yêu cầu HFIC chấn chỉnh công tác quản lý, đối chiếu công nợ theo quy định. Nhất là chấn chỉnh công tác thẩm định cho vay và xây dựng phương án thu hồi các khoản nợ quá hạn, nợ xấu. Thanh tra TPHCM cũng đề nghị Sở Tài chính rà soát, kiến nghị hướng xử lý của HFIC liên quan đến 7 DN kinh doanh lỗ trong thời gian qua. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức thuộc diện thành phố quản lý có liên quan đến các hạn chế, thiếu sót theo kết luận thanh tra.

Ngoài quản lý vốn nhà nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cũng cho biết, tình hình rất khó khăn hiện nay khi đã có đến 27 DN thông báo cắt giảm lao động vì lý do cơ cấu lại công nghệ, bố trí lại trang thiết bị máy móc, đặc biệt do ảnh hưởng của lạm phát kinh tế. Theo đánh giá của Sở này, so với cùng kỳ, số DN giảm lao động tương đương nhau nhưng nếu so với giai đoạn trước dịch Covid-19 thì đang ở mức độ khá phức tạp, cần có giải pháp cấp bách, kịp thời.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TPHCM vẫn “nhỏ giọt”.

Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM, hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn mới đạt 31% dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết năm 2022.

Loại bỏ dự án “ngâm vốn”

Đối với một số dự án trọng điểm trong khi chờ bố trí vốn nhà nước từ Trung ương, DN đã chủ động tìm kiếm hỗ trợ trước mắt từ địa phương để đảm bảo duy trì hoạt động và chi trả các khoản lương thưởng khi Tết Nguyên đán đã đến gần.

Hiện HURC1 đã kiến nghị Thường trực Thành ủy TPHCM xem xét giải quyết tạm ứng kinh phí để DN này chi trả lương và chăm lo Tết cho người lao động trước ngày 22/1/2023. HURC1 cũng cam kết sẽ hoàn trả ngay các khoản này khi được bổ sung vốn điều lệ. Trong khi đó, sau khi nhận được báo cáo rà soát, kiến nghị hướng xử lý của HFIC, Thanh tra TPHCM và Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để hướng xử lý đối với các bất cập, khó khăn tại DN này. Riêng đối với báo cáo về 7 DN kinh doanh thua lỗ liên quan sẽ được các đơn vị tham mưu để UBND TPHCM xem xét, chỉ đạo giải pháp kịp thời.

Liên quan đến tình trạng tiêu cực, lãng phí tại các dự án đầu tư công kéo dài, UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 và trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đáng chú ý, thành phố mạnh dạn xem xét đưa ra khỏi kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với các dự án 2 năm liên tiếp không đăng ký nhu cầu bố trí vốn hàng năm để khởi công thực hiện dự án hoặc dự án không có khả năng tiếp tục giải ngân vốn. Thay vào đó, sẽ điều chuyển vốn cho các dự án cấp bách và có tính khả thi thực hiện cao hơn. Cụ thể, có 22 dự án sử dụng vốn nhà nước tập trung được bố trí 60 tỷ đồng; 163 dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu cấp quận, huyện và TP Thủ Đức quản lý được bố trí 40 tỷ đồng. Một số dự án sử dụng vốn ngân sách tập trung các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật... cũng được bố trí thêm ngân sách.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM để quản lý vốn nhà nước hiệu quả, Sở này đã và đang rà soát để điều chỉnh hủy bỏ hơn 300 dự án có thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đã quá thời hạn 3 năm chưa triển khai. Cũng theo ông Thắng, kể từ năm 2016 đến nay đã có gần 1.450 dự án được HĐND TPHCM ban hành nghị quyết thông qua công tác thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong số này, hàng trăm dự án đang được rà soát để đưa ra khỏi nghị quyết này.

Bà Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM cho rằng, hầu hết các dự án đầu tư công chậm triển khai do yếu kém trong quản lý vốn nhà nước để thực hiện bồi thường và thực hiện dự án; khó khăn về phương án, giá, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo kéo dài. “Việc loại bỏ các dự án có thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đã quá thời hạn 3 năm chưa triển khai trong lĩnh vực đất đai, xây dựng là cần thiết để kìm chế đà lạm phát trong bối cảnh hiện nay. Chúng tôi cũng rất đồng tình việc TPHCM xem xét đưa ra khỏi kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với các dự án hai năm liên tiếp không đăng ký nhu cầu bố trí vốn hàng năm” - bà Sâm góp ý kiến

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay quản lý vốn nhà nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO