Lùm xùm tại dự án Hưng Lộc - Nghệ An: Bài 1: Triển khai dự án sau 4 năm 'đói vốn'

Nhóm PV 09/07/2021 11:50

Được tỉnh Nghệ An chấp thuận đầu tư từ năm 2016, nhẽ ra Công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An (viết tắt là PVIT) phải triển khai dự án “Dự án “Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên” tại xã Hưng Lộc theo quy định. Nhưng do “đói vốn”, năng lực tài chính vào thời điểm đó không đảm bảo nên dự án bị đình trệ, kéo dài.

"Ôm" dự án nhưng tài chính không đủ

Năm 2016 Dự án “Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên” tại xã Hưng Lộc được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 670/QĐ UBND-XD. Tiến độ thực hiện dự án gồm Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cây xanh từ quý IV-2015 đến quý IV-2017; Xây dựng nhà ở xã hội từ quý 1/2016 đến quỹ 4/2018; Xây dựng nhà ở liền kề, biệt thự từ quý I-2017 đến quý IV-2019. Tổng số vốn đầu tư cho dự án Hưng Lộc là 210 tỷ.

Chủ trương là vậy, nhưng trong khoảng hơn 4 năm từ lúc được chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự án Hưng Lộc “nằm yên một chỗ”. Tìm hiểu mới vỡ lẽ, chủ đầu tư là PVIT thời điểm đó không đủ năng lực tài chính và điều kiện để triển khai dự án. Cụ thể, không thể GPMB 72 hộ dân có đất nông nghiệp tại dự án. Đồng thời, thời điểm đó PVIT còn khoản nợ hàng chục tỷ đồng tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Nghệ An, bởi vậy không đủ điều kiện thực hiện dự án theo luật định.

Sau 4 năm đình trệ, dự án Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên tại xã Hưng Lộc chính thức triển khai vào đầu năm 2020.

Chiếu theo khoản 3, Điều 58, Luật Đất đai 2013 và điểm a, khoản 2, Điều 14 Nghị định: 43/2014/NĐ - CP, PVIT phải có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% x 210 tỷ = 42 tỷ đồng để đầu tư dự án.

Trong khi đó, theo báo cáo của ban kiểm soát tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên (công bố trên trang chủ của PVIT), tài sản của PVIT còn lại vào thời điểm 31/12/2020 là hơn 30,5 tỷ đồng, không đủ số vốn tối thiểu để thực hiện dự án.

Với năng lực như vậy, lẽ ra theo điểm g, khoản 1, khoản 2, Điều 48, Luật đầu tư 2014 (có hiệu lực đến ngày 31/12/2020), phải chấm dứt hoạt động đầu tư của dự án vì sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này.

Bán công ty lấy tiền đầu tư dự án?

Dự án kéo dài, nếu không triển khai, nguy cơ bị thu hồi là hiện hữu. Bởi vậy, vào tháng 3/2019, ông Trần Lương Sơn, Tổng GĐ PVIT và bà Lê Thị Bạch Tuyết (cổ đông PVIT, đồng thời là mẹ đẻ của ông Đường Hùng Cường thời điểm đó là Chủ tịch HĐQT PVIT) đã tìm đến bà Trần Thị Toàn (trú tại huyện Quỳ Hợp) để liên doanh, hợp tác bằng một bản Thỏa thuận đầu tư (có đầy đủ chữ ký của 2 bên). Theo đó, bản Thỏa thuận đầu tư dự kiến đầu tư 150 tỷ đồng để:

Thứ nhất, mua lại 2 Công ty với giá 20 tỷ (mua Công ty Haviland 8 tỷ; mua Công ty Dầu khí 12 tỷ gồm 7 tỷ mua cổ phần của anh Dũng (Bắc Á) và Công ty Lanmak (giá trị 25%), 5 tỷ để gom cổ phiếu lẻ của PVIT để đạt trên 51%.

Để có tiền triển khai dự án, đại diện lãnh đạo, cổ đông của PVIT đã ký một Thỏa thuận đầu tư nhằm đưa vốn về "khơi thông" dự án.

Thứ hai, đầu tư 130 tỷ đồng để trả một số nợ cho Công ty và đầu tư dự án Hưng Lộc, Vinh Tân như GPMB, trả tiền ký quỹ, trả nợ ngân hàng, thuê tư vấn vẽ lại quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế, xây dựng hạ tầng, nộp tiền thuế chuyển đổi sử dụng đất, một số chi phí khác...

Sau khi thỏa thuận nói trên được ký kết, trong thời gian từ 3/2019 đến 5/2020, bà Trần Thị Toàn đã chuyển gần 72 tỷ đồng cho bà Tuyết. Với số tiền này, PVIT đã dùng một phần để tiến hành GPMB dự án "Khu nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên" tại xã Hưng Lộc, TP Vinh; mua khoản nợ 32 tỷ đồng thế chấp 8 sàn thương mại của PVIT.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Toàn cho biết: “Sau khi ký thỏa thuận, tôi đã 15 lần chuyển tiền. Bà Lê Thị Bạch Tuyết là người chịu trách nhiệm trước tôi về số tiền mà tôi đã góp, đồng thời đứng tên 100% toàn bộ số tiền nêu trên cho tôi”.

Ký thỏa thuận, có tiền, mặt bằng và khoản nợ xấu được giải phóng, ngay lập tức PVIT được gia hạn cho phép đầu tư. Cụ thể, ngày 22/2/2020, PVIT chính thức được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Khu nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên” tại xã Hưng Lộc, TP Vinh theo Quyết định số 670/QĐ-UBND-XD ngày 22/2/2016 và gia hạn tiến độ thực hiện dự án tại Công văn số 3874/UBND-CN ngày 19/6/2020.

Từ những thông tin trên, khẳng định khi chưa có bản Thỏa thuận đầu tư, Cty PVIT đang yếu về năng lực tài chính. Phải nhờ cậy “ô-xy” là gần 72 tỷ đồng từ bà Trần Thị Toàn nên một số dự án, đặc biệt là dự án Hưng Lộc được khơi thông.

Báo Đại Đoàn kết sẽ tiếp tục thông tin...!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lùm xùm tại dự án Hưng Lộc - Nghệ An: Bài 1: Triển khai dự án sau 4 năm 'đói vốn'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO