Loay hoay với giá xăng dầu

Thế Tuấn 11/02/2023 16:59

Vấn đề giá xăng dầu vẫn tiếp tục nóng, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng không quy định cụ thể mức chiết khấu nhưng lại quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng ngừng bán là cách thức can thiệp vào thị trường chưa triệt để. Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng chiến lược thiết yếu, tác động tức thời tới sinh hoạt của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Mới đây, trong Dự thảo lần 2 của Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021 và Nghị định số 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có đề xuất liên quan đến chiết khấu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án: Phương án 1 là không quy định cụ thể mức chiết khấu, để các doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp với biến động cung cầu của thị trường trong từng thời điểm. Phương án 2 quy định mức chiết khấu cố định hoặc tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu.

Nhận xét về quy định mức chiết khấu đối với các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng là cơ quan điều hành tạo được hành lang pháp lý an toàn, chống các rủi ro, trục lợi, bảo đảm cạnh tranh công bằng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Không nên can thiệp quá nhiều vào cơ chế giá vì như vậy sẽ tạo ra cơ chế xin - cho trong quản lý xăng dầu. Về phía doanh nghiệp, cho rằng họ đang bị triệt tiêu cạnh tranh về chiết khấu, quan hệ giao dịch ở vào thế bất lợi. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa nghỉ bán hàng cũng vì không có chiết khấu hoặc mức chiết khấu quá thấp.

Trong đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị cơ quan điều hành “ghi nhận mức chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp”. Đồng thời kiến nghị cần có quy định về mức chiết khấu cố định cho đại lý bán lẻ ở mức phù hợp.

Theo Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) do tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm đã khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt. Từ đó, VCCI cho rằng, trong trường hợp nhà nước không can thiệp vào giá xăng dầu, để cung cầu thị trường quyết định giá sẽ không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Còn trong trường hợp nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ xăng dầu, cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.

Trong khi đó, cũng đề xuất của VCCI cho phép doanh nghiệp tự định giá bán lẻ xăng dầu đã thu hút sự chú ý của dư luận. Nổi lên là ý kiến cho rằng nếu để doanh nghiệp tự định giá bán lẻ sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Để trấn an, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng, trong trường hợp để doanh nghiệp định giá bán lẻ xăng dầu thì nhà nước vẫn có nhiều hình thức để kiểm soát vì khi tăng giá, định giá thì vẫn phải có báo cáo cho các cơ quan quản lý nhà nước và nhà nước vẫn thực hiện các trường hợp hậu kiểm. Đồng tình, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho rằng việc để doanh nghiệp tự định giá bán xăng dầu là phù hợp, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu có nhiều biến động phức tạp như thời gian qua.

Nhưng ở góc nhìn khác, ông Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) lại cho rằng, việc cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu cần được xem xét cẩn trọng, nhà nước phải khống chế được giá bán lẻ tối đa của mặt hàng này để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu để doanh nghiệp tự định giá bán lẻ xăng dầu dễ dẫn đến tình trạng độc quyền và làm giá.

Trong nhiều tháng của năm 2022 và ngay cả trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua, xuất hiện tình trạng nhiều cây xăng treo biển nghỉ bán, ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống sinh hoạt của người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi các cơ quan quản lý nhà nước chưa chốt được phương án về cách điều hành, quy định giá thì thị trường xăng dầu vẫn không ổn định. Đặc biệt, lá đơn kiến nghị khẩn gửi Văn phòng Chính phủ của 250 chủ doanh nghiệp là rất đáng chú ý, khi cho rằng một số quy định về kinh doanh xăng dầu đang khiến họ lỗ nặng, kiệt quệ. Cần lưu ý, đây là những doanh nghiệp bán lẻ đang sở hữu gần 9.000 cửa hàng trên cả nước.

Thực tế cho thấy, việc sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu cần phải được đẩy nhanh, vì xăng dầu là mặt hàng chiến lược thiết yếu. Nếu như cơ quan chức năng vẫn tiếp tục đưa ra các phương án thông qua các dự thảo, mà không chốt sớm, thì sẽ không đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay với giá xăng dầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO