Lương đuổi theo giá

Bắc Phong 24/05/2022 08:02

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành lấy ý kiến 29 bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội về dự thảo nghị định quy định mức lương tối thiểu, áp dụng với lao động làm việc theo hợp đồng trong doanh nghiệp. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất quy định thêm mức lương tối thiểu theo giờ đối với người lao động. Vấn đề này nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.

Hiện nay, đang quy định mức lương tối thiểu vùng theo tháng. Tuy nhiên, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), trên thực tế mức lương tối thiểu tháng quy định hiện chủ yếu áp dụng cho người lao động làm những công việc có tính chất ổn định trong khu vực chính thức. Đối với người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt, làm việc không trọn thời gian cho các hộ gia đình, các cơ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê...) thì việc sử dụng mức lương tối thiểu tháng làm căn cứ thoả thuận, trả lương theo ngày, giờ, tuần đối với người lao động sẽ thiếu cơ sở để áp dụng linh hoạt, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Từ đó, bên cạnh mức lương tối thiểu tháng, Bộ LĐTBXH đề xuất, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu giờ để mở rộng độ bao phủ và tăng tính bảo vệ của tiền lương tối thiểu đối với các nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian theo quy định của Bộ luật Lao động.

Về mức lương tối thiểu giờ, Bộ LĐTBXH đề xuất quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: Vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ. Các mức lương tối thiểu giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo đó, đối với tiền lương tối thiểu theo tháng, dự thảo đề xuất quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng 1 là 4,68 đồng/tháng, vùng 2 là 4,16 đồng/tháng, vùng 3 là 3,64 đồng/tháng, vùng 4 là 3,25 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu theo tháng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức hiện hành.

Trước đó, Quốc hội đã có Nghị quyết số 17/2022 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, số giờ làm thêm trong 1 năm được quy định như sau: “Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm”- trừ một số trường hợp. Số giờ làm thêm trong 1 tháng được quy định: “Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng”.

Như vậy có thể thấy, cùng với quy định về số giờ làm thêm thì việc tăng mức lương tối thiểu cũng như quy định thêm mức lương tối thiểu theo giờ đối với người lao động là nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Việc này phù hợp với tình hình thực tế cũng như tính đến lâu dài.

Sau hơn 2 năm cả nước tập trung phòng, chống dịch Covid-19, không chỉ doanh nghiệp mà cả người lao động cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc tăng mức lương tối thiểu cũng như số tiền làm thêm tính theo giờ là rất cần thiết. Thời gian qua, việc giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng đã khiến người lao động gặp nhiều khó khăn. Giá xăng dầu liên tục tăng đã tác động tới nhiều mặt hàng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, một số địa phương (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội...) lại rục rịch tăng học phí, điều đó càng tác động mạnh tới người lao động.

Nhiều ý kiến cho rằng, với đề xuất tăng 6% (trung bình) mức lương tối thiểu cũng như quy định thêm mức lương tối thiểu theo giờ (nếu có) đối với người lao động dù đã là tích cực, nhưng vẫn “chạy theo” thị trường, khi hàng ngày người lao động phải đối mặt với thách thức về giá của nhiều mặt hàng không thể không mua sắm. Vì vậy, việc tăng mức lương tối thiểu cũng như tiền làm thêm giờ của người lao động cần phải được quy định ở mức cao hơn. Vì rằng, vẫn biết thu nhập thực tế của người lao động thường là phải chạy theo giá cả thị trường, nhưng cũng không thể để khoảng cách ấy cứ nới rộng mãi theo thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lương đuổi theo giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO