Lựa chọn để bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng

Nguyên Khánh 26/02/2021 06:30

Sáng 25/2, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Đã giới thiệu 1.076 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày những nội dung cơ bản của văn bản pháp luật về bầu cử.

Ông Phan Văn Vượng, Phó Ban Dân chủ pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, tính đến ngày 17/2, ở Trung ương và 63 địa phương đã hoàn thành việc Hiệp thương lần thứ nhất. Về kết quả giới thiệu ĐBQH, ở Trung ương và các địa phương đã giới thiệu 1.076 người ứng cử/500 đại biểu được bầu với tỷ lệ 2,15 lần (nhiệm kỳ trước là 2,20). Với việc giới thiệu đại biểu HĐND cấp tỉnh, theo thống kê, các tỉnh đã giới thiệu 7.656 người ứng cử/3.700 người được bầu, tỉ lệ là 2,06 lần. Tại 5 địa phương tự ứng cử đã có 14 hồ sơ.

Theo ông Vượng, đại đa số các địa phương đã đảm bảo số dư theo quy định của pháp luật cũng như số dư theo quy định của các Nghị quyết. Trong đó có 55 địa phương đảm bảo số dư theo quy định của Nghị quyết 09, quy định của pháp luật. Còn lại 8 tỉnh chưa đủ là Tây Ninh, Trà Vinh, Điện Biên, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Giang. Các địa phương này đều được phân bổ 6 đại biểu Quốc hội khoá XV, trong đó Trung ương gửi về 2, địa phương là 4.

Ông Vượng cho biết, trong hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, đã có một số kiến nghị của các địa phương như đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng số lượng của địa phương, giảm số lượng đại biểu của Trung ương gửi về. Các địa phương cũng đề nghị Uỷ ban Thường vụ xem xét điều chỉnh cơ cấu nữ, dân tộc, ngoài Đảng, cơ cấu trẻ... để phù hợp với địa điểm của từng địa phương.

Đại diện các tỉnh có dịch như Hải Dương cũng nêu ra những vấn đề thực tiễn ở địa phương đang có dịch bệnh. Vậy hội nghị tiếp xúc cử tri sẽ thực hiện thế nào trong trường hợp nhiều địa bàn có các thôn bản không thể tổ chức các hội nghị trực tuyến.

Trường hợp có dịch tổ chức bầu cử phù hợp thực tế địa phương

Ông Phan Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, mới đây Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 01 về việc Hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức phụ trách bầu cử. Lựa chọn những người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được quần chúng tín nhiệm, hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm thực hiện công tác bầu cử tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử.

Người đứng đầu tổ chức phụ trách bầu cử chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng thành viên tổ chức phụ trách bầu cử cấp mình từ giai đoạn chuẩn bị cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử. Đối với công tác quản lý phiếu bầu, ông Hùng cho biết, tổ trưởng Tổ bầu cử phân công thành viên quản lý chặt chẽ số phiếu bầu. Trường hợp phát hiện phiếu bầu bị mất thì Tổ bầu cử phải báo cáo ngay Ban bầu cử để có biện pháp xử lý kịp thời…

Theo đại diện Bộ Nội vụ, các tình huống có thể phát sinh trước, trong và sau ngày bầu cử cần phải được chuẩn bị chủ động. Trường hợp dịch Covid-19 bùng phát thì Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét chỉ đạo, hướng dẫn phương án tổ chức bầu cử đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp mưa lũ đặc biệt nghiêm trọng, địa hình bị chia cắt dẫn đến cử tri không thể đi đến khu vực bỏ phiếu thì Ủy ban Bầu cử các cấp chỉ đạo Tổ bầu cử tìm phương án tốt nhất để có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến cho những cử tri này nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử...

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, chỉ còn chưa tới 3 tháng nữa là đến ngày bầu cử. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, cần sự tập trung nỗ lực của các cấp, các ngành. Ông Lê Vĩnh Tân yêu cầu các cơ quan Trung ương khẩn trương giải đáp vướng mắc của địa phương và có văn bản hướng dẫn cụ thể. Với các cơ quan ở địa phương cần tiếp tục gửi những vướng mắc trong quá trình bầu cử, tập huấn công tác bầu cử đến cấp huyện, xã, cần thiết thí điểm bổ sung hướng dẫn cho phù hợp. Đặc biệt, các cấp ủy, cấp chính quyền đoàn thể các cấp thực hiện các nhiệm vụ theo đúng tiến độ đề ra, nếu có vướng mắc gửi tới Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lựa chọn để bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO