Lương và vị trí việc làm

Lê Minh Long 23/04/2018 08:30

Trước những bất cập về cách trả lương, việc trả lương theo vị trí việc làm đã được đặt ra từ khá lâu thế nhưng vẫn chưa thể triển khai. Theo nhiều chuyên gia, không thể nói kinh tế quá khó khăn nên không cải cách tiền lương mà càng khó khăn thì càng cần phải cải cách.

Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà trong ngân sách hiện nay có đến 70% dành cho chi thường xuyên; trong chi thường xuyên thì có tới 47% cho tiền lương. Chính vì vậy việc cải cách tiền lương trong khu vực công là vô cùng cấp thiết.

Đánh giá việc thực hiện lương cán bộ, công chức, viên chức theo cơ chế chức nghiệp, ông Chang-hee Lee, giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam thẳng thắn cho rằng, chính sách chi trả tiền lương, đặc biệt trong khu vực công tại Việt Nam tồn tại quá nhiều phức tạp.

“Ví như người có cấp bậc/vị trí cao hơn, song lại hưởng mức lương thấp hơn so với người có cấp bậc/vị trí thấp hơn. Chính sách tiền lương không sắp xếp hợp lý trong quan hệ cấp bậc có thể gây hại đến mối quan hệ làm việc hiệu quả trong một đơn vị nhất định với thẩm quyền thiếu rõ ràng; làm hỏng hoạt động hiệu quả của công chức”- theo ông Chang-hee Lee.

Để đảm bảo công bằng cũng như phát triển cho công chức, viên chức, chúng ta đã nhiều lần cải cách chính sách tiền lương trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương quốc gia. Hệ thống thang, bảng lương cán bộ, công chức, viên chức được thiết kế dựa trên cơ sở quan hệ tiền lương thấp nhất - trung bình - tối đa, bao gồm 9 bảng lương (1 bảng lương chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước, 1 bảng lương chuyên môn nghiệp vụ ngành tòa án, kiểm soát theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11; 1 bảng lương chuyên gia cao cấp, 4 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức, bảng lương nhân viên thừa hành, bảng lương cán bộ chuyên trách cấp xã, 2 bảng lương cấp bậc, quân nhân chuyên nghiệp của lực lượng vũ trang theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP…

Tuy nhiên, chính sách này đến nay cũng đã bộc lộ những mâu thuẫn, bất cập. Trong đó bất cập nhất hiện nay đó là chưa phản ánh đúng giá trị lao động của loại lao động đặc biệt này do duy trì quá lâu chính sách tiền lương thấp và phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước theo kiểu “gọt chân cho vừa giày” với tư duy coi tiền lương là một “khoản chi phí” và do đó chưa thực hiện đầy đủ “trả lương đúng cho người lao động là đầu tư cho phát triển”.

Với chính sách tiền lương không đủ sống hiện nay dẫn đến hệ luỵ không mong muốn là nhiều cán bộ, công chức, viên chức phải tìm nguồn khác ngoài lương để bù đắp phần thiếu hụt ảnh hưởng đến chất lượng lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ công, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.

Xuất phát từ đòi hỏi trên theo Đề án Cải cách tiền lương sẽ có hiệu lực từ năm 2021, công chức cả nước sẽ được trả lương theo năng lực. Cụ thể, cán bộ, công chức sẽ có hai bảng lương, một bảng lương dành cho các chức danh vị trí, một bảng dành cho cán bộ làm công việc thuần túy về chuyên môn.

Cán bộ, công chức, người lao động có trình độ cao hơn thì lương cao hơn, khắc phục bất cập trong chi trả lương theo bằng cấp. Đề án cũng đặt ra định hướng chi trả thu nhập cán bộ, công chức theo thông lệ quốc tế là tỷ trọng lương chiếm không quá 70% thu nhập và phụ cấp không được quá 30%.

Cùng đó, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có quyền chi 10% quỹ tiền thưởng trả thêm cho người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, và có quỹ lương để tuyển dụng nhân tài.

Trả lương theo năng lực, vị trí việc làm không còn là câu chuyện mới, nó được nhắc đến từ lâu thế nhưng dù trải qua nhiều lần cải cách tiền lương vẫn chưa thể thực hiện được. Nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cải cách tiền lương theo vị trí việc làm, PGS.TS Ngô Thành Can- phó trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự - Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, cách tính tiền lương theo hệ thống chức nghiệp đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó phải kể đến việc tạo nên những căn bệnh như quan liêu, tham nhũng, lãng phí và tạo ra sức ì lớn cho công chức thực hiện công vụ.

Cùng với đó, cơ chế làm việc suốt đời khó sa thải dù năng suất làm việc chưa cao phần nào hình thành lối suy nghĩ an phận mà không chú ý đến việc trau dồi kỹ năng, tự học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ.

Là người có nhiều năm nghiên cứu về chính sách tiền lương, ông Phạm Minh Huân- nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH thừa nhận cải cách tiền lương là vấn đề khó khăn, phức tạp nhưng không vì khó mà không làm. Trong suốt quá trình cải cách, vấn đề khó khăn nhất chính là ở khu vực công, do đó tiền lương của khu vực này cần phân phối lại theo vị trí công việc thay vì bằng cấp.

Ủng hộ quan điểm cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm TS Nguyễn Hữu Dũng- nguyên viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng cần phải mở rộng quan hệ tiền lương thấp nhất - trung bình - tối đa phù hợp với độ phức tạp của công việc; thiết kế hệ thống thang, bảng lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp trên cơ sở xác định rõ vị trí việc làm ứng với tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức gắn với xây dựng nền công vụ, dịch vụ công hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giảm mạnh biên chế; cùng với các chính sách phúc lợi khác (nhà ở, giáo dục, y tế...) để bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức, góp phần làm trong sạch bộ máy, chống tiêu cực, tham nhũng từ chính vị trí công việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lương và vị trí việc làm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO