Lợi ích kép của kiểm định chất lượng

Thu Hương 24/12/2021 11:05

Cả nước có 7 trường đại học (ĐH) đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài và 174 cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng sư phạm được công nhận đạt chuẩn chất lượng trong nước, tính đến ngày 30/11.

Tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập

Trong đó, 7 cơ sở giáo dục ĐH được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài, gồm: Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM), Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP HCM).

Các tổ chức đánh giá công nhận cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài gồm: Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường ĐH ASEAN, Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục ĐH Pháp, Ủy ban Văn bằng Kỹ sư Pháp, Hội đồng Kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ Hoa Kỳ...

Đáng chú ý, nhiều trường trong số này được công nhận đạt chuẩn chất lượng do nhiều tổ chức uy tín khác nhau đánh giá. Đơn cử như Trường ĐH Bách khoa TP HCM đã được Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục ĐH (HCERES) công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cấp trường, với thời gian công nhận là 5 năm từ năm 2017. HCERES được biết tới là tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng uy tín không chỉ tại Pháp, mà còn tại châu Âu.

Đồng thời, cũng năm này, trường được tổ chức bảo đảm chất lượng của Mạng lưới các trường đại học ASEAN (ASEAN University Network) công nhận đáp ứng các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn chất lượng cấp trường với thời hạn là 5 năm. AUN-QA là bộ tiêu chuẩn với các quy tắc chất lượng khắt khe, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, tập trung đánh giá toàn diện chương trình đào tạo trên nhiều khía cạnh như chuẩn đầu ra, khung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng, kết nối giữa nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng của toàn bộ chương trình đào tạo.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Đặng Ứng Vận, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, chuyên gia đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục cho biết kết quả kiểm định chất lượng giáo dục chính là thước đo các cơ sở giáo dục. Khi được công nhận bởi các tổ chức nước ngoài, nghĩa là các trường đã khẳng định được khả năng hội nhập quốc tế của mình khi các chương trình đào tạo và các yêu cầu liên quan đều đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.

Việc đạt kiểm định giúp khẳng định chất lượng đào tạo, nghiên cứu và các dịch vụ khác của trường; làm gia tăng cơ hội nghề nghiệp, học tập lên các trình độ cao hơn ở các nước tiên tiến trên thế giới cho người học. Bên cạnh đó, còn giúp thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác phát triển bền vững với các đối tác trong và ngoài nước.

Người học tỉnh táo lựa chọn

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản quy định việc đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo nhưng trên thực tế vẫn chưa có chế tài bắt buộc các cơ sở giáo dục ĐH phải thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục nên vẫn có những trường “né” kiểm định.

Theo danh sách được công bố, có 164 cơ sở giáo dục ĐH và 10 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước. Trong khi đó, cả nước có 242 trường ĐH và 236 trường cao đẳng. Như vậy còn nhiều cơ sở giáo dục chưa tham gia kiểm định chất lượng giáo dục.

PGS Trần Mai Ước, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM cho rằng sản phẩm đầu ra của các cơ sở giáo dục ĐH là chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong đó trách nhiệm cuối cùng phải thể hiện được là tỷ lệ sinh viên có việc làm. Hiện tại, hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH vì “nồi cơm” của mình nên chỉ chú trọng vào công tác tuyển sinh, số lượng tuyển sinh hàng năm mà chưa nhiều trường chú ý đến kiểm định chất lượng.

Mặc dù theo qui định, các cơ sở giáo dục ĐH đều phải thành lập bộ phận đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng bên trong, nhưng đôi khi chỉ là để cho có chứ không thực sự chú trọng; thông tin các chương trình đào tạo đã được đánh giá ngoài, được công nhận bảo đảm chất lượng ra sao, gần như thí sinh và phụ huynh không quan tâm nhiều. Đây chính là “kẽ hở” khiến một số trường chưa quan tâm, đầu tư đúng mức đến việc kiểm định.

GS.TS Đặng Ứng Vận cũng cho biết khi tham gia các đoàn kiểm định chất lượng của các trường, ông nhận thấy rõ một thực trạng đó là nhiều trường muốn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng cao số lượng và chất lượng các bài báo khoa học, công bố quốc tế. Thậm chí có trường có đủ nguồn lực tài chính để hỗ trợ nghiên cứu nhưng không có người làm được, nhất là nghiên cứu khoa học sinh viên.

GS.TS Đặng Ứng Vận nêu quan điểm và mong muốn, các trường dù đã đạt kiểm định chất lượng theo các tiêu chuẩn trong nước hay nước ngoài vẫn tiếp tục kiện toàn bộ máy, hoàn thiện chương trình để nâng cao hơn nữa khả năng hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lợi ích kép của kiểm định chất lượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO