Luật hóa để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

H.Vũ (thực hiện) 04/07/2022 07:05

Theo ông Lê Việt Trường- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, muốn bảo vệ được cán bộ phải cụ thể hóa bằng luật, bằng các quy định cụ thể.

Ông Lê Việt Trường.

PV:Thưa ông, điểm chung trong hầu hết các ý kiến tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực là cần ban hành, bổ sung kịp thời chính sách pháp luật về quản lý và chế tài, trách nhiệm trong quản lý. Theo ông có thể sửa toàn diện hay nên ưu tiên cho các lĩnh vực “nhạy cảm”?

Ông Lê Việt Trường: Tôi cho rằng công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài. Ở các nước phát triển với hệ thống pháp luật được đánh giá là hoàn thiện, ý thức trách nhiệm công vụ và ý thức trách nhiệm công dân rất cao nhưng vẫn xảy ra tham nhũng. Nói vậy để thấy chúng ta cần lựa chọn vào một số lĩnh vực, chứ cả hệ thống pháp luật rất rộng lớn, đòi hỏi nhiều nhiệm kỳ. Các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến thẩm quyền ra những quyết định cụ thể về nguồn lực, tổ chức cán bộ, đất đai, tài nguyên, tiền tệ thì cần làm sớm, tập trung cao độ để hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Theo tôi cần tập trung vào các lĩnh vực “nhạy cảm”, tìm ra trong các vụ án cụ thể tại sao họ làm được để bịt lỗ hổng.

Pháp luật không chỉ rõ ràng để ngăn ngừa tham nhũng mà còn phải bảo vệ được cán bộ. Nếu không cán bộ sẽ không dám làm, thưa ông?

- Nhược điểm mà chúng ta nói nhiều đó là trao quyền gắn liền với trách nhiệm. Thế nhưng trách nhiệm phải là cụ thể, chứ không thể chung chung của tập thể. Chừng nào chưa cá thể hoá được quyền và trách nhiệm thì sẽ khó quy được trách nhiệm.

Khi để xảy ra tham nhũng, chúng ta siết chặt và làm căng một số vụ lại dẫn đến việc nhiều nơi cán bộ chùng xuống, do dự, không dám làm, không dám quyết. Tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế của ngành Y tế hiện nay đang cho thấy điều đó. Cho nên theo tôi cơ chế pháp luật phải rõ ràng, người sai phải chịu trách nhiệm, người đúng phải được bảo vệ.

Do dự, chùn bước cũng là yếu tố cản trở sự phát triển của đất nước, thưa ông?

- Đúng vậy, cái đó rất nguy hiểm. Chúng ta sợ nhất bộ máy bị trì trệ, sợ trách nhiệm không dám làm. Chính sự mập mờ mới là cái đáng sợ, là “kẻ thù không nhìn thấy”.

Thế nhưng cố ý làm trái và năng động sáng tạo, nhiều khi ranh giới rất mong manh nếu pháp luật không cụ thể. Ông nghĩ sao?

- Chúng ta đã có bài học từ lâu. Từ vụ làm đường dây điện cao thế 500KV Bắc - Nam. Lúc đó ông Vũ Ngọc Hải- Bộ trưởng Bộ Năng lượng là Bộ trưởng đầu tiên bị đưa ra xét xử trong 4 ngày. Đây là vụ án điểm thời kỳ đó. Có ý kiến cho rằng hồi đó thiếu sắt thép. Nhưng nhập khẩu hay xuất khẩu phải có quota. Vì thế ông Hải cho anh em “xé rào” nhập khẩu cung ứng sắt thép. Giá cả lúc đó có bị đội lên nhưng đáp ứng nguyên vật liệu để cho các công trình thi công từ Bắc – Nam, rút ngắn thời gian. Nhiều người khen cho rằng có công, nhưng có người bảo làm như vậy là trái quy định của nhà nước nên có tội. Hồi đó xác định ông Hải chỉ làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế chứ không nhận tiền để tham nhũng. Khi luật pháp không rõ ràng, cán bộ sẽ không dám làm vì sợ vi phạm, còn làm nhưng rất dễ rơi vào trái quy định.

Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, nhưng có lẽ cần cụ thể hóa chủ trương trên thành luật?

- Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thì mọi việc dứt khoát phải qui định bằng luật. Pháp luật phải là tối thượng. Cho nên phải theo căn cứ, nếu theo nhận xét chủ quan của mỗi người thì lại khác. Chủ trương của Đảng cần cụ thể hóa thành pháp luật của Nhà nước. Nếu không cụ thể hoá sẽ khó vận dụng. Ví như những gì liên quan đến tài chính là phải có qui định định mức từ nội dung chi, định mức chi, thẩm quyền quyết định. Ở các nước phân bổ ngân sách hàng năm do Quốc hội phê duyệt thì dự án gì từ 5 triệu USD trở lên thì phải Quốc hội quyết, ban hành Nghị quyết. Và Nghị quyết đó có giá trị như luật. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt việc giám sát, tiền kiểm, hậu kiểm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cụ thể hóa bằng pháp luật sẽ thúc đẩy và bảo vệ cán bộ mới dám nghĩ, dám làm, thưa ông?

- Cán bộ được giao cho đứng đầu một ngành thì đọc vào luật họ phải biết mình được làm gì? làm thế nào? và làm đến đâu? chứ không phải quy định chung chung. Ngay việc “dám làm” cũng phải nằm trong khuôn khổ quy định của Nhà nước. Người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, nhưng cán bộ Nhà nước chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép. Như bên Úc, thị trưởng 1 thành phố nhỏ được chi tiêu 43 triệu đô la Úc/năm với 6 nội dung chi. Ví dụ nội dung chi giáo dục cho các trường giáo dục, mẫu giáo. Nếu hỏng hóc, người dân kêu sẽ bị mất chức. Hay cắt cỏ, dọn tất cả công viên thuộc phạm vi quản lý của thành phố đó, các đường đi lối lại trong khu công cộng. 6 nội dung đó cứ thế mà chi. Nếu liên bang, hay bang xuống kiểm tra thấy công viên mà người dân kêu cỏ cao quá 3cm thì họ yêu cầu thay ngay người làm việc đó. Nói ví dụ đó để thấy, muốn bảo vệ được cán bộ phải cụ thể hóa bằng luật, bằng các quy định cụ thể chứ không phải chung chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật hóa để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO