Loay hoay tìm quỹ đất nhà ở xã hội

LÊ ANH 06/12/2022 06:11

Dù có kế hoạch phát triển khoảng 25.000 căn nhà ở xã hội trong 5 năm (giai đoạn 2021-2025), thế nhưng TP HCM lại đang đứng trước nghịch lý “nơi thừa, nơi thiếu” quỹ đất nhà ở xã hội (NƠXH) phục vụ tái định cư. Trong khi đó, nhiều tồn tại, bất cập về quy hoạch quỹ đất ở từng quận, huyện cũng chưa được tháo gỡ...

Hàng nghìn căn hộ khu tái định cư Thủ Thiêm ở TP Thủ Đức vắng bóng người ở, trong khi rất nhiều người chưa có nhà.

Nghịch lý “thừa - thiếu”

Bà Trương Thị Lũng, trú phường Tân Phú, TP Thủ Đức (TP HCM) cho biết, từ khi biết chủ trương của Nhà nước và quyết tâm của chính quyền thành phố triển khai làm dự án đường Vành đai 3, người dân đã rất ủng hộ và chủ động giải tỏa, nhận đền bù để dự án có đất triển khai sớm. Thế nhưng, khi phương án đền bù được công khai thì vẫn còn rất nhiều điều người dân băn khoăn. “Chúng tôi không thấy có quyết định thu hồi đất, cũng không công bố bản đồ quy hoạch” – bà Lũng cho biết.

Cũng theo bà Lũng, không ít người dân chủ động đi thuê nhà để chờ được tái định cư, nhưng lại chờ đợi quá lâu hoặc chỉ được hứa cấp tái định cư ở một nơi xa hơn.

Nhiều người dân tại phường Tân Phú cũng mong muốn chính quyền sớm đối thoại để trả lời những khúc mắc của người dân về vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù để bà con ổn định cuộc sống. “Giờ cứ quy hoạch treo thế này và cuộc sống của bà con cũng bấp bênh theo quy hoạch chẳng biết đến bao giờ” – một người dân ở phường Tân Phú cho biết.

Chỉ tính riêng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2 cũ) sau gần 10 năm được đưa vào hoạt động nhưng có đến hơn 3.700 căn chung cư thuộc khu tái định cư rộng 38,4 ha cho đến nay vẫn chỉ lác đác vài người đến ở.

Không chỉ ở khu vực dự án Vành đai 3 hoặc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Võ Xuân, ngụ phường Phước Long B (TP Thủ Đức) phản ánh, một số chủ đầu tư phân lô bán đất nhưng khi dự án hoàn thành vẫn chưa bàn giao khiến dự án xuống cấp, đường sá ngập úng kéo dài…

Trong khi đó, ông Trương Thế Cần, cùng ngụ tại phường Phước Long B đặt vấn đề: “Đến bao giờ TP Thủ Đức mới có giải pháp để giải quyết dứt điểm các dự án treo? Bởi vì, nhiều dự án đã kéo dài 20-30 năm mà không triển khai hạ tầng, trong khi nhiều hộ dân đã trải qua hai thế hệ, vẫn chưa có nơi tái định cư ổn định khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng rất lớn”.

Thực tế có những dự án treo hơn 20, 30 năm nhưng vẫn không làm gì cả. Điều này đã làm ảnh hưởng đến điều kiện sinh sống, đến sức khỏe của người dân. Ông Nguyễn Đức Quyên (phường Linh Trung, TP Thủ Đức) nêu thực tế: Nếu thành phố thu hồi đất và làm tốt công tác đền bù, tái định cư thì người dân sẵn sàng chấp thuận chủ trương. Chúng tôi không muốn trong cảnh có nhà, có đất mà không được ăn ở ổn định.

Về nghịch lý “nơi thừa, nơi thiếu” NƠXH, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM thừa nhận có thực trạng trên nhưng nguyên nhân chủ yếu do nhiều quận, huyện vẫn chưa chủ động được quỹ đất làm khu tái định cư. Trong khi đó, có nơi lại thừa NƠXH vì khu tái định cư không đáp ứng được nhu cầu nên người dân không đến ở.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, hiện có hơn 100 dự án có quỹ nhà tái định cư nằm rải rác ở TP Thủ Đức và một số quận, huyện nhưng cũng không ít địa phương không có quỹ nhà, đất để đáp ứng nhu cầu tái định cư.

Xây dựng quỹ đất, thu hồi dự án treo

Đây là chủ trương được Sở Xây dựng TP HCM tham mưu cho UBND TPHCM. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết, thành phố kiên quyết thu hồi lại các dự án treo kéo dài. Sở Xây dựng hiện đang trình UBND TP HCM về phương án bán đấu giá để thu hồi ngân sách, tránh tình trạng bỏ trống quá lâu, lãng phí nguồn lực đầu tư.

Ông Khiết cho biết, thành phố cũng đang xây dựng 3 nguồn tạo lập NƠXH để phục vụ cho người dân có nhu cầu cấp thiết để tái định cư, ổn định cuộc sống. Thứ nhất, từ vốn ngân sách làm dự án hoàn chỉnh. Kế đến, thông qua mua lại nhà ở thương mại và giải pháp về sử dụng quỹ NƠXH theo chủ trương hiện tại.

Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TPThủ Đức cho biết, thành phố sẽ khảo sát toàn diện thực trạng để có đánh giá quá trình vận hành các dự án, đặc biệt là những trường hợp khẩn cấp về chỗ ở nhằm đảm bảo an toàn về điều kiện sinh hoạt của người dân ở các khu tái định cư. Song song đó, công tác bồi thường, tái định cư cũng đang được TP Thủ Đức ưu tiên hàng đầu trên tinh thần khẩn trương, trách nhiệm.

Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng để có đánh giá và giải pháp cho một giai đoạn dài hơi hơn, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP HCM cho biết, HĐND TP sẽ là cơ quan giám sát triệt để các dự án treo, nhất là các dự án NƠXH do ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, cũng như gây bất cập rất lớn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất của thành phố hiện nay.

Liên kết vùng giải quyết nhà ở xã hội

Kiến nghị về cơ chế, chính sách cho vấn đề NƠXH trên địa bàn TP HCM, Ths Nguyễn Anh Đào, đại diện nhóm nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM nêu đề xuất có thể tận dụng nguồn lực sinh ra từ các dự án Vành đai 3, Vành đai 4,… để phát triển NƠXH. TP HCM cũng đang liên kết với các tỉnh lân cận xây dựng NƠXH với hệ thống giao thông giúp người dân của các tỉnh đều tiếp cận được trung tâm đô thị hay các nhà máy, KCX, KCN, nơi làm việc, dịch vụ thiết yếu…Riêng các Dự án Vành đai 3, Vành đai 4 có thể kết nối TP HCM với các tỉnh miền Đông và miền Tây sẽ thúc đẩy các dự án NƠXH phát triển ở các tỉnh trong vùng liên kết với TP HCM, giảm áp lực cho thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay tìm quỹ đất nhà ở xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO