Mầm non ngoài công lập: Đợi nguồn vốn hỗ trợ ‘về tay’

03/05/2022 16:02

Trong suốt 2 năm dịch bệnh vừa qua, hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều trường đã phải đóng cửa vì không đủ nguồn lực duy trì.

Giải “cơn khát” kèo dài

Mới đây, Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng về tín dụng ưu đãi với các cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, mức vốn cho vay tối đa là 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục.

Nhiều trường mầm non tư thục mong mỏi từng ngày nguồn vốn vay hỗ trợ.

Mức cho vay cụ thể đối với mỗi trường hợp do Ngân hàng Chính sách xã hội xác định dựa trên phương án vay vốn. Lãi suất cho vay 3,3%/năm. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng.

Vốn vay dùng để sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19; mua sắm thiết bị nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục để phục hồi, duy trì hoạt động. Tổng số vốn hỗ trợ lên đến 1.400 tỷ đồng.

Sau 2 năm chống cự với dịch bệnh Covid-19, đây được xem là chính sách “cấp cứu” kịp thời cho các trường mầm non tư thục, giải quyết được “cơn khát” nguồn vốn khi hoạt động giáo dục mầm non đã chính thức được khôi phục trở lại.

Gồng gánh 4 cơ sở mầm non tư thục, bà Nguyễn Thị Hiếu, chủ cơ sở Mầm non Golden Kids (Long Biên, Hà Nội) phải đóng cửa đến 2 cơ sở vì không đủ nguồn lực kinh tế. Đến khi các trường mầm non được chính thức hoạt động trở lại, bà chỉ biết thở dài vì “lực bất tòng tâm” vì nguồn vay cạn kiệt.

Vì thế, nhận được tin có gói tín dụng ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ vay vốn, bà Hiếu như được giải được bài toán vốn đã tồn đọng suốt 2 năm qua. “Hiện tại, có cơ sở vẫn đang tiếp tục được sửa chữa và nằm chờ nguồn vốn đầu tư. Do vậy, được sự quan tâm của Nhà nước cho vay vốn ưu đã, tôi cùng một số đồng nghiệp hết sức vui mừng”, bà Hiếu cho biết.

Cũng theo bà, trong suốt 2 năm vừa qua, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chịu rất nhiều áp lực về cả kinh tế lẫn nguồn lực con người.

“Doanh thu bằng 0 nhưng vẫn phải chi trả các khoản tiền mặt bằng cùng các chi phí liên quan. Sau 2 năm, giáo viên cũng đi hết mà cơ sở vật chất thì cũng đã xuống cấp. Nếu không nhận được hỗ trợ sớm, chúng tôi chẳng biết phải lấy kinh phí từ đâu để có thể khôi phục hoạt động”, bà Hiếu chia sẻ.

Mong chờ thủ tục nhanh gọn

Cũng giống bà Hiếu, ngay sau khi biết có nguồn vốn hỗ trợ, chị Nguyễn Kiều Trang, chủ cơ sở mầm non Hoạ Mi (Phúc Thọ, Hà Nội) đã cùng một số giáo viên lên phương án sữa chữa và đầu tư mới trang thiết bị học tập cho cơ sở mầm non của mình.

Chị Trang cho hay, việc có chính sách hỗ trợ đối với cơ sở mầm non thời điểm này là rất kịp thời và nhân văn. Theo đó, sau 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn kinh phí duy trì của nhiều cơ sở mầm non gần như cạn kiệt. Nếu không có hỗ trợ kịp thời, sẽ lại lâm vào tình trạng “của đóng then cài”.

Vui mừng là vậy, thế nhưng chị Trang cũng lo ngại về thời gian có thể giải ngân và các thủ tục cần thiết. Chị cho hay: “Điều chúng tôi mong mỏi nhất vẫn là bao giờ tiền mới có thể về tay. 2 năm chờ đợi vừa qua đã là quá đủ, thời gian này cần gấp rút hoàn tất mọi công tác chuẩn bị để đón học sinh trở lại trường. Vì thế rất cần những thủ tục nhanh chóng và tinh gọn để không làm mất thời gian vàng này”.

Cũng theo chị Trang, với một số trường mầm non nhỏ như chị, số tiền vay vốn 80 triệu đồng là tạm ổn để trang trải cho cơ sở vật chất, tuy nhiên với hệ thống các trường tư thục khác thì con số này còn quá nhỏ. Do vậy, Chính phủ cũng nên nghiên cứu và bổ sung một số quy định khác nhằm hỗ trợ dài hơi hơn đối với mầm non tư thục.

Là chủ một trường mầm non tư thục tại Cầu Giấy (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thanh Giang cũng bày tỏ: “Với quy mô nhỏ và cơ sở vật chất không quá nhiều như tại trường mầm non của tôi, gói cho vay lần này quả thực là một niềm mong mỏi, một niềm vui rất lớn bởi suốt 2 năm qua, chúng tôi đã phải gồng gánh quá nhiều khoản. Tuy nhiên, tôi chỉ băn khoăn về việc các thủ tục để có thể vay vốn có rườm rà, phức tạp hay không. Trong khi hầu hết các trường đều có nhu cầu này”.

Theo chị Giang, nếu không được phân bổ hợp lý và có thủ tục nhanh gọn, rất dễ dẫn đến tình trạng “làm cho có”, “vốn trên giấy”…

Về vấn đề thủ tục hành chính, giấy tờ để được vay vốn, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho biết, trong quá trình tham mưu xây dựng quyết định này, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội để hướng dẫn trình tự, thủ tục theo hướng giảm thiểu tối đa về thủ tục hành chính để các cơ sở giáo dục thuận lợi khi tiếp cận với chính sách.

Ngay tại quyết định đã có những mẫu biểu cụ thể để các cơ sở giáo dục kê khai, thực hiện. Để xác định đủ điều kiện vay vốn, các cơ sở giáo dục chỉ cần đến UBND cấp xã, nơi cơ sở giáo dục đăng ký thành lập, để xác nhận thời gian ngừng hoạt động theo yêu cầu phòng chống dịch.

Trong thời hạn 5 đến 10 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ của cơ sở giáo dục, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phê duyệt cho vay. Đối với mức vay đến 100 triệu đồng, các cơ sở giáo dục không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Đối với số tiền vay trên 100 triệu đồng, sẽ thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của Ngân hàng chính sách xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mầm non ngoài công lập: Đợi nguồn vốn hỗ trợ ‘về tay’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO