Luật không nghiêm thì không thể chống tham nhũng

Việt Thắng 05/03/2021 13:24

Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét việc, tham nhũng từ 3 đến 5 tỷ đồng thì phải tử hình.

Ngày 5/3, các ĐBQH đơn vị bầu cử số 3, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Đơn vị bầu cử số 3 gồm 3 đại biểu: Nguyễn Thị Bích Ngọc (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội); Đào Tú Hoa (Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tòa án nhân dân tối cao); Nguyễn Phi Thường (Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội).

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Đào Văn Phê, Phường Yết Kiêu, Quận Hà Đông cho rằng: Hoạt động của Quốc hội ngày càng có hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của đất nước. Trong nhiệm kỳ qua, cử tri ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Quốc hội và đoàn ĐBQH TP Hà Nội trong nhiệm kỳ này. Cử tri ghi nhận cao kết quả đại hội XIII của Đảng, thành công tốt đẹp của đại hội đã đưa vị thế của nước ta phát triển lên tầm cao mới. Đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và HĐND các cấp đã chỉ đạo quyết liệt hiệu quả để dập dịch Covid-19, nơi nào có dịch thì cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy sức mạnh của toàn dân, đạt kết quả cao, được cả thế giới ghi nhận.

Cho biết hiện cử tri cả nước đang rất quan tâm bức xúc về 2 dự án là Gang thép Thái nguyên và Đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, ông Phê cho rằng: Dự án Gang thép Thái Nguyên đầu tư giai đoạn 1 là 5000 tỷ đồng, đã thanh tra kết luận dự án có thiết bị cũ. “Nhưng vậy ai đã đề xuất đầu tư giai đoạn 2 thêm 3100 tỷ nữa?. Tổng cộng dự án 8100 tỷ đồng hiện đang đắp chiếu để đó. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ kiểm tra làm rõ, quy trách nhiệm bởi số tiền bị thất thoát quá lớn”-ông Phê nêu vấn đề. Đồng thời chỉ rõ: “Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông đội vốn đầu tư từ 8 lên 18 ngàn tỷ đồng, thời gian chậm tiến độ dự án 6-7 năm, nhiều lần thông báo đi vào hoạt động song lại...chẳng thấy gì. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho thanh tra, kiểm tra thông báo cho cử tri biết. Dự án này nếu đi vào hoạt động các chuyến tàu đi lại trong tất cả các ngày vẫn đông đủ khách thì 1 năm vẫn lỗ 14 tỷ đồng, mà vấn đề an toàn của đường sắt thì người dân e ngại về an toàn không dám đi”.

Ông Phê cũng đề nghị: Quốc hội bổ sung vào Luật phòng chống tham nhũng phải có điều quy định tham nhũng đến đến ngưỡng nào đó thì phải có án tử hình. Cử tri đề nghị tham nhũng từ 3 đến 5 tỷ thì phải tử hình để quan tham không dám tham nhũng đến hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ như hiện nay. Phải có quy định trong luật để răn đe, vì ai chả sợ chết, không có luật nghiêm thì không thể chống tham nhũng hiệu quả còn tuyên truyền giáo dục chỉ là hỗ trợ. Nếu như Quốc hội đề ra việc tham nhũng 5 tỷ đồng là tử hình thì nạn tham nhung sẽ giảm hẳn, và không mất nhiều cán bộ như những năm vừa qua.

“Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ cho đúng người đúng việc. Tránh để như thời gian qua cán bộ chủ chốt là Bí thư, Chủ tịch của 3 thành phố lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đều bị kỷ luật, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm lòng tin cử tri”-ông Phê nói.

Ông Phê cũng cho biết, cử tri đánh giá rất cao năng lực quản lý điều hành có hiệu quả của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Do đó cử tri đề nghị Quốc hội, Bộ Chính trị tiếp tục bổ nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Ông Phê nói: “Đây là ý kiến của nhiều cử tri tại Quận Hà Đông. Đề nghị Bộ Chính trị xem xét vấn đề này. Quyết là thuộc quyền của Quốc hội, Bộ Chính trị. Nhưng cử tri được quyền kiến nghị nên cử tri chúng tôi kiến nghị như vậy”.

Cử tri Trịnh Trung Tuấn, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy cho rằng: Trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã xây dựng và thông qua nhiều luật nhưng chất lượng luật có cái chưa đi vào cuộc sống đã phải đưa ra sửa đổi, rồi chất lượng luật chưa cao. Do đó cần nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Ông Tuấn cũng đề nghị, trong tổ chức hiệp thương, giới thiệu người để bầu ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cần nâng cao chất lượng để lựa chọn bầu được những ĐBQH khóa XV phải chất lượng cao hơn so với khóa trước. Đồng thời nâng cao tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, và tăng số lượng ĐBQH ở cấp tỉnh, thành để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Trao đổi với cử tri, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội bày tỏ ghi nhận các ý kiến phát biểu tâm huyết của cử tri, đây đều là những vấn đề lớn của đất nước, thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Thay mặt các ĐBQH tại đơn vị bầu cử số 3, bà Ngọc cho biết sẽ tiếp thu và báo cáo với Quốc hội về những vấn đề trên.

Theo bà Ngọc Đoàn ĐBQH TP Hà Nội có 29 ĐBQH. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay các ĐB đều nghiêm túc thực hiện lời hứa của mình trước cử tri. Qua sự tham gia, sự giúp đỡ, sự giám sát của cử tri thì các ĐBQH đều trưởng thành, tất cả đều trưởng thành ở các vị trí công tác, nhiều người đã được bổ nhiệm ở những vị trí cao hơn. “Đó là công sức của mỗi đại biểu nhưng trong đó có sự tham gia, góp ý, và giám sát của cử tri để từng đại biểu trưởng thành theo thời gian”-bà Ngọc bày tỏ, và cho biết vấn đề cơ cấu lựa chọn ĐBQH đã được Quốc hội nhiều lần đặt ra. Cho nên vấn đề này sẽ được xem xét toàn diện để Quốc hội có các cơ cấu để đại diện cho các tầng lớp nhân dân.

Bà Ngọc cũng bày tỏ xúc động cảm ơn các cử tri khi đây cũng là lần tiếp xúc cử tri cuối cùng của mình khi bà sẽ nghỉ hưu từ 1/5. Bà Ngọc mong muốn, các cử tri luôn quan tâm đóng góp ý kiến cho Quốc hội và Đoàn ĐBQH TP Hà Nội để Hà Nội tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật không nghiêm thì không thể chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO