Luyện ngoại ngữ… chui

Tinh Anh 27/01/2021 00:42

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố danh sách gần 500 trung tâm đào tạo ngoại ngữ trên địa bàn đang hoạt động không phép. Trong đó, có những trung tâm đã được cấp phép hoạt động giáo dục nhưng hết hạn, có những trung tâm mới được phép thành lập mà chưa có phép hoạt động giáo dục vẫn thực hiện việc dạy học ngoại ngữ.

Khi hoạt động không phép, đồng nghĩa với việc các trung tâm đào tạo ngoại ngữ này đang giảng dạy “chui”, người học sẽ không có gì để đảm bảo chất lượng đào tạo, cũng như các văn bằng, chứng chỉ do những cơ sở đào tạo ngoại ngữ này cấp. Khi mà không có sự kiểm soát về chất lượng đào tạo, liệu đầu tư hàng chục triệu, thậm chí vài chục triệu và cả trăm triệu đồng, có là sự “đầu tư” mạo hiểm?

Nhiều người học tiếng Anh với mong muốn lấy các chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên để có thể được miễn thi môn tiếng Anh khi thi đại học, hay lấy chứng chỉ TOEIC, TOEFL... để phục vụ những mục đích định sẵn. Nhưng với các trung tâm đào tạo ngoại ngữ hoạt động chui thì những chứng chỉ nói trên không có giá trị vì không được thừa nhận. Vậy là mất một “mớ tiền”, tiêu tốn thời gian để rồi nhận một chứng chỉ vô giá trị.

Nguy cơ rủi ro với quyền lợi người học là như vậy, nhưng không phải ai cũng biết để tìm hiểu xem trung tâm đào tạo ngoại ngữ nào được cấp phép, hay vẫn còn phép chưa bị hết hạn, để vào học. Nhiều người chỉ đơn giản là search trên mạng, thấy trung tâm nào “nghe có vẻ nổi tiếng” là lập tức đóng tiền theo học, bất biết là giấy phép hoạt động của cơ sở giáo dục ngoại ngữ này có có còn hạn sử dụng hay không.

Song, việc người dân phải chịu rủi ro khi nộp tiền vào học những trung tâm đào tạo ngoại ngữ chui, phần lớn trách nhiệm vẫn thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu các sở GD-ĐT, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh mà làm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, thì sẽ không thể có chuyện các trung tâm đào tạo ngoại ngữ hoạt động không phép, khiến người học có nguy cơ tiền mất tật mang.

Vẫn biết mỗi người phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân, phải tự chịu rủi ro khi đầu tư tiền bạc vào việc gì đấy. Song, các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về một vấn đề cụ thể phải có trách nhiệm bảo vệ người dân khỏi mọi nguy cơ đe dọa, dù đó là liên quan đến sức khỏe, tính mạng hay tài sản, tiền bạc. Chẳng phải công dân được Nhà nước bảo hộ về tính mạng và tài sản đó sao?

Chẳng hạn, khi người dân bị cướp thì lực lượng công an không thể nói đó là lỗi của người dân do bất cẩn. Hay một người bệnh do mua phải thuốc rởm bán trên thị trường dẫn đến tử vong, không thể nói đó là lỗi của người dân vì đã không biết mua thuốc thật. Và trong giáo dục cũng vậy, người học chọn nhầm trung tâm đào tạo ngoại ngữ hoạt động không phép, lỗi chính thuộc cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.

Trong trường hợp cụ thể này, để có tới gần 500 trung tâm đào tạo ngoại ngữ hoạt động chui là lỗi của các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Sở GDĐT và chính quyền các quận, huyện. Theo quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực và địa bàn do đơn vị mình quản lý, đảm bảo mọi thứ tuân thủ pháp luật.

Không thể có chuyện sở GDĐT, chính quyền các địa phương hồn nhiên nói rằng, không hề biết có trung tâm đào tạo ngoại ngữ hoạt động chui trên địa bàn, bởi nếu vậy là vô trách nhiệm và cần phải bị xử lý. Ở đây không chỉ đơn giản là rủi ro cho quyền lợi của người học, mà còn nhiều vấn đề phát sinh liên quan, ví như vấn đề an ninh trật tự. Khi không được kiểm soát, ai biết sẽ xảy ra vấn đề gì ở những trung tâm đào tạo chui?

Chưa kể là có thể có đối tượng bị truy nã quốc tế núp bóng giáo viên dạy tiếng nước ngoài tại các trung tâm hoạt động chui, chỉ đơn cử khi xảy ra tranh chấp giữa người học và trung tâm đào tạo ngoại ngữ thì ai sẽ là người đứng ra làm trọng tài để giải quyết? Ngoài ra, rất có thể ở một vài trung tâm đào tạo ngoại ngữ chui lại là “cái nôi” để sản xuất và phát tán các văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ giả, vi phạm pháp luật.

Bài học tại Đại học Đông Đô vẫn còn nguyên tính thời sự. Chính vì sự buông lỏng quản lý của Bộ GDĐT nên lãnh đạo trường này mới có thể tự tung tự tác vi phạm pháp luật, tự mở lớp đào tạo chui, tự cấp bằng cho người học dù không được thừa nhận. Từ hành vi vi phạm pháp luật của Đại học Đông Đô mà đã có hàng trăm người có thể sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả để leo cao, luồn sâu. Thật vô cùng nguy hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luyện ngoại ngữ… chui

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO