Luật sư Bùi Loan: Nên làm gì để ly hôn văn minh?

Việt Quỳnh (thực hiện) 13/09/2019 12:45

Hiện là Giám đốc Công ty Luật TNHH Bùi Loan thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, luật sư chia sẻ từ những trải nghiệm thực tế về việc quá trình ly hôn và xử lý những vấn đề hậu ly hôn thông qua pháp luật.

Luật sư Bùi Loan: Nên làm gì để ly hôn văn minh?

1. Có một thực tế rằng, trong cuộc sống gia đình, không gì vui bằng việc vợ chồng con cái hòa thuận yêu thương nhau, và cũng không gì buồn bằng việc hai vợ chồng không thể cùng nhau đi đến cuối con đường. Ly hôn chắc chắn là điều không một ai muốn xảy ra khi đã kết hôn. Tuy nhiên, khi tình cảm đã hết, mâu thuẫn ngày càng trầm trọng, không thể hàn gắn được thì cực chẳng đã, đành phải chia tay.

Mặc dù, điều không muốn đã xảy ra nhưng nên làm gì để ly hôn văn minh và không gây thêm tổn thương cho người từng đầu ấp má kề và con cái, đó là điều rất khó khăn. Khi đời sống hôn nhân rạn vỡ, việc cư xử giữa bố mẹ với nhau sẽ tác động rất lớn đến con cái, dù sống cùng ai thì đứa trẻ đó vẫn có những xáo trộn khiến gặp phải chấn thương tâm lý. Sự tổn thương này có thể được thể hiện bằng những giọt nước mắt, sự thay đổi trong tính cách, có thể nổi loạn, bất cần, suy nghĩ tiêu cực hoặc nghiêm trọng hơn là bị trầm cảm tâm lý. Có rất nhiều đứa trẻ thường ngụy trang điều này bằng việc cố tỏ ra bình thường trước mặt mọi người, tuy nhiên, khi ở một mình, cháu sẽ quay về với phần tối trong tâm hồn, bỗng dưng trở thành một con người khác. Từ một đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát, chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn... có thể dần dà trở thành khó tính, ít nói, lười biếng, hỗn láo và ngày càng suy sụp tinh thần, luôn chống lại những giá trị sống. Do vậy, là bố là mẹ khi đã không tạo cho con cái một gia đình sum vầy đúng nghĩa thì hãy lưu tâm đến việc cư xử với nhau như thế nào để tránh cho con cái những khổ đau thêm nữa.

2. Khi cuộc hôn nhân đến hồi kết, không mấy người trong cuộc có thể giữ được tỉnh táo và bình tĩnh. Họ thường mang tâm lý chỉ muốn rời xa đối phương càng nhanh càng tốt, giành giật lấy những quyền lợi dù là nhỏ nhất.

Tôi thường nghe trình bày sự việc mâu thuẫn của hai bên để phân tích mức độ căng thẳng đến đâu. Nếu thật sự không thể ở được với nhau nữa thì nên chia tay thật êm đẹp. Hãy ngồi cùng nhau để nói chuyện cụ thể, cả hai nên thỏa thuận cách ly hôn văn minh nhất và ít ảnh hưởng đến con cái nhất.

Bàn về việc nuôi dạy con cái, cả hai cần thống nhất quan điểm: bố mẹ ly hôn không phải bố hoặc mẹ sẽ chết hay vĩnh viễn xa các con, mà chỉ là có sự thay đổi hoàn cảnh sống, chỗ ở... Tư vấn cho họ hiểu con ở với bố hoặc mẹ và sẽ sang nhà chơi với người kia, nhận sự giáo dục của người kia, nhận tình cảm và sự quan tâm của người kia hàng ngày... Nói để họ hiểu rằng là bố mẹ nào thì cũng đều yêu thương con, vì thế hãy cùng nhau cam kết giữ hình ảnh đẹp của người kia trong mắt con.

Việc quan trọng không kém trong ly hôn là vấn đề tài sản, tài sản chính là gánh nặng. Nếu vợ hoặc chồng tìm cách giành giật tài sản để rồi sau này con cái quay lưng lại, liệu có đáng không? Là luật sư khi tư vấn về vấn đề này, tôi thường khuyên các cặp vợ chồng nên tìm cách nói chuyện, bàn bạc và thỏa thuận việc phân chia tài sản cho đồng đều, hợp lý, tránh mọi căng thẳng làm ảnh hưởng thêm hòa khí giữa vợ chồng, đến tâm lý của các con.

Thời buổi xã hội hiện đại, văn minh hơn nên tư tưởng và suy nghĩ của mọi người thoáng hơn. Do đó, trong thời gian hành nghề luật sư nói chung và tư vấn về luật hôn nhân gia đình cho nhiều cặp đôi nói riêng, tôi tiếp xúc với nhiều cặp vợ chồng đến lúc nhờ đến pháp luật can thiệp ly hôn họ rất văn minh, lịch thiệp với nhau. Họ vẫn dùng lời lẽ tốt đẹp cho nhau, cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận về việc nuôi dạy con, phân chia trách nhiệm, nghĩa vụ nuôi con, về tài sản họ bình đẳng ngang nhau, chia cho nhau tài sản cảm thấy hợp với điều kiện, hoàn cảnh sống của nhau. Sau ly hôn, họ vẫn coi trọng và đối xử với nhau thân thiết, cởi mở như những người bạn tốt của nhau”.

3. “Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng được hiểu là việc người có nghĩa vụ cấp dưỡng cố tình không thực hiện việc cấp dưỡng với người mà họ có nghĩa vụ cấp dưỡng, biểu hiện bằng việc không chịu đóng tiền, tài sản để cấp dưỡng mặc dù có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ đó.

Sau khi có phán quyết của tòa án về việc nuôi dạy con, nhưng do lý do nào đó như vợ hoặc chồng nhận thấy điều kiện vật chất, điều kiện tâm lý của người được quyền nuôi con không đáp ứng, hoặc vì lý do cay cú, muốn trả thù, làm khổ nhau sau ly hôn mà dẫn đến việc yêu cầu thay đổi quyền nuôi con hoặc không cấp dưỡng. Hành vi này thật sự đáng lên án, bởi lẽ, việc ly hôn đã là sự đổ vỡ, đau khổ, mất mát lớn của người trong cuộc, ảnh hưởng lớn đến đời sống, tâm lý của con cái rồi, vậy mà, sau ly hôn các cuộc chiến tiếp tục diễn ra. Thật sự là rất đáng lên án và lo ngại!

Hãy chọn cho mình cách hành xử văn minh lịch thiệp khi ly hôn là điều mà mỗi cặp vợ chồng không thể hàn gắn, chung sống được với nhau nữa!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật sư Bùi Loan: Nên làm gì để ly hôn văn minh?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO