Lời giải cho Mường Chanh

Nguyễn Chung 22/05/2022 14:00

Mường Chanh được kỳ vọng sẽ trở thành xã miền núi đầu tiên của xứ Thanh về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, sau nhiều năm Nhà nước dồn lực, tạo mọi điều kiện, Mường Chanh vẫn chưa thể hoàn thành mục tiêu của mình khi cái khó vẫn bủa vây.

Bản Na Hin, xã Mường Chanh không có nhiều thay đổi sau hơn 4 năm về đích nông thôn mới.

Đặt chân tới bản Lách, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), chúng tôi theo chân Trưởng bản Trịnh Văn Xôm leo ngược con dốc quanh co, trơn chuội vào trung tâm bản. Từ trên đỉnh dốc nhìn xuống, cả bản Lách với hơn dăm chục nóc nhà nằm ép vào sườn núi, phía bên dưới là dải thung lũng hẹp, lúa đã bắt đầu ngả vàng. Sau hơn 10 năm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, dấu ấn rõ nét nhất có lẽ chỉ là con đường bê tông vắt vẻo chạy từ đường chính, qua suối vào bản. Sau vài mùa mưa lũ, mặt đường cũng đã bắt đầu bị lở lói, gãy vỡ.

Trưởng bản Trịnh Văn Xôm cho hay: Cả bản hiện có 55 hộ dân là đồng bào Khơ Mú sinh sống nhưng có tới 26 hộ trong diện nghèo. Do thiếu đất sản xuất, số diện tích trồng lúa ít ỏi chỉ đủ cung cấp lương thực cho bà con từ 5 – 6 tháng mỗi năm, còn lại là đi vay hoặc mua chịu ngoài trung tâm xã rồi đến mùa sau trả. Đã hàng chục năm nay, đời sống của người dân bản Lách chủ yếu là tự cung, tự cấp. Cuộc sống của người dân chỉ được xem là tạm ổn khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ gạo trồng rừng và vùng biên.

Tuy nhiên, từ năm 2018 trở lại đây, chính sách trên đã bị cắt giảm, khiến cuộc sống khó khăn trở lại. Để khắc phục, hầu hết bà con đều phải bươn chải với nương rẫy. Thậm chí nhiều gia đình còn tìm đường cho con đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Cả bản hiện có khoảng hơn chục trường hợp đi xuất khẩu lao động nhưng cái khó vẫn quẩn quanh.

“Sau 10 năm thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, cả bản đã đạt 9/19 tiêu chí. Dự kiến đến năm 2024, bản sẽ về đích nông thôn mới. Cái khó nhất hiện nay của bản Lách là phải di chuyển 27 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm. Xã đã lập danh sách trình UBND tỉnh phê duyệt nhưng chưa biết đến khi nào mới triển khai”, ông Xôm chia sẻ.

Rời bản Lách còn nhiều khó khăn, tôi đến bản Na Hin – bản nông thôn mới đầu tiên của Mường Chanh. Sau 4 năm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân ở đây vẫn chưa được như mong muốn.

Trưởng bản Lộc Văn Ớ tiếp tôi ngay ở đầu con dốc, phía đối diện là nhà văn hóa của bản rêu phong phủ bụi. Giọng ông chất chứa nỗi niềm khi nói về những khó khăn của bản sau khi đã về đích nông thôn mới, ông Ớ kể: Đầu năm 2018, sau khi bản về đích nông thôn mới thì đến cuối năm, xảy ra trận mưa lũ lớn, cuốn mất 5 căn nhà và 1 người dân. Trận lũ cũng gần như đưa Na Hin trở lại vạch xuất phát. Phải nỗ lực lắm, đời sống của người dân cũng như đường sá mới được khôi phục lại.

Nếu như sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới, cả bản chỉ còn 3 hộ dân còn thuộc diện hộ nghèo thì đến nay con số ấy đã tăng lên đến 8 hộ và cứ theo tính toán của ông Ớ thì con số này sẽ tiếp tục tăng theo từng năm, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời.

“Vậy, điều mà bà con dân bản cần nhất hiện nay là gì?” – tôi hỏi Trưởng bản Na Hin Lộc Văn Ớ. “Đất sản xuất, con giống và kỹ thuật chăn nuôi”, ông Ớ trả lời mà không cần suy nghĩ.

Theo ông, hiện kinh tế của bà con dân bản vẫn chủ yếu dựa vào số diện tích đất canh tác lúa nước ít ỏi, đảm bảo được một phần cho an ninh lương thực trong năm. Điều mong muốn nhất của đồng bào lúc này là được giao thêm đất để phát triển vùng cây ăn quả và cây gai xanh. Thêm vào đó là được đầu tư con giống gia súc, gia cầm, hỗ trợ kỹ thuật để phát triển đàn gia súc.

Những giải pháp mà ông Ớ nêu ra có thể đúng nhưng chưa đủ. Vì theo cách nhìn và phân tích của Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Chanh Lương Hồng Nguyên, để địa phương thoát khỏi những khó khăn hiện nay, Mường Chanh cần nhiều hơn thế.

Ông Nguyên cho biết: Năm 2012, sau khi được lãnh đạo cấp cao vào thăm và giao nhiệm vụ cho chính quyền và người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, Trung ương, các bộ, ngành, chính quyền các cấp tại địa phương đã dồn sức cho Mường Chanh xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Mường Chanh chỉ có 4/9 bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Nếu đem các tiêu chí soi vào toàn xã thì Mường Chanh mới chỉ đạt được 8/19 tiêu chí, tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 60%... Cả xã gần như chưa có một mô hình phát triển kinh tế nào ngoài bám vào nương rẫy để phát triển kinh tế.

“Mặc cho xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng bà con vẫn mặc định, xây dựng nông thôn mới là việc của Nhà nước chứ không phải việc của người dân. Tính trông chờ ỷ lại vẫn còn ăn sâu, bám rễ vào ý thức của một bộ phận người dân. Tôi lấy một ví dụ, sau khi được đầu tư đàn trâu, bò, người dân chỉ đem chăn thả tự nhiên tại các khu bãi rồi đem bán hoặc giết mổ mà không hề có suy nghĩ nhân đàn hay tái đàn. Nếu muốn họ tiếp tục chăn nuôi, Nhà nước lại phải tiếp tục hỗ trợ. Nên theo tôi, điều Mường Chanh cần nhất là thay đổi cách nghĩ, cách làm và xóa được tâm lý ỷ lại vẫn là mấu chốt”, ông Nguyên trăn trở.

Ông Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát cũng cho rằng: Ngoài những khó khăn mang tính khách quan hay cơ chế, chính sách, việc thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của đồng bào đang là bài toán khá nan giải. Tâm lý trông chờ trợ giúp của người dân đang trở thành một rào cản lớn, chưa dễ gì dỡ bỏ trong ngày một, ngày hai. Thêm vào đó là năng lực của cán bộ địa phương còn nhiều hạn chế, chưa thật sự quyết liệt trong công tác khiến Mường Chanh chưa thể xây dựng thành công nông thôn mới.

“Trước mắt chúng tôi đang tính sẽ tạo điều kiện tối đa và kêu gọi một số doanh nghiệp sản xuất thương mại đến đầu tư tại Mường Lát. Nếu làm được điều này, huyện sẽ giải quyết được vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết nguồn lao động dôi dư hiện nay, góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất của đồng bào. Sẽ khó, nhưng dù khó đến mấy chúng tôi cũng đặt quyết tâm và kỳ vọng sẽ đưa Mường Chanh về đích xây dựng nông thôn mới trong thời gian gần nhất”, ông Ca bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lời giải cho Mường Chanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO