Lúng túng nhận diện thị trường tranh Việt

Vũ Trần 30/07/2015 10:30

Xây dựng một thị trường mỹ thuật từ lâu đã trở thành đòi hỏi bức thiết để phát triển nền mỹ thuật quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập, giao lưu văn hóa ngày càng sâu rộng. Song đến nay, mong ước chính đáng của bao nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật hội họa vẫn còn đó khi thiếu vắng những cơ chế, chính sách để thúc đẩy, kiểm soát môi trường thương mại đặc biệt này.

Hoạt động mỹ thuật trong nước có nguy cơ tụt hậu khi gia nhập Cộng đồng ASEAN.

Chưa có thị trường tranh theo đúng nghĩa

Mỹ thuật Việt Nam từng có thời sôi động, đổi mới mạnh mẽ về sáng tác, với cơ chế mở cửa nền kinh tế kéo theo sự manh nha phát triển của thị trường mỹ thuật. Các chương trình giới thiệu tranh Việt Nam ở trong và ngoài nước được chú trọng đầu tư và để lại dấu ấn đậm nét, đặc biệt là khoảng những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, khi kinh tế thế giới bước vào thời kỳ suy thoái, đã ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền mỹ thuật, trong đó có Việt Nam.

Tại nhiều quốc gia, việc đổi mới cơ chế, chính sách dành cho mỹ thuật để phù hợp với xu thế phát triển tất yếu được đặt ra một cách mạnh mẽ thì tại Việt Nam, tất cả đều diễn ra chậm chạp, từ hệ thống quản lý, chính sách và tư duy của người hoạt động trong lĩnh vực này... Khái niệm thị trường tranh xuất hiện cách đây hàng chục năm tại nhiều nước trong khu vực châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản… thì tại Việt Nam, ngành văn hóa vẫn lúng túng để nhận diện một thị trường tranh đúng nghĩa.

Thực trạng trên đã dẫn đến những hệ quả tất yếu, dù được bày bán trong nước hay tại các phiên đấu giá nước ngoài, tranh của các họa sĩ Việt Nam thường bị định giá rất thấp. Điển hình như giá bán tranh của một số họa sĩ tên tuổi Việt Nam tại các sàn đấu giá tổ chức ở Singapore mới đây được coi như cú sốc đối với những người làm hội họa trong nước. Nguyên nhân được chỉ ra là do tranh của Việt Nam chưa được thẩm định, hiện tượng làm giả, nhái tranh gây mất lòng tin của nhà đầu tư...

Trong khi đó, tranh của họa sĩ các nước Indonesia, Singapore… lại áp đảo, thể hiện qua giá bán tranh vượt nhiều lần so với họa sĩ các nước trong khu vực. Để có được những kết quả trên, các quốc gia này có những chính sách đầu tư, ưu đãi cấp quốc gia đối với lĩnh vực mỹ thuật.

Theo TS Đinh Hồng Hải (Viện Nghiên cứu Văn hóa), từ những năm 1950, lĩnh vực hội họa của Indonesia đã được Chính phủ chú trọng đầu tư. Tương tự, Chính phủ Singapore cũng sớm ban hành nhiều chính sách, thu hút sự quan tâm của công chúng trong nước đối với thị trường tranh, tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh tài năng họa sĩ...

Đặc biệt, tại các quốc gia này, sự hình thành của những sàn đấu giá có vai trò quan trọng và được coi là đòn bẩy thúc đẩy sự sôi động của thị trường tranh trong nước và nước ngoài tại mỗi quốc gia. “Gia nhập Cộng đồng ASEAN là cơ hội để phát triển thị trường tranh trong nước, song đó cũng là thách thức đặt ra, đòi hỏi chúng ta cần phải có những nỗ lực đổi mới để hội nhập” - ông Hải lưu ý.

Cần những “cú hích” đủ mạnh

Điều đáng nói là Việt Nam không thiếu các điều kiện căn bản (đào tạo mỹ thuật được đưa vào các cấp học, số lượng giáo viên giảng dạy, người tham gia hoạt động trong lĩnh hội họa rất đông...) để giúp hình thành nên một thị trường mỹ thuật trong nước đủ sức cạnh tranh, nhưng tại sao hàng chục năm qua, lĩnh vực này vẫn loay hoay với kiểu “mạnh ai nấy làm”?

Tại Hội thảo “Xây dựng chính sách phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam” vừa diễn ra, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng, đã có một số chính sách được ban hành, các nghệ sĩ cũng vào cuộc, nhưng do thiếu thị trường điều tiết, nên giữa các bên còn lệch nhau.

Theo ông Quân, các chính sách cần được cụ thể hóa và phản ánh đúng đặc thù của loại hình nghệ thuật mỹ thuật, trong đó có hai việc quan trọng: thành lập các quỹ hỗ trợ phát triển nghệ thuật với cơ chế vận hành minh bạch; đưa ra chính sách thuế ưu đãi cho các DN... Các giải pháp này từ lâu đã thành thông lệ ở các quốc gia có thị trường nghệ thuật nội địa phát triển, nếu áp dụng ở Việt Nam sẽ là một “cú hích” khơi dậy tiềm năng thị trường mỹ thuật trong nước.

Trước thực trạng của thị trường mỹ thuật hiện nay, trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030” (của Bộ VH-TT và DL), mỹ thuật được quy hoạch là một trong những ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm. Nội dung này được cụ thể hóa trong “Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7 năm nay, đó là “rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hoạt động mỹ thuật để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của xã hội”.

Mong muốn các chính sách thúc đẩy sự phát triển của thị trường mỹ thuật sớm được hiện thực hóa, nhiều đại biểu cũng kiến nghị, các chính sách khi được ban hành cần tuân theo thông lệ chung của thế giới cũng như trong khu vực. Cùng với đó, bản thân những người hoạt động trong lĩnh vực hội họa cần tích cực tìm tòi, đổi mới đề tài sáng tác, tổ chức các gallery theo hướng chuyên nghiệp... để thu hút công chúng đến với hội họa.

Trong bối cảnh thời đại “số hóa”, nếu không có những đổi mới, lĩnh vực hội họa của Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ bị tụt hậu, đặc biệt khi thời điểm hội nhập cộng đồng chung ASEAN đang cận kề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lúng túng nhận diện thị trường tranh Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO