‘Ma túy’ game

Tinh Anh 27/03/2021 06:34

Nghiện game, một thiếu niên đã giết bạn chiếm đoạt tài sản, một nữ giáo viên sẵn sàng ăn cắp điện thoại mang bán. Nhiều người không hiểu vì sao như vậy, bởi chỉ có những thứ gây nghiện mới khiến con người ta mất đi lý trí, như heroin, thuốc lắc... Thực ra, game chính là “chất gây nghiện” mà nhiều người không biết đến.

Mới đây thôi, liên tiếp xảy ra những vụ việc vừa đau lòng, vừa khiến dư luận cảm thấy chua xót. Một thiếu niên 16 tuổi đã giết bạn, chiếm đoạt tài sản để thỏa mãn cơn nghiện game của mình. Một nữ giáo viên sẵn sàng đánh đổi nhân cách để trộm chiếc điện thoại của người quen, bán đi lấy tiền thỏa mãn cơn nghiện game của bản thân.

Nhiều người không thể hiểu được, vì sao có những người nghiện game đến mức có thể quên đi bản thân, không màng đến sĩ diện, nhân cách, chỉ cốt sao thỏa mãn được thú vui chơi game. Song, các chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng, những người nghiện game cũng giống như những người nghiện ma túy, nghiện rượu, khi “lên cơn”, họ không còn lý trí kiểm soát hành vi của bản thân nữa.

Trong thực tế, cả trong nước cũng như quốc tế, có không ít người ở mọi lứa tuổi nghiện game đến mức ngồi lì hàng ngày, vài ngày trước máy tính, không cần ăn, không cần ngủ. Nhiều trường hợp đã bị ngất xỉu, bất tỉnh nhân sự vì bị suy nhược cơ thể, vì phải căng ra để “chiến” game trong nhiều giờ đồng hồ dẫn đến quá tải.

Chẳng thế mà các cơ quan chức năng trên toàn thế giới đã phải đưa ra cảnh báo, thậm chí quy định, yêu cầu các hãng sản xuất game phải có biện pháp giới hạn thời gian của người chơi. Đó là lý do mà hầu hết các trò chơi đều có số lượt chơi (thường là 5), khi hết số lượt sẽ phải đợi trong thời gian nhất định chứ không thể chơi liền mạch.

Song, đó cũng chỉ là cách mà các công ty game “qua mắt” các cơ quan chức năng. Bởi lẽ, nếu người chơi game bỏ tiền để mua lượt, thì có thể ngồi triền miên hết giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Đây chính là lỗ hổng phát sinh tội phạm hình sự, đánh mất liêm sỉ, nhân cách của không ít người nghiện game.

Thay vì dừng chơi sau khi hết lượt (mạng), người nghiện game có thể nạp tiền để thêm lượt chơi cho đến khi nào cạn túi. Mà làm gì có ai có tiền để đổ mãi vào các trò chơi điện tử. Vì thế, khi hết tiền họ phải nghĩ cách để “xoay”. Tiền nhà không đủ thì vay mượn, vay mượn không xong thì sẽ trộm cắp, cướp giật để có tiền chơi game.

Đó là mới chỉ bàn đến hình thái đơn giản nhất là người nghiện game bỏ tiền ra mua thêm lượt chơi. Trong hầu hết các game còn cho phép người chơi mua thêm “đồ” để có thể dễ dàng chiến thắng, lên level cao hơn. Mua “đồ” thì cần phải có tiền, vì thế trong trường hợp “bí” tiền thì việc trộm cắp, cướp tài sản là điều khó tránh khỏi.

Nguy hiểm ở chỗ, theo khuyến cáo của các chuyên gia tâm lý, những người nghiện game không khác gì những người nghiện ma túy hay nghiện rượu. Khi “lên cơn”, họ sẵn sàng làm mọi thứ, đánh đổi mọi điều, chỉ cốt sao ngay lập tức có tiền đổ vào game nhằm thỏa mãn cơn nghiện. Đó chính là nguyên nhân phát sinh tội phạm hình sự.

Nói vậy có thể có ý kiến không phục, cho rằng game đâu có phải là ma túy hay rượu, tác động trực tiếp vào cơ thể để gây ra cơn nghiện. Quan niệm như vậy là hoàn toàn sai lầm. Ma túy hay rượu khi được sử dụng thường xuyên sẽ tác động lên hệ thần kinh gây ra cảm giác quen dần, tạo thành phản xạ có điều kiện khó bỏ. Vậy thì game cũng vậy, nó tác động lên hệ thần kinh, khiến người nghiện có cảm giác “nhớ” khi không được chơi.

Đó chính là lý do trên thực tế đã có nhiều người (chủ yếu là thanh thiếu niên) chơi game trong nhiều giờ dẫn đến bất tỉnh nhân sự phải đi cấp cứu. Nhiều trường hợp để thỏa mãn việc chơi game đã không ngần ngại phạm tội hình sự như trộm cắp, cướp tài sản. Khi phạm tội, trong đầu họ chỉ có một ý nghĩ: Có tiền để chơi game.

Các vị có thể kiểm nghiệm phân tích trên bằng việc thử thu điện thoại của con cái trong một thời gian nhất định. Khi đó hầu hết các phụ huynh sẽ thấy con cái cảm thấy đờ đẫn, chúng trở nên cáu kỉnh, khó bảo hơn thường ngày rất nhiều. Đó chính là dấu hiệu của chứng nghiện game mà thường ngày phụ huynh chưa nhìn ra được.

Đáng tiếc là ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới chưa có bất cứ quy định hay chế tài nào đủ mạnh để răn đe những nhà sản xuất game, nhằm khống chế sự nghiện game của người chơi, nhất là giới trẻ. Chỉ có quy định giới hạn giờ chơi, nhưng các nhà phát hành game sẵn sàng có chiều “lách luật” một cách dễ dàng.

Vậy nên, thay vì chờ đợi những biện pháp hành chính từ các cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh cần có những biện pháp của riêng mình để con cái tránh khỏi việc nghiện game dẫn đến phạm tội, hư hỏng. Khi đã lọt vào “ma trận” của game, dù là thanh thiếu niên hay người lớn tuổi đều không thể tự khống chế bản thân nữa, dẫn đến đánh mất liêm sỉ, lòng tự trọng của bản thân. Ma túy game rất nguy hiểm, hãy để mắt đến nó!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Ma túy’ game

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO