Tình trạng lừa đảo qua điện thoại, đòi nợ theo kiểu “khủng bố” đang diễn biến phức tạp, tràn lan trong thời gian dài khiến người dân bất an, lo lắng. Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng số nạn nhân sập bẫy vẫn không ngừng tăng lên.
Đủ chiêu trò
Từng là nạn nhân của việc khủng bố đòi nợ, chị N.T.N.C. (25 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ tháng 2/2023, chị liên tục nhận được cuộc gọi từ số lạ xưng là nhân viên của FE Creadit. Theo đó, đối tượng này gửi đúng thông tin cá nhân của bạn thân chị C., bao gồm họ tên, số điện thoại, số CCCD, hộ khẩu thường trú,… và cho biết bạn thân của chị nợ số tiền 40 triệu đồng chưa kèm lãi. Mỗi ngày, đối tượng này gọi hàng chục cuộc điện thoại đòi tiền, dọa đến tận nhà tạt sơn, thậm chí sẽ đăng tải thông tin lên mạng xã hội nếu không trả tiền đúng hạn. Quá phiền phức trước những cuộc gọi này, chị C. đã chặn số, đồng thời báo cáo số điện thoại này qua tổng đài 5656.
Tương tự, chị Đ.Q.A. (26 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bức xúc khi 3 ngày liên tiếp nhận được cuộc gọi từ số lạ đòi tiền vay nợ của 1 người chị không hề quen biết. Đáng nói, đối tượng này biết rõ thông tin cá nhân, bao gồm cả nơi ở hiện tại của chị Q.A.. Sau màn chửi bới, lăng mạ, đối tượng này còn dọa sẽ đăng ảnh cá nhân, số điện thoại của chị lên các trang đòi nợ thuê. Bất an, lo sợ, chị Q.A. đã lập tức chặn số và khóa facebook cá nhân đề phòng bất trắc.
Chưa dừng lại ở chiêu trò đòi nợ quen thuộc này, mới đây, nhiều phụ huynh tại TPHCM cũng bị sập bẫy lừa tiền sau cuộc gọi điện thoại của “thầy giáo” thông báo con của họ đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch đồng thời đề nghị “hỏa tốc” chuyển tiền qua tài khoản để đóng tiền phẫu thuật.
Cụ thể, ngày 3/3, tại bàn hướng dẫn cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 3 phụ huynh đến tìm con do có người thông báo con họ nhập viện đang trong tình trạng cấp cứu. Trong đó, 2 phụ huynh đã chuyển 70 triệu đồng vào tài khoản do người lạ cung cấp.
Các phụ huynh cho biết họ đều nhận được điện thoại báo con của mình bị ngã chấn thương sọ não và đang lên ca mổ gấp nên người nhà chuyển khoản tiền để thầy giáo đóng tiền phẫu thuật. Các “thầy giáo” giả danh này còn đe dọa, nếu không nộp tiền hoặc nộp chậm thì con của họ sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi tiếp nhận vụ việc, Bệnh viện Chợ Rẫy đã lập biên bản ghi nhận và hướng dẫn các nạn nhân trình báo trên đến cơ quan chức năng.
Từ đâu thông tin lộ lọt?
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, hiện nay, việc lừa đảo qua điện thoại xảy ra khá phổ biến. Hình thức lừa đảo này mỗi lúc một biến tướng, thay đổi nội dung nhưng mục đích của các đối tượng đều là nhằm chiếm đoạt tài sản. Đối với hành vi này, các đối tượng thực hiện tùy tính chất mức độ đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là các đối tượng lại nắm rất rõ thông tin của người dùng. Có thể thấy nguyên nhân xuất phát từ một số tổ chức, doanh nghiệp nắm giữ thông tin cá nhân của người dùng chưa bảo mật được thông tin, khiến các đối tượng tấn công lấy cắp và khai thác cho mục đích lừa đảo. Ngoài ra, cũng bởi nhiều người dùng chưa bảo vệ thông tin cá nhân của mình một cách nghiêm ngặt, chưa coi đây là một “tài sản” để tự mình phải bảo vệ.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC) lý giải, hiện nay việc mua bán thông tin cá nhân diễn ra rất phổ biến và dễ dàng. Bộ Công an cũng cho biết, có đến hơn 2/3 dân số Việt Nam mà dữ liệu cá nhân của họ đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên internet với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau. Thậm chí, trong một số nghiên cứu cá nhân, con số thực tế về lộ lọt thông tin cá nhân của người dân Việt Nam còn lớn hơn nhiều.
“Chỉ cần bỏ ra 99 XEN Crypto (một loại tiền ảo), người ta có thể dễ dàng mua được rất nhiều thông tin cá nhân quan trọng của nhiều người cùng lúc. Do đó, vấn đề trước tiên cần nhấn mạnh là người dân phải tự nâng cao cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo này” - ông Hiếu cho hay.
Để ngăn chặn tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhấn mạnh, hiện nay rất cần các cơ quan chức năng phối hợp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, tăng cường công tác kiểm soát không gian mạng. Triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, bản thân người dùng tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của người gọi và cũng không nên gọi lại. Đặc biệt, không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, như: tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email… cho bất kỳ ai với bất kỳ hình thức nào.
“Với những thông tin mập mờ, không chính xác, cần bình tĩnh, xác minh, tránh bị lợi dụng, lừa đảo, tống tiền. Người dùng cần lưu lại số điện thoại, ghi âm cuộc gọi từ số điện thoại giả mạo để trình báo cho cơ quan công an địa phương xử lý. Cùng với đó, người dùng cũng cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, tránh mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo” - Luật sư Hùng nhấn mạnh.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân không nên vay tiền qua các App trên mạng, các trang mạng xã hội. Khi phát hiện App cho vay tiền có dấu hiệu nghi cho vay lãi nặng thì liên hệ công an gần nhất để cung cấp thông tin.
Nếu bị đòi nợ với phương thức thủ đoạn như trên, cần ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn, lưu lại hình ảnh cắt ghép sai sự thật để cung cấp cho công an. Người dân cần tránh tâm lý e ngại, thậm chí thỏa hiệp, tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục hành vi vi phạm pháp luật. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Hệ thống Luật sư X):
Cảnh giác với biến tướng các chiêu trò lừa đảo
Vấn nạn lừa đảo trực tuyến hay lừa đảo qua mạng vẫn không ngừng gia tăng, có xu hướng biến hóa, mỗi ngày có thêm nhiều chiêu thức phức tạp và tinh vi hơn. Bản thân người dân cần chủ động phòng ngừa, ứng phó với những phương thức lừa đảo trên mạng. Còn có rất nhiều các phương thức khác tinh vi hơn mà các đối tượng có thể thay đổi hành vi, chiêu thức lừa đảo. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần tự cảnh giác, phòng ngừa và phát hiện tố giác tội phạm.
Khi nhận các cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định, số lạ, cần đặc biệt cảnh giác để xác thực thông tin. Đồng thời tiến hành kiểm chứng bằng nhiều nguồn khác nhau để tránh sập bẫy.
Tăng cường tính năng bảo mật các tài khoản mạng xã hội, các tài khoản ngân hàng. Thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền, nhất là sau khi nghe những cuộc gọi với dấu hiệu nghi vấn như: yêu cầu thực hiện ngay lập tức, doạ nạt, khủng bố.... Tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ các thông tin có liên quan đến tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản (mã OTP) cho bất kỳ ai.
Mua hàng qua mạng, cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Để tránh rủi ro, người mua cần trực tiếp đến cửa hàng hoặc địa chỉ người bán, kiểm tra hàng hóa trước khi mua.
Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào có dấu hiệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.