Lỗi ở địa phương

Dương Thanh Tùng 08/10/2019 08:00

Câu chuyện tòa nhà 7 tầng mọc lên lưng chừng đỉnh vực Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đang rất được dư luận quan tâm. Đây là tòa nhà được cơ quan chức năng địa phương khẳng định xây không phép. Nghĩa là nó xây dựng không nằm trong quy hoạch và không có định hướng về bảo tồn cảnh quan di sản. Nếu tòa nhà 7 tầng nằm ở vị trí phù hợp, không chặn tầm nhìn bao quát đỉnh vực Mã Pí Lèng và dòng sông Nho Quế, thì chắc dư luận sẽ không nổi sóng những ngày qua.

Lỗi ở địa phương

Tòa nhà Panorama ở Mã Pí Lèng.

Lỗi đầu tiên thuộc về huyện Mèo Vạc, sau nữa là các cấp, ngành quản lý của tỉnh Hà Giang để công trình không phép mọc lên ở kỳ quan, hùng quan Mã Pí Lèng - điểm nhấn quan trọng bậc nhất trong bức tranh toàn cảnh Di sản Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá được UNESCO công nhận. Vấn đề dư luận quan tâm nhiều nhất là tỉnh Hà Giang xử lý công trình không phép này như thế nào để vừa thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội vừa tránh tiền lệ xấu đối với các danh thắng di sản của đất nước!

Mã Pí Lèng (còn gọi là Mã Pỉ Lèng, hay Mã Pì Lèng) là con đèo ngoạn mục dài 20 km, nằm trên “Con đường Hạnh phúc” nối TP Hà Giang với 4 huyện cao nguyên đá Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Cùng với đèo Pha Đin (Điện Biên Phủ), Khau Phạ (Yên Bái), Ô Quy Hồ (nối Lào Cai và Lai Châu); Mã Pí Lèng của Hà Giang nổi tiếng bởi cảnh quan khoáng đạt, hùng vĩ. Từ độ cao 1.200 m của con đèo, có thể ngắm nhìn “Con đường hạnh phúc” như sợi chỉ vắt qua vách núi đầy đá tai mèo và dòng sông Nho Quế uốn lượn lấp lánh dưới vực sâu. Ngày 16/11/ 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định đưa Mã Pí Lèng vào danh mục Di tích danh thắng cấp quốc gia. Đỉnh vực Mã Pí Lèng trên “Con đường Hạnh phúc” được hồ sơ di tích đánh giá nơi quan sát đầy đủ nhất hẻm vực sông Nho Quế - một trong các thung lũng kiến tạo có một không hai ở Việt Nam. Kỳ quan, hùng quan Mã Pí Lèng khó phai mờ với bất cứ ai từng dừng chân, là nguyên nhân khiến dư luận “dậy sóng” khi chứng kiến tòa nhà 7 tầng nằm ở lưng chừng núi, án ngữ tầm nhìn khoáng đạt giữa cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ. Có gì đó chưa thật thỏa đáng, chưa thật công bằng khi dư luận gần như trút mọi tội lỗi cho tòa nhà bởi lẽ, không phải tự nhiên mà nó (tòa nhà) được xây nên ở vị trí vô cùng nhạy cảm của kỳ quan Mã Pí Lèng! Khi những bức ảnh về tòa nhà có tên gọi Panorama (được xây nhằm mục đích phục vụ lưu trú, dịch vụ cho du khách) đăng tải trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội; Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã lên tiếng.

Theo Cục Di sản văn hóa, cách đây 3 tháng, vào ngày 12/7, Cục này đã gửi văn bản cho UBND tỉnh Hà Giang, đề nghị kiểm tra quy trình, thủ tục, thẩm định, phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình (tòa nhà 7 tầng Panorama), có biện pháp bảo vệ danh thắng Mã Pí Lèng. Cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang cũng làm việc với UBND huyện Mèo Vạc, UBND xã Pả Vi (nơi có danh thắng Mã Pí Lèng) cùng chủ đầu tư và đi đến kết luận: Công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama chưa có giấy chứng nhận đầu tư, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đất mà chủ đầu tư xây dựng công trình chưa phải đất thổ cư được phép xây dựng. Tòa nhà Panorama chưa có giấy phép xây dựng

Ngày 7/10, Cục Di sản văn hóa tiếp tục có văn bản thông tin đến dư luận về công trình xây dựng ở Mã Pí Lèng. Văn bản đề cập: Khu vực xây dựng tòa nhà Panorama dù nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II, nhưng Luật Di sản văn hóa cũng khuyến cáo, khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.

Có thể thấy rằng trách nhiệm chính trong việc để chủ đầu tư xây không phép tòa nhà 7 tầng ở vị trí nhạy cảm bậc nhất của danh thắng Mã Pí Lèng là của UBND huyện Mèo Vạc và UBND tỉnh Hà Giang. Điều khiến dư luận quan tâm nhất vẫn là cơ quan quản lý, cán bộ có trách nhiệm của địa phương ở đâu khi chủ đầu tư bỏ tiền của, tổ chức xây dựng công trình không phép từ năm 2018 đến nay?

Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng, xây dựng sai giấy phép xây dựng được cấp thì ngoài bị phạt tiền còn bị áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm! Thực tế cho thấy ở một số địa phương đang tồn tại cụm từ “phạt cho tồn tại” mỗi khi xảy ra việc xây dựng không phép. Dư luận dù không muốn hình thức “phạt cho tồn tại” được áp dụng với công trình xây dựng không phép ở Mã Pí Lèng nhưng vẫn mong huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang có giải pháp thấu tình đạt lý, không tạo ra tiền lệ xấu và cũng không để chủ đầu tư phải đơn độc gánh chịu thiệt thòi.

“Con đường Hạnh phúc” qua Mã Pí Lèng được hàng chục ngàn thanh niên xung phong, đeo mình trên vách đá, vực sâu mở từng xăng ti mét, ròng rã từ năm 1959 đến năm 1965. Những ai từng qua Mã Pí Lèng đều ao ước nơi đây có những công trình nghỉ dưỡng, khách sạn đủ tiện nghi để dừng chân lâu hơn. Giá như ngay từ đầu, chính quyền huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang đồng hành với chủ đầu tư, tạo điều kiện cho họ có được vị trí thích hợp xây công trình, không ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái (như khuyến cáo của Cục Di sản văn hóa) thì có lẽ hình ảnh tòa nhà 7 tầng Panorama đã là một địa chỉ lấp lánh, điểm dừng chân lý tưởng của bất cứ ai qua lại con đèo nằm trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng rừng núi phía Bắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lỗi ở địa phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO