Loay hoay tìm giải pháp sửa chữa cầu Nguyễn Hữu Cảnh

ĐOÀN XÁ 07/10/2022 07:55

Gần 1 tuần sau khi phát hiện sự cố đứt cáp ứng lực của cầu Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TPHCM), cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được phương án tối ưu để giải quyết tình hình. Hiện công trình quan trọng tại cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố đã được phong tỏa, ngừng sử dụng. Ngoài một số phương án đề xuất sửa chữa, có ý kiến cho rằng sau 20 năm khai thác, cầu này cần được xây mới bởi trước đó đã có nhiều hư hỏng.

Cầu Nguyễn Hữu Cảnh gặp sự cố nhưng phương án xử lý chưa được cơ quan chức năng quyết định.

Theo tìm hiểu, sau khi phát hiện mặt cầu Nguyễn Hữu Cảnh bị lõm, có vết nứt, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, phát hiện các bó cáp nằm dưới lòng đất để giữ ứng lực của khối bê tông trụ cầu đã bị đứt. Điều đáng nói sự cố đứt này xảy ra khá lâu, dự đoán là năm 2021 khi có dự án xây cống thoát nước ở vị trí hư hỏng nêu trên. Tuy nhiên, sau khi dây cáp bị đứt rất lâu, kết cấu của cầu mới bị ảnh hưởng và được phát hiện. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người cho rằng cần sửa chữa toàn diện cây cầu dài hơn 600m, thay vì chỉ những hạng mục đang quan sát được. Bởi trong khoảng thời gian trên, có thể có thêm các kết cấu khác của cầu bị ảnh hưởng, đặc biệt là các khối trụ bê tông rất dễ bị xê dịch khi không có dây cáp ứng lực níu giữ.

Được biết, đơn vị quản lý, khai thác công trình cầu Nguyễn Hữu Cảnh đã đề xuất phương án khắc phục. Theo đó, đơn vị này dự kiến sẽ làm mương chứa cáp bằng bê tông, sau đó lắp ống chứa cáp trong một ống bảo vệ khác. Bước tiếp theo là căng cáp và bơm bê tông lấp đầy lòng ống rồi lắp đặt các tấm nắp đậy nhằm bao bọc đường ống chứa cáp. Sau đó sẽ sửa chữa mặt cầu, khe co giãn bị nứt cùng một số hạng mục khác. Đây là phương án khá đơn giản với nguyên lý là hư hỏng hạng mục nào thì sửa chữa hạng mục đó. Tuy nhiên, phương án này chưa được cơ quan quản lý chấp nhận vì còn bộc lộ một số hạn chế, nhất là chưa có cơ sở đánh giá độ bền của cầu (sau sửa chữa) hay năng lực vận tải của công trình này. Bởi theo một chuyên gia giao thông, dự án cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh đã có tuổi đời 20 năm, trước đây từng bị phát hiện một số sự cố như nứt, lún công trình. Việc này thực tế cũng bình thường bởi dự án được xây dựng ở khu vực có nền đất yếu, nằm sát ven sông Sài Gòn. Khu vực này từng là “rốn ngập” của TPHCM khi cứ “mưa là ngập” và nhiều lần phải tôn tạo, sửa chữa, nâng đường, xây máy bơm, sửa đường cống... Vì vậy, việc đánh giá tác động của các dự án trên đối với các trụ khác, hạng mục khác của cầu Nguyễn Hữu Cảnh là cần thiết, thay vì chỉ sửa chữa khu vực dây cáp mới bị đứt. Ngoài ra, việc sửa chữa này được đánh giá rất tốn kém và có thể không đảm bảo chất lượng, an toàn của cầu.

Một số ý kiến khác đề nghị có kế hoạch xây mới cầu Nguyễn Hữu Cảnh, hoặc vừa sửa chữa vừa xây mới nhằm đảm bảo lưu thông một phần trong khu vực này.

Cần lưu ý, đây là cây cầu huyết mạch, kết nối trực tiếp giữa TP Thủ Đức và trung tâm TPHCM nên nhu cầu đi lại của người dân là rất lớn. Việc khắc phục sự cố cũng như đảm bảo lưu thông của người dân là các vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM cho biết, tình hình giao thông ở khu vực cầu Nguyễn Hữu Cảnh hiện đã ổn định, không ùn tắc quá lâu, ngay cả giờ cao điểm. Theo ông Hưng, sau khi sự cố xảy ra, cầu bị phong tỏa, cấm lưu thông thì tình trạng hỗn loạn đã xảy ra. Tuy nhiên sau đó Sở GTVT tiến hành phân luồng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu và chung tay khắc phục sự cố.

Hiện các tuyến đường tránh phân luồng đều ổn định. Về phương án sửa chữa, ông Hưng cho biết đã giao cho Ban quản lý các dự án công trình giao thông TPHCM chủ trì khắc phục. Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng nên sở đã lập tổ điều tra sự cố, có sự tham gia của nhiều chuyên gia nhằm đánh giá chính xác sự cố, những vấn đề liên quan cũng như phương án khắc phục để trình UBND TPHCM đưa ra quyết định cuối cùng về việc sửa chữa hay xây mới dự án này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay tìm giải pháp sửa chữa cầu Nguyễn Hữu Cảnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO