Lối mở cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long – Bài 2: Tránh tình trạng 'ăn xổi ở thì'

Nhóm PV 25/05/2023 14:00

Thực tế ghi nhận của chúng tôi cho thấy, hiện các điểm, khu du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn nhỏ lẻ, na ná nhau, chưa tạo được các tour, tuyến đặc thù, thiếu tính liên kết thành các chuỗi du lịch. Đợt nghỉ lễ cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua là một “chỉ dấu” để nhìn nhận lại thực trạng du lịch ĐBSCL khi nơi thì tấp nập, nơi lại vắng khách.

Sông nước miền Tây.

Đảo Ngọc bất ngờ hết “hot”

Báo cáo thống kê của Tổng cục Du lịch cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ vừa qua, cả nước ước tính đã đón được hơn 300.000 khách quốc tế, khoảng 7 triệu lượt khách nội địa (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022). Các địa phương như Cần Thơ, TPHCM đón gần 1 triệu lượt khách.

Đáng chú ý, năm nay Kiên Giang chứng kiến lượng du khách sụt giảm mạnh, nhất là ở Phú Quốc. Thông tin từ Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ, toàn tỉnh đón gần 265.000 lượt khách. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 210 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ. Riêng Phú Quốc, một trong điểm du lịch của cả nước lại chỉ đón hơn 112.600 lượt khách, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Phú Quốc gần đây trở nên “nóng” hơn khi xuất hiện thông tin cho rằng nguyên nhân “mất khách” bất thường do giá cả trên đảo quá đắt đỏ, môi trường du lịch kém an toàn. Vì thế mới đây UBND TP Phú Quốc đã phải tổ chức cuộc họp trao đổi tình hình liên quan đến các vấn đề về du lịch của địa phương. Tại đây, ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc bác bỏ thông tin Phú Quốc “mất khách” bất thường là do giá cả trên đảo quá đắt đỏ so với những điểm du lịch khác trong nước. Theo ông Hưng, nguyên nhân chính là do giá vé máy bay từ các địa phương đến Phú Quốc cao hơn so với nhiều nơi và cao hơn cùng kỳ những năm trước.

Bà Lê Thị Hải Châu - Tổng Thư ký Hội Đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc, cũng cho rằng giá vé máy bay không ổn định là nguyên nhân chính khiến lượng du khách đến Phú Quốc sụt giảm. “Ngoài yếu tố dịch chuyển thị trường du lịch thì nguyên nhân sâu xa là giá vé máy bay không ổn định. Điều này gây khó khăn cho các đại lý lữ hành tổ chức tour, đưa khách đến Phú Quốc. Sự bất ổn này đẩy chi phí cho chuyến du lịch đến Phú Quốc dao động từ 8-10 triệu đồng/người cho kỳ nghỉ 3 ngày 2 đêm tại khách sạn tiêu chuẩn 5 sao. Trong khi đó, nếu khách chọn đi Nha Trang và Đà Nẵng chỉ tốn từ 5 - 7 triệu đồng/khách” - bà Châu thông tin.

Cũng liên quan đến hàng không, bà Châu cho rằng, một số đường bay quốc tế như Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ... đến Phú Quốc thời gian qua bị gián đoạn cũng ảnh hưởng đến du lịch Phú Quốc.

Ông Trương Công Tâm - Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên chuyên nghiệp Phú Quốc, cho rằng giá cả ở Phú Quốc cao hơn đất liền là sự thật diễn ra hàng chục năm nay và Phú Quốc vẫn rất đông khách. Ở khía cạnh khác, ông Tâm nói: “Đành rằng các cơ sở đều niêm yết giá nhưng giá niêm yết có hợp lý hay không mới là quan trọng. Hai cơ sở ngang tầm, sát bên nhau, bán cùng loại hàng nhưng giá niêm yết mỗi nơi mỗi khác. Như tại chợ đêm Phú Quốc, 2 nhà hàng cùng phân khúc, bán cùng loại ghẹ, cùng kích cỡ nhưng nơi bán 500.000 đồng/kg, nơi bán 800.000 đồng/kg thì sao gọi là hợp lý được".

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Văn Sỹ - chủ khách sạn Free Beach Resort Phú Quốc đồng tình với nhận định cho rằng Phú Quốc vắng khách trong đợt lễ vừa qua là do giá vé máy bay quá cao.

“Từ tháng 3 khi trả lời báo chí tôi cũng đã dự đoán, đợt lễ 30/4 và 1/5 Phú Quốc sẽ vắng khách vì giá vé máy bay quá cáo. Giá vé từ Hà Nội vào Phú Quốc khứ hồi là đã hết 8 đến 9 triệu đồng. Khách sẽ đi Thái Lan, Kuala Lumpur (Malaysia) nghỉ 3 đêm 4 ngày trọn gói giá 5 đến 7 triệu đồng. Như vậy khách sẽ chọn đi du lịch quốc tế. Giá vé máy bay đi Phú Quốc quá mắc, không phù hợp với túi tiền nên người ta không đi” - ông Sỹ cho biết.

Cũng theo ông Sỹ, theo luật hiện hành, người nước ngoài (một số nước) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại đảo Phú Quốc được miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 30 ngày. Điều này cũng khiến nhiều du khách phàn nàn. “Du khách quốc tế người ta phàn nàn rằng khi đến Phú Quốc muốn ở lâu hơn 3 đến 4 tháng thì không được vì hiện chỉ được miễn thị thực có 1 tháng. Hiện nay miễn thị thực cũng mới có hơn 20 nước nên cũng chưa thu hút được nhiều khách quốc tế” - ông Sỹ nói.

Một doanh nghiệp lữ hành tại TP Cần Thơ nhận định thời gian qua các điểm du lịch xuất hiện tình trạng “ôm vé tàu” để ép khách mua “combo” bao gồm (vé tàu, khách sạn, nhà nghỉ, thuê xe Honda đi quanh đảo). “Họ ôm rất nhiều vé tàu. Khi du khách đi lẻ hay tự tổ chức đoàn đi, lên trên hệ thống bán vé của các hãng tàu đều báo không còn vé. Nếu du khách muốn có vé ra đảo như Côn Đảo, Phú Quốc, Hòn Sơn, Nam Du, Ba Hòn Đầm... phải mua combo mới có vé ra. Trong khi đó nhiều du khách chỉ có nhu cầu mua vé ra đảo, nhưng lại không tiếp cận được vé, như vậy rất bất tiện, đây cũng là một trong những lý do vừa qua Phú Quốc và một số điểm đảo giảm lượng khách ra một cách trầm trọng”.

Cũng thông tin của đơn vị lữ hành này cho biết, trước thời gian tàu chạy 1 ngày, nếu không bán được số vé đã ôm đều có thể được trả lại vé cho hãng tàu, chỉ tốn phí 20%. Trong khi nếu ôm vé để bán các combo họ chỉ cần bán được số ít cũng đã lời rất nhiều lần. Đây là những bất cập ngành chức năng quản lý du lịch cần phải nhận thấy và có biện pháp và tính toán sao cho phù hợp.

Khách làm thủ tục tại sân bay Phú Quốc. Ảnh: Quốc Thái.

Chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương

“Trước đây rất nhiều địa phương có chợ nổi, Sóc Trăng có Chợ Nổi Ngã Năm, Hậu Giang có Chợ nổi Ngã Bảy, Cần Thơ có Chợ nổi Cái Răng, Vĩnh Long có Chợ nổi Trà Ôn, Tiền Giang có Chợ nổi Cái Bè… được một thời gian thì “rã” dần, gần đây nhất là chợ nổi Ngã Bảy. Có lần đứng ở ngay giữa cầu Phụng Hiệp tôi đã khóc cho chợ nổi Ngã Bảy, chợ nổi này tôi gắn bó với quãng thời gian 10 năm.

Hiện nay du khách đang dồn hết vào Chợ Nổi Cái Răng, nếu không mau chóng, phục hồi tập trung “chăm lo” cho Chợ nổi nguy cơ du khách quay lưng với chợ nổi là một sớm, một chiều” - soạn giả Nhâm Hùng bùi ngùi tâm sự.

Cũng theo ông Hùng, nhìn chung toàn vùng chưa có được khu du lịch, chưa có một sản phẩm văn hóa du lịch nào đủ sức hút và tồn tại lâu bền. Về cơ sở hạ tầng du lịch, khách sạn rất kém, khách sạn 4 đến 5 sao cả vùng ĐBSCL chỉ có vài cái. Cần Thơ thời gian qua có các con số về du khách, du lịch rất đẹp, Cần Thơ cũng có vị trí rất thuận lợi, hầu hết du khách ở các nơi muốn về ĐBSCL cũng phải qua Cần Thơ. Tuy nhiên thời gian qua vai trò của Cần Thơ giống nơi quá cảnh, điểm trung chuyển của du khách mà thôi.

“Gần đây tôi thấy lễ hội nhiều quá, nhưng không đi vào hướng bảo tồn, bị thương mại hóa quá mức. Cụ thể gần đây nhất lễ hội bánh dân gian, không còn là lễ hội mà giống như hội chợ, là nơi để bán bánh, không có yếu tố lễ, không có không gian trình diễn, không tôn vinh nghệ danh làm bánh. Trong khi đó mục đích tối cao của lễ hội là bảo tồn và phát huy giá trị, nhưng họ không làm được điều này. Nếu Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung không khắc phục được tình trạng làm du lịch “ăn sổi ở thì”, thì du lịch sẽ khó phát triển. TP Cần Thơ phải bứt phá trong du lịch, nâng tầm du lịch, cụ thể trong xây dựng sản phẩm du lịch, anh phải có sản phẩm du lịch đặc thù tiêu biểu cho cả vùng, trong khi đó một số địa phương khác trong vùng họ đã có sản phẩm du lịch của vùng như Miếu Bà Chúa Xứ (ở An Giang), Mẹ Nam Hải, Nhà thờ Cha Diệp ở Bạc Liêu hay ở Mũi Cà Mau. Trong khi đó ở Cần Thơ có lễ hội bánh dân gian từng được người dân khắp nơi đổ về để tham quan, thưởng thức nhưng xem ra đang bị nhạt đi” - ông Hùng nói.

Theo quy hoạch, Cần Thơ và Phú Quốc sẽ là trung tâm du lịch quốc tế đến năm 2030. “Phú Quốc thì tôi tin sẽ đạt được, còn Cần Thơ khó thực hiện lắm, trong khi lộ trình chỉ còn có 7 năm. Thời gian qua Cần Thơ chưa phát huy được lợi thế vốn có, các điểm du lịch chưa giữ chân được du khách. Chợ nổi Cái Răng nhiều người phàn nàn đến lần một là không có ý định quay lại lần hai” – Soạn giả Lâm Hùng nói.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lối mở cho du lịch Đồng bằng sông Cửu Long – Bài 2: Tránh tình trạng 'ăn xổi ở thì'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO