Luật Thư viện: Góp phần lan tỏa văn hóa đọc

Minh Quân 04/07/2020 08:17

Bắt đầu từ ngày 1/7, Luật Thư viện chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, để các quy định có thể áp dụng được hiệu quả và đi vào cuộc sống đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính cộng đồng xã hội. 

Luật Thư viện góp phần trong việc lan tỏa văn hóa đọc. (Ảnh minh họa).

Luật Thư viện gồm 6 chương, 52 điều, đã cụ thể hóa các chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được Hiến pháp 2013 quy định, đó là quyền tiếp cận thông tin, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.

Trong đó quy định của Luật Thư viện sẽ lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm; tạo lập môi trường thân thiện, bình đẳng; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân. Tài nguyên thông tin được thu thập, xử lý, lưu giữ, bảo quản và phổ biến tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và chuẩn nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực thư viện. Thường xuyên đổi mới sáng tạo về quy trình, sản phẩm thông tin, dịch vụ thư viện trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến. Thực hiện liên thông thư viện. Tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Từ quy định này có thể thấy người sử dụng thư viện không chỉ là đối tượng phục vụ đơn thuần mà đã trở thành trung tâm của hoạt động thư viện. Đặc biệt, để đảm bảo quyền cho người sử dụng thư viện, Luật đã quy định 3 điều, gồm: Quyền, nghĩa vụ của người sử dụng thư viện và quyền của người sử dụng thư viện đặc thù.

Đặc biệt với người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin bằng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với điều kiện của thư viện.

Người sử dụng thư viện là người cao tuổi hoặc người khuyết tật mà không thể tới thư viện được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin tại nhà thông qua dịch vụ thư viện lưu động hoặc gửi qua bưu chính, không gian mạng khi có yêu cầu phù hợp với hoạt động của thư viện.

Người khiếm thị, người khiếm thính có quyền sử dụng tài nguyên thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều này và được tạo điều kiện sử dụng tài liệu in chữ nổi Braille, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu ngôn ngữ ký hiệu hoặc tài liệu đặc biệt khác...

Ngoài ra, nhân tố đột phá trong Luật Thư viện là xã hội hóa và hiện đại hóa hoạt động thư viện. Xã hội hóa thư viện sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng tham gia xây dựng, cùng tự nguyện đóng góp tiền bạc, công sức, nhân lực, vật lực để phát triển thư viện.

Với những quy định trên có thể nói Luật Thư viện đang mở ra cơ hội tiếp cận văn hóa đọc cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng để các quy định này đi vào cuộc sống cần có một lộ trình và sự thay đổi về tư duy, cách làm của những người làm thư viện.

Theo Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới, điều quan trọng nhất là sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành để phổ biến Luật. Luật càng được nhiều người hiểu biết và thực hiện sẽ càng mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức cho người dân, thúc đẩy phong trào đọc sách, phục vụ nhân dân học tập suốt đời.

Không chỉ những người trong ngành thư viện quan tâm đến sự kiện Luật Thư viện có hiệu lực mà bạn đọc và những người quan tâm đến văn hóa đọc đều rất vui mừng. Nhiều cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục, những người làm công tác văn hóa, giáo dục, các giáo viên và người sử dụng thư viện đã thể hiện sự phấn khởi và hy vọng.

Nói như bà Nguyễn Thanh Nga, Trưởng phòng GDĐT huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh thì Luật Thư viện ra đời là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của một đất nước văn hoá, một đất nước hiện đại. Đây là điều kiện rất tốt để ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới và phát triển văn hoá đọc tại các nhà trường, liên thông giữa các thư viện, lan toả phong trào đọc sách tới gia đình, cộng đồng nhằm góp phần đưa Luật sớm đi vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật Thư viện: Góp phần lan tỏa văn hóa đọc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO