Ma trận quảng cáo thực phẩm chức năng

Đức Trân 15/04/2023 07:00

Thực phẩm chức năng được quảng cáo có công dụng như thuốc chữa bệnh là vấn đề không mới, tuy nhiên, với sự bùng nổ của các phương tiện công nghệ thông tin, mạng xã hội, thời điểm hiện tại, người dân như lạc vào ma trận các loại sản phẩm được quảng cáo như “thần dược”.

Hàng chục nghìn sản phẩm thuốc tân dược không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ. Ảnh: TL.

Sản phẩm nào cũng có tác dụng “tốt nhất”

Bất chấp những lời cảnh báo từ chuyên gia y tế, dư luận xã hội và các quyết định xử phạt từ cơ quan chức năng, vấn nạn quảng cáo thực phẩm chức năng sai công dụng, sự thật không chỉ bớt đi, mà thực tế là càng ngày càng được nâng cấp, tăng tần suất và hiện diện khắp thành thị tới nông thôn, vào từng nhà và trong từng chiếc điện thoại, máy tính người dùng.

Thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 10 ngày gần đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt hơn 10 sản phẩm thực phẩm chức năng vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Hiểu một cách đơn giản, ngày nào cũng có sản phẩm chức năng bị xử phạt vì quảng cáo “nổ”.

Một trường hợp điển hình, cục An toàn thực phẩm đã đưa ra cảnh báo về sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên khớp Joint Relief Plus, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đông trùng hạ thảo Bách Niên, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ngọc Mỹ Nữ Plus được quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.

Trao đổi về vấn đề này, TS Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: “Các hành vi vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt là việc sử dụng các từ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất"… để quảng cáo sản phẩm”.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng phát đi cảnh báo về việc thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Được biết, sản phẩm này đã quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, trong khi thực tế đây chỉ là các thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, sản phẩm mà Cục An toàn thực phẩm cảnh báo nói trên là một loại sữa hạt hỗ trợ người bệnh tiểu đường được quảng cáo bằng những ngôn từ “có cánh” như: "Dòng sữa tiểu đường NutriZabet siêu tái tạo"; “dùng 1 lần hiệu quả dài lâu”; hay “Xua tan nỗi lo bệnh tiểu đường”...

Thậm chí, trên một trang web chuyên bán loại thực phẩm chức năng này, một người được cho là đã sử dụng loại sữa nói trên khẳng định: “Khi mà sử dụng thì tôi thấy là bây giờ ăn uống ngon miệng hơn, ngủ sâu giấc. Ngủ một mạch đến sáng mà không hề phải dậy đi tiểu đêm. Tôi lại tăng cân trở lại. Chỉ số đường huyết của tôi thì ổn định…”.

Đồng thời, cũng tại trang web nói trên, hình ảnh của nhiều bác sĩ, chuyên gia được cũng được sử dụng để làm “minh chứng” cho tác dụng của sản phẩm.

Hàng loạt trang Facebook mạo danh Bệnh viện 103 với mục đích bán thực phẩm chức năng.

Mạo danh bệnh viện, bác sĩ để quảng cáo

Thực tế cho thấy, hành vi sử dụng uy tín của các chuyên gia để “nổ” về tác dụng của sản phẩm không hề hãn hữu. Thậm chí, vì lợi nhuận, người bán thực phẩm chức năng còn sẵn sàng mạo danh các chuyên gia y tế, các bệnh viện lớn với mục tiêu tạo niềm tin và thu hút người sử dụng.

Bằng chứng là thời gian gần đây, hàng loạt các trang web, các trang fanpage mạo danh Bệnh viện Quân y 103 đã được thành lập với mục đích chào bán thực phẩm chức năng. Thậm chí, có trang web được thiết kế với giao diện khá giống trang web của Bệnh viện Quân y 103, sử dụng logo, slogan và nhiều thông tin, hình ảnh hoạt động của bệnh viện.

Đại diện Bệnh viện Quân y 103 cho biết, những năm qua, đặc biệt là từ năm 2019 đến nay, bệnh viện nhận được nhiều thông tin phản ánh một số trang web, trang mạng xã hội sử dụng thông tin, hình ảnh, logo hoặc cắt ghép hình ảnh của cán bộ, nhân viên bệnh viện để quảng cáo, bán thuốc, thực phẩm chức năng. Đây là các hành vi mạo danh với mục đích lừa đảo để trục lợi. Đại diện bệnh viện khẳng định không có chủ trương, không tổ chức quảng cáo, giới thiệu, bán bất kỳ loại thuốc, thực phẩm chức năng nào qua internet.

Không chỉ riêng Bệnh viện Quân y 103, nhiều cơ sở y tế có uy tín cả trong và ngoài quân đội cũng đang bị các đối tượng xấu mạo danh với mục đích trục lợi.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong những năm gần đây đã có rất nhiều cơ sở quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm cho người mua giữa thực phẩm bảo vệ sức khỏe với thuốc chữa bệnh bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt.

Ông Phong cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng, đặc biệt là các quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Google, Facebook, YouTube...

“Đang có tình trạng đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo. Thời gian qua cũng tồn tại nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật. Cụ thể, theo luật quy định, các đơn vị chỉ được quảng cáo thực phẩm chức năng những nội dung đã được đăng ký, thẩm định và cơ quan chuyên môn cho phép. Thực tế, nhiều đơn vị cố tình vi phạm về thực phẩm chức năng. Đó là sản xuất sản phẩm thực phẩm chức năng không đúng như đăng ký công bố sản phẩm; nhà sản xuất vì lợi nhuận cho thêm chất cấm, chất độc hại vào thực phẩm chức năng ảnh hưởng đến bệnh tật, nguy hiểm tính mạng người dùng” - ông Phong chia sẻ.

Thực phẩm chức năng không phải là thuốc

Theo TS Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, có nhiều cách để nhận diện những sản phẩm kém chất lượng, vi phạm quy định về quảng cáo, trong đó, dấu hiệu đầu tiên đó là những sản phẩm quảng cáo thổi phồng công dụng thực sự của sản phẩm. Bởi thực chất, thực phẩm chức năng là những sản phẩm hỗ trợ chức năng, các bộ phận cơ thể của con người, có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh. Đây là những sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm truyền thống và thuốc.

Tuy nhiên, thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, không được phép quảng cáo hay ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh. Đồng thời, cũng không được dùng hình ảnh, uy tín, danh nghĩa của cán bộ y tế, của cơ sở y tế để quảng cáo. Do vậy, khi thấy các sản phẩm đang quảng cáo có những nội dung quảng cáo hoặc hình thức quảng cáo thực phẩm chức năng gây nhầm lẫn với công dụng của thuốc chữa bệnh, người tiêu dùng không nên mua, không tin, không sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ma trận quảng cáo thực phẩm chức năng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO