Ma trận giống cây trồng bủa vây người dân

Tuấn Anh 08/06/2017 09:04

Tây Nguyên vào mùa mưa cũng là lúc các hộ nông dân bước vào mùa trồng mới và tái canh vườn cây của gia đình. Với mong muốn mua được những loại giống tốt, cho năng suất chất lượng cao, bà con thường tìm đến địa chỉ tin cậy là Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (gọi tắt là Viện Ea Kmát, ở xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Một số cơ sở sản xuất giống nhái biển hiệu Ea Kmat.

Thế nhưng do sự thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng nên xung quanh Viện Ea Kmat xuất hiện rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nhái tên, nhái biển hiệu Ea Kmat để sản xuất giống tràn lan và không có sự kiểm định về nguồn gốc, chất lượng.

Để chuẩn bị giống cho việc tái canh 2,5 diện tích cà phê già cỗi, ông Y Nhang Niê, ở buôn Ba Yang (xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đã chạy xe máy gần 100km đến xã Hòa Thắng với mong muốn tìm mua được giống của Viện Ea Kmat để nâng cao năng suất, sản lượng.

Thế nhưng khi đến đây ông hoa cả mắt vì chỗ nào cũng treo biển giống cây trồng Ea Kmát. Ông không biết chọn chỗ nào đúng để mua giống tốt sau này trái tốt, dễ hái.

Tới đâu cũng thấy họ ra chào mời đây là giống tốt của Viện Ea Kmat, tự giới thiệu là người trong viện ra mở thêm cơ sở này để kinh doanh nên cứ yên tâm về chất lượng. Không những vậy họ còn mời chào nếu mua nhiều sẽ được giảm giá và tặng thêm cây giống.

Mùa mưa năm nay, anh Đỗ Thành Luân (ở xã Ea Pam, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) tính xuống giống thêm mấy trăm cây ăn quả xen canh trong vườn cà phê.

Sau khi tìm hiểu các thông tin anh đã tìm đến địa chỉ trên đường Nguyễn Lương Bằng, là nơi cung cấp giống của Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Ea Kmat để mua giống. Anh Luân cho biết, đi tới đây thấy ai cũng cũng ghi biển “Ea Kmat” và giới thiệu là giống tốt, đảm bảo chất lượng.

“Với người nông dân như chúng tôi cái khổ nhất là mua phải giống không đảm bảo chất lượng. Bởi cây giống mua về phải trồng chăm sóc đến 3, 4 năm sau mới cho thu hoạch, mua đúng giống tốt thì coi như hên vì còn mua trúng giống xấu thì người dân ngặm quả đắng. Nếu ít quả, năng suất không có bà con phải chặt bỏ tốn bao công sức, tiền của”- anh Luân nói.

TSTrần Vinh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Ea Kmat- thuộc Viện Ea Kmat cho biết, hiện tại đơn vị chỉ có một điểm giao dịch duy nhất ở số 53 Nguyễn Lương Bằng, TP Buôn Ma Thuột.

Việc sản xuất giống của Trung tâm trải qua quy trình hết sức nghiêm ngặt bằng dây chuyền công nghệ cao, có giá trị hàng tỷ đồng. Trước khi xuất ra thị trường, cây giống này còn phải qua khâu kiểm định chất lượng một lần nữa, nên hoàn toàn sạch bệnh. TS Vinh khẳng định, với việc sản xuất thủ công trong điều kiện thiếu an toàn, các cơ sở giống cây trồng tư nhân không thể cho ra sản phẩm sạch bệnh và đảm bảo chất lượng.

Trong khi việc sản xuất cây giống ở Viện Ea Kmat trải qua quy trình bài bản thì các cơ sở tự phát chỉ ươm giống bằng cách làm thủ công với quy trình đơn giản.

Tại thôn 2, thôn 8, thôn 11, xã Hòa Thắng, hàng trăm hộ làm vườn ươm không đăng ký hoạt động, nhưng cây giống bán ra thị trường có số lượng lớn.

Chị Phạm Thị Tình, chủ một vườn ươm ở thôn 2, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột thừa nhận: Thấy người ta sản xuất giống cho thu nhập cao nên chúng tôi cũng làm.

Gia đình lập cơ sở nhưng không có giấy phép, hay đăng ký thủ tục gì cả. Tuy nhiên, ở đây làm giống đảm bảo chứ không làm giống vớ vẩn, ví dụ như cây bơ mình mua của người quen họ trồng, mình nhìn thấy trái, nên mua về ghép. Cà phê thì đến rẫy của người quen, biết họ trồng giống cà phê gì thì mình mua chồi về sản xuất.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Đắk Lắk, kết quả kiểm tra mới đây tại 36 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cho thấy, tình trạng sản xuất, kinh doanh giống cây trồng không rõ nguồn gốc, chất lượng kém đang diễn biến phức tạp.

Đa số các cơ sở sản xuất giống đều sử dụng vật liệu nhân giống từ cây trong vườn nhà, không đăng ký hoạt động và chưa được cơ quan chức năng công nhận đảm bảo chất lượng.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Quốc Thích- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Trồng trọt bảo vệ thực vật thì hiện nay tỉnh có trên 300 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cây trồng các loại, trong đó có rất nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, khiến cho công tác kiểm tra rất khó khăn vì họ không phối hợp với các đoàn thanh kiểm tra.

Để xảy ra tình trạng tràn lan giống cây trồng không phải chỉ riêng mỗi ngành nông nghiệp, bởi vì trong lĩnh vực kinh doanh có luật kinh doanh. Ngành nông nghiệp quan tâm vấn đề chất lượng cây giống, tuy nhiên muốn làm được cái này thì các ngành phối hợp với nhau.

Cũng theo ông Thích, để đảm bảo việc kiểm soát cây giống, chất lượng cây giống thì bà con khi mua giống phải đề nghị cơ sở cây giống đó phải có hóa đơn chứng từ cụ thể, để sau này khi xảy ra một sự việc gì thì cơ quan chức năng mới có cơ sở để vào cuộc, xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ma trận giống cây trồng bủa vây người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO