Luật Báo chí 2016 có 27 nội dung bất cập với thực tiễn

Thái Nhung 10/06/2023 19:53

Ngày 10/6, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cơ sở khoa học và thực tiễn chỉnh sửa Luật Báo chí 2016”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ sau hơn 6 năm thi hành Luật Báo chí, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ bất cập, chưa đáp ứng được thực tiễn hoạt động báo chí. “Các ý kiến đánh giá của đại diện các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan thuộc các lĩnh vực khác nhau tại hội thảo sẽ đưa ra cái nhìn khách quan, đầy đủ các khía cạnh liên quan về hoạt động báo chí, công tác quản lý nhà nước về báo chí trong giai đoạn hiện nay, qua đó, đề xuất và kiến nghị những vấn đề, nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm.

Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Sau 5 năm thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận nhiều đánh giá tích cực từ các bộ, ngành, địa phương và cơ quan báo chí. Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn không ít bất cập. Qua rà soát, có 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí. Những vấn đề này cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Hội thảo “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi - Luật báo chí 2016” - Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 đi sâu đánh giá 6 năm thi hành Luật Báo chí 2016 và phân tích thực trạng về công tác quản lý nhà nước và hoạt động báo chí cùng những nhóm vấn đề gợi mở cho nhiệm vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong giai đoạn tới.

Tại đây, các chuyên gia, các nhà báo, các luật sư, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực báo chí và luật học cũng phân tích dự báo, đưa ra những luận cứ khoa học và thực tiễn về xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, những khó khăn thách thức trong việc thực hiện các chiến lược, chủ trương lớn phát triển báo chí Việt Nam (Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến 2030...) và cơ sở khoa học cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí.

Được biết, trước đó Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 30/3/2022 gửi Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật Báo chí 2016 có 27 nội dung bất cập với thực tiễn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO