Sáng 24/3, tấm bia lưu niệm ghi dấu nơi ra đời báo Cứu Quốc (Đại Đoàn Kết ngày nay) bằng đá nguyên khối nặng khoảng 5 tấn đã được dựng lên ở nhà truyền thống thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân (Sóc Sơn - Hà Nội). Có một khoảng trời Cứu Quốc mãi mãi còn lại ở nơi này, trong ký ức những người dân làng Xuân Kỳ và những người làm báo Đại Đoàn Kết hôm nay.
Tháng 9/1941, Hội nghị cán bộ toàn xứ Bắc Kỳ họp trong 3 ngày 25, 26, 27 tại làng Dương Húc, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) để nghe đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, phổ biến toàn bộ nội dung nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương tháng 5/1941. Hội nghị cán bộ toàn xứ Bắc kỳ đã thảo luận và quyết nghị 14 vấn đề, trong đó có “Vấn đề tuyên truyền và huấn luyện”.
Lúc đó, Trung ương Đảng chủ trương xuất bản một tờ báo làm cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, phát hành rộng rãi trong các tổ chức của Mặt trận. Vì vậy, về “Vấn đề tuyên truyền và huấn luyện”, Hội nghị cán bộ toàn xứ Bắc Kỳ quyết nghị: “Các cấp bộ phải giúp đỡ tờ báo của Việt Minh sắp xuất bản nay mai, phải vận động quần chúng ủng hộ về tài chính, phải tổ chức công tác lấy tin, phải viết bài và vận động quần chúng viết bài cho tờ báo và nhất là bài vở cần sát với trình độ quần chúng và phải phản chiếu đời sống của nhân dân”.
Ngày 25/1/1942, báo Cứu Quốc số 1 – Cơ quan cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng minh ra đời, tòa soạn đặt tại làng Xuân Kỳ, tổng Phù Lỗ, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Toà soạn lúc ấy chỉ có 3 người: Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, Ban Biên tập có các đồng chí Lê Quang Đạo và Lê Toàn Thư.
Bây giờ ở nhà truyền thống thôn Xuân Kỳ, vẫn còn nguyên những hình ảnh về Tổng Bí thư Trường Chinh và các nhà cách mạng Lê Quang Đạo, Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt... những người không chỉ là lãnh đạo cấp cao của cách mạng, của Mặt trận mà còn đều đã trực tiếp làm báo Cứu Quốc.
Cách đây gần 80 năm, tờ báo Cứu Quốc ra đời trong một cái nôi lớn là sự chở che, đùm bọc của nhân dân. Ở nhà truyền thống, còn ghi tên các gia đình đã nuôi cán bộ Việt Minh, chính dưới mái tranh nghèo, tờ báo Cứu Quốc ra đời và trở thành một tờ nhật báo quan trọng và lớn bậc nhất vào thời kỳ đó.
Cho đến cách đây khoảng hơn 20 năm, nhà truyền thống thôn Xuân Kỳ được xây dựng lên, trong đó có phần quan trọng là lưu giữ ký ức nơi ra đời báo Cứu Quốc, cũng nhờ tấm lòng của nhân dân, 6 hộ gia đình đã hiến đất để chính quyền địa phương xây dựng nhà truyền thống.
Tấm bia ghi dấu nơi ra đời báo Cứu Quốc lần này được dựng lên ở đây, nằm trong số những hoạt động hướng tới 80 năm ngày ra đời tờ báo, một lần nữa nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân trong thôn và chính quyền xã. Bí thư chi bộ thôn Xuân Kỳ nói với chúng tôi rằng 2 đêm liền ông không ngủ, để lo cho việc dựng tấm bia được chu toàn.
Thời điểm tấm vải đỏ được kéo lên, tấm bia lấp lánh dòng chữ Cứu Quốc – Giải Phóng – Đại Đoàn Kết vừa trang trọng vừa gần gũi hiện ra là lúc cảm xúc dâng trào. Nói như ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thì tình cảm của bà con nhân dân xã Đông Xuân là nguồn động viên to lớn để đội ngũ báo tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng. Hay trong niềm xúc động, ông Lê Anh Đạt - Phó Tổng biên tập phụ trách báo Đại Đoàn Kết nói rằng những người làm báo hôm nay luôn nhớ về mảnh đất nơi tờ báo ra đời với lòng biết ơn vô hạn, sự chí tình chí nghĩa của nhân dân là động lực để đội ngũ những người làm báo Đại Đoàn Kết phấn đấu tiếp nối thật xứng đáng với truyền thống gần 80 năm qua.
Tấm bia đặt trong khuôn viên Nhà truyền thống thôn Xuân Kỳ là hoạt động mở đầu cho rất nhiều hoạt động hướng tới 80 năm Cứu Quốc – Giải Phóng – Đại Đoàn Kết. Mùa này, bên tấm bia vừa được dựng lên, hoa trái đang tỏa hương sắc rực rỡ. Sẽ không có gì bị quên lãng ở nơi này, mảnh đất trên nền nhà truyền thống hôm nay là nơi đã ra đời một tờ báo có đóng góp vô cùng to lớn cho cách mạng, cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Sẽ không có gì bị quên lãng ở nơi này - trong ký ức những người dân và trong ký ức những người làm báo. Mong mỏi của nhân dân ở đây là nơi này sẽ được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia.
Người cũ không còn, nhưng lịch sử nơi này thì còn mãi, không phải chỉ ở những bức ảnh còn lại, mà cả trong những câu chuyện còn được truyền kể lại trong ký ức người dân. Với riêng những người làm báo Đại Đoàn Kết, nơi này mang một ý nghĩa lịch sử sâu nặng, từ nay được khắc ghi trên tấm bia đá.
Một khoảng trời Cứu Quốc - Đại Đoàn Kết đã đọng lại ở nơi này. Một khoảng trời mãi mãi ngát hương hoa.