Lý do Mỹ khó dập vụ cháy chiến hạm tỷ đô

14/07/2020 14:47

Hệ thống dập lửa trên tàu không hoạt động, nhiệt độ cao và nhiều vật liệu dễ cháy khiến Mỹ khó khống chế đám cháy trên USS Bonhomme Richard.

Đám cháy trên tàu USS Bonhomme Richard sáng 13/7. Video: Facebook/Denis Bondarenko.

Hải quân Mỹ đã huy động hơn 400 thủy thủ phối hợp với các nhân viên cứu hỏa liên bang sử dụng nhiều tàu và trực thăng để nỗ lực dập ngọn lửa bùng phát trên tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard đang neo đậu để bảo dưỡng tại quân cảng San Diego, bang California. Tuy nhiên, sau hai ngày nỗ lực, họ vẫn chưa thể khống chế được đám cháy, khi ngọn lửa bùng phát dữ dội hơn.

Chuẩn đô đốc Philip Sobeck, chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 3 hải quân Mỹ, hôm 13/7 cho biết phần lớn hệ thống dập lửa tự động dùng khí trơ trên tàu USS Bonhomme Richard đã bị vô hiệu hóa trước quá trình bảo dưỡng, khiến ngọn lửa không thể được dập tắt ngay từ đầu. Do hệ thống tự động trên tàu bị ngắt, quá trình phát hiện và cảnh báo hỏa hoạn dựa chủ yếu vào nhân lực trên tàu và bến cảng.

Ngọn lửa bắt nguồn từ khoang cất trữ phương tiện cơ giới, nơi chứa đầy hộp xốp, giẻ thấm dầu và nhiều vật liệu dễ cháy. Ngọn lửa tạo ra nguồn nhiệt lên tới gần 540 độ C, tập trung ở khu vực tháp chỉ huy và mũi tàu. Các thiết bị, dụng cụ nằm rải rác khắp nơi trong quá trình bảo dưỡng tàu cũng gây cản trở quá trình chữa cháy.

"Các đám cháy trên tàu chiến rất khó đối phó. Tôi đã chứng kiến một số vụ hỏa hoạn trên chiến hạm, chúng giống như địa ngục trong không gian hẹp", đô đốc về hưu James Stavridis, cựu chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay Enterprise và cựu tư lệnh Bộ chỉ huy đồng minh châu Âu, cho biết.

Các chuyên gia cho rằng ngọn lửa trên USS Bonhomme Richard rất khó kiểm soát vì con tàu đang trong quá trình bảo dưỡng, khiến quy trình ứng phó thảm họa khó thực hiện hơn nhiều.

"Phần lớn hoặc toàn bộ hệ thống chữa cháy đều bị vô hiệu hóa để bảo dưỡng. Khi nằm cảng, hàng loạt dây cáp và ống dẫn cũng chạy thẳng qua các cửa ngăn, khiến chúng không thể đóng lại trong trường hợp khẩn cấp. Khi lửa đã bùng phát và lan rộng, không có cách nào để kiểm soát nó. Toàn bộ con tàu sẽ giống một ống khói khổng lồ", đại tá hải quân về hưu Earle Yerger, cựu chỉ huy tàu đổ bộ tấn công USS Bataan, nêu quan điểm.

Các sĩ quan Mỹ cho rằng việc thiếu nhân lực cũng khiến nỗ lực khống chế ngọn lửa gặp khó khăn. Khi đám cháy bùng phát, trên tàu USS Bonhomme Richard chỉ có 160 người, thay vì thủy thủ đoàn đầy đủ với hơn 1.100 người.

Thủy thủ đoàn USS Bonhomme Richard chuẩn bị chữa cháy hôm 12/7. Ảnh: US Navy.

Sau hai ngày bùng phát, ngọn lửa đã lan khắp thân tàu, bao trùm phần thượng tầng và cột radar, khiến một phần cấu trúc này bị nóng chảy và đổ sập. Đài chỉ huy và các khoang tác chiến trên thượng tầng cũng bị lửa thiêu rụi.

Hải quân Mỹ cho biết gần 60 người đã bị thương do vụ cháy, trong đó 5 người nằm viện và hiện sức khỏe ổn định.

Chuẩn đô đốc Sobeck cho rằng con tàu vẫn có thể được cứu, nhưng đại tá Yerger cho rằng nó đã vô phương cứu chữa. "Bạn sẽ không thể sửa chữa nó. Con tàu này đã 23 tuổi, tốt nhất là kéo nó ra biển và đánh đắm ở một khu vực nào đó, sau đó bắt đầu đóng mới một tàu đổ bộ lớp America", ông nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lý do Mỹ khó dập vụ cháy chiến hạm tỷ đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO