Mai Tuyết Hoa và xẩm

Nguyễn Quang Long (Nhà lý luận âm nhạc) 28/05/2019 19:08

Mai Tuyết Hoa được biết đến là người đầu tiên hát điệu xẩm tàu điện trong dự án của những nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật hát xẩm nỗ lực đưa thể loại ca hát dân gian độc đáo này trở lại.

Mai Tuyết Hoa và xẩm

Sở đoản thành sở trường

Mai Tuyết Hoa không phải một giọng hát chuyên nghiệp, nên ở điểm khởi đầu, hát là một hạn chế của Hoa. Ngược lại, Hoa lại là người được đào tạo bài bản về đàn nhị từ nhỏ ở 2 cái nôi đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp uy tín là Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Đó là một lợi thế dẫn đường để Hoa sớm từ cộng tác viên đến thành viên chính thức của Viện Nghiên cứu Âm nhạc ngay từ khi còn rất trẻ, chưa đầy 20 tuổi. Một giọng hát không chuyên sâu về hát, biết chơi đàn nhị, một dân âm nhạc chuyên nghiệp và có thêm những kiến thức chuyên sâu từ quá trình công tác tại cơ quan chuyên nghiên cứu âm nhạc… Tất cả đã biến thành lợi thế, thành vốn liếng quý giá để Mai Tuyết Hoa bước vào thế giới của những câu xẩm. Vì xẩm cần những thứ như vậy.

Nếu mang tư duy của một người hát chuyên nghiệp vào những câu hát có khi lại biến xẩm trở thành một thứ âm nhạc khuôn thức, “đóng hộp”, không còn là xẩm nữa. Xẩm không cần như thế, hát xẩm thì cứ phải nhở nha nhở nhơ, chân thực nhất có thể, vừa gần gũi nhưng cũng cần thi vị hóa nhất có thể. Buồn thì phải buồn thật, vui thì phải vui thật, xót xa thì phải xót xa thật. Chứ ở đó không có chỗ cho những màu mè hoa lá. Trong khi, nếu không biết chơi một nhạc cụ nào đó trong dàn nhạc xẩm thì chưa phải là hát xẩm. Linh hồn của xẩm phải là một trong hai cây đàn, đó là bầu hoặc nhị, chí ít cũng phải biết cầm trống, sênh. Trong quá trình tồn tại và phát triển của hát xẩm, từ khoảng gần một trăm năm trở lại đây, cây đàn nhị chiếm ưu thế hơn cả.

Trong thời gian gắn bó với Viện Âm nhạc thì Hoa đã được tiếp xúc với những câu hát xẩm qua băng đĩa tư liệu của Viện, lại giữa lúc hát xẩm đang có nguy cơ mai một do lúc bấy giờ gần như chỉ còn duy nhất một nghệ nhân hành nghề, đó là cụ Hà Thị Cầu ở Ninh Bình, và một nghệ sĩ, nhạc sĩ, giảng viên âm nhạc lừng danh, tên tuổi gắn với cây đàn nhị là Thao Giang đang khát khao khôi phục, vực dậy nghệ thuật hát xẩm. Gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Mai Tuyết Hoa sinh ra như là để dành cho hát xẩm.

Khởi đầu từ “Giăng sáng vườn chè”

Thao Giang là một nhạc sĩ, tác giả của nhiều tác phẩm đàn nhị bây giờ được coi là kinh điển trong âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam, nổi bật nhất là “Kể chuyện ngày mùa”. Ông chính là người đã nhìn thấy ở Mai Tuyết Hoa những ưu điểm phù hợp với hát xẩm. Vị nhạc sĩ này cũng có biệt tài “kích động” khiến cho người tiếp cận từ cảm giác “không thể” trở thành “có thể”. Với Mai Tuyết Hoa ông đã áp dụng thành công “chiêu” của mình, khiến Mai Tuyết Hoa tin rằng mình có thể hát xẩm được, thậm chí hát hay nếu chịu khó học tập, trau dồi những câu hát và tiếng đàn.

Cỡ cuối năm 2005 tôi tình cờ tiếp xúc với Thao Giang khi vị nhạc sĩ tài ba này đến phòng thu Dihavina. Lúc bấy giờ, tôi đang ở cương vị Phó ban không có Trưởng ban của Ban Biên tập NXB Âm nhạc. Nghe vị nhạc sĩ nói về xẩm, về mong muốn vực lại xẩm cho Hà Nội, tôi cũng bị thuyết phục và gắn với xẩm từ đó. Cũng qua đây, tôi biết đến Mai Tuyết Hoa. Trong nỗ lực và phạm vi hoạt động của mình, ngay sau đó tôi đã thực hiện một dự án album có tên Xẩm Hà Nội với 7 điệu/bài xẩm vốn đã rất phổ biến xưa kia ở Hà Nội nhưng hoàn toàn vắng bóng trong những thập niên gần đây. Ở đĩa xẩm đó, Mai Tuyết Hoa được chọn là người hát điệu xẩm tàu điện trong bài “Giăng sáng vườn chè”; đồng thời Hoa còn hát chung với nghệ sĩ Thanh Ngoan một bài xẩm khác là “Lỡ bước sang ngang” cũng khai thác điệu xẩm tàu điện. Hai bài xẩm này sau đó đã nhanh chóng phổ biến và lan tỏa trong đời sống âm nhạc, đến với những người yêu âm nhạc truyền thống dân tộc. Mai Tuyết Hoa có thể được coi là một trong số ít nghệ sĩ đầu tiên hát điệu xẩm tàu điện đặc trưng của phố phường Hà Nội, khi điệu xẩm này thức giấc sau một quá trình dài ngủ quên.

Kể từ đó, hoạt động âm nhạc của Mai Tuyết Hoa ngả hẳn về với hát xẩm, vừa đàn, vừa hát những bài xẩm tàu điện phục hồi, và cả những bài xẩm cổ truyền chốn thôn quê do cố nghệ nhân Hà Thị Cầu truyền dậy trực tiếp.

Trong chặng đường hoạt động nghệ thuật của Mai Tuyết Hoa, cũng không thể không kể tới sự góp sức hết mình trong việc giới thiệu, lan tỏa hát xẩm nói chung, nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa nói riêng tới đông đảo công chúng, đặc biệt những công chúng thuộc tầng lớp tinh hoa của đất nước cũng như hải ngoại của GS Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

Khai thác thêm những tính cách khác của giọng hát

Từ góc độ một người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, ngay từ đầu tôi đã nhìn thấy Mai Tuyết Hoa còn có những tính cách khác trong giọng hát, chứ không chỉ một chất trữ tình nhè nhẹ như không gian của “Giăng sáng vườn chè” mang lại. Và điều ấy được phát huy khi sau một thời gian dài gắn bó với nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam do GS.TS.NGND Phạm Minh Khang làm Giám đốc, nhạc sĩ Thao Giang làm Phó giám đốc, góp sức phục hồi, phát huy hát xẩm, khi mọi công việc và sứ mệnh đã dần hoàn thành, nhiều thành viên kỳ cựu như nhạc sĩ Hạnh Nhân, nghệ sĩ Thanh Ngoan, nghệ sĩ Tự Cường… đã trở lại với những hoạt động nghệ thuật cũ của mình, chúng tôi (Mai Tuyết Hoa, Khương Cường và tôi) quyết định thành lập nhóm riêng với tên gọi Xẩm Hà Thành. Khi ấy, mới có điều kiện thoải mái thử nghiệm và khám phá vẻ đẹp của xẩm, cũng như khả năng của mỗi thành viên.

Tôi còn nhớ khi sự kiện dàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014, tôi đã sáng tác bài xẩm sai Tiễu trừ cướp biển, trong đó khai thác và đẩy mạnh yếu tố hát nói, đối thoại kết hợp với chất kịch tính trong hát xẩm đưa vào trong bài xẩm hát trên nền điệu hát sai. Mai Tuyết Hoa được tôi hướng tới một giọng hát thật chua ngoa, phải tạo một không khí giống như kiểu bốp chát, vỗ thẳng vào mặt đối tượng bị chỉ trích trong tác phẩm. Mai Tuyết Hoa lúc đầu cũng ngỡ không thể thể hiện được, bởi điều đó có thể vượt quá khả năng của bản thân. Song, tôi yêu cầu Mai Tuyết Hoa phải tập trung hết sức, phải làm sao tạo ra một không gian mà giống như câu chuyện vui vui của làng quê là một bà mất trộm gà không biết kẻ trộm là ai thì ra giữa đường làng chửi đổng cho cả làng cùng nghe với niềm tin, kiểu gì trong đó cũng có thủ phạm. Vui vui vậy mà đến buổi thu chính thức, Mai Tuyết Hoa đã làm được. Vì thế, bên cạnh sự lên án do những giọng nam đảm nhận, thì Mai Tuyết Hoa xuất hiện ở sau đó, như bồi thêm lửa vào nội dung lên án, khiến cho tác phẩm trở nên sinh động. Tôi nhớ mãi, đầu năm 2015, khi nhóm trình diễn bài này ở Paris (Pháp) trong một hoạt động chào Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc, rất nhiều du học sinh và bạn trẻ gốc Việt đã tới xung quanh nhóm xẩm vừa hát những câu hát lặp đi lặp lại của bài xẩm sai, vừa nhìn Mai Tuyết Hoa và cười một cách rất sảng khoái.

Thêm một lần nữa, tính chất đanh đá trong giọng hát được khai thác vào trong loạt trong bài Xẩm Cá chết, Xẩm Đường lưỡi bò với yêu cầu Mai Tuyết Hoa có một đoạn hát như nói, nói trên nền nhạc điệu đang xuyên suốt từ đầu tác phẩm và lại phải đẩy lên cao trào, vừa phải lột tả được nỗi đau, vừa rất đanh quánh lại phải vừa thể hiện được cái trách nhiệm, tình cảm của người hát trong câu hát. Mai Tuyết Hoa đã làm được.

Đường thênh thang nhưng không dễ bước

Nói con đường âm nhạc gắn với hát xẩm của Mai Tuyết Hoa gặp nhiều thuận lợi thực sự không sai khi có nhiều sự chung sức và cùng bước đi, nhưng không vì thế mà nó trở nên dễ dàng. Bởi lẽ trong nghệ thuật thì không ai có thể thay thế được chính bản thân mỗi người nghệ sĩ, tất cả những điều có được từ xung quanh chỉ là sự gợi mở. Trong khi, sự gợi mở cũng chỉ mang tính tượng hình, đòi hỏi nghệ sĩ phải tư duy và cảm nhận, rồi thể hiện những điều đó qua giọng hát. Làm được hay không, thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào khả năng cũng như sự kiên trì của bản thân nghệ sĩ. Mai Tuyết Hoa cũng ý thức được điều này và cho tới tận thời điểm này vẫn không ngừng luyện tập trau dồi nghề nghiệp, tìm tới những nghệ sĩ thế hệ trước để học hỏi, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu hễ nghe được tin ở đó có nghệ nhân hát xẩm, hoặc có khi chỉ là một người già biết một vài bài xẩm. Bền bỉ hơn 20 năm thăng trầm với xẩm, đến giờ này Mai Tuyết Hoa mới đủ tự tin để chuẩn bị cho ra mắt album đầu tiên cũng chỉ với cái tên rất mộc: “Xẩm - Mai Tuyết Hoa vol 1”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mai Tuyết Hoa và xẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO